Với việc bị khai trừ đảng liên quan đến cáo buộc tham nhũng, hai cựu bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa có thể đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án trong phiên tòa quân sự.
Cả hai quan chức này đang đối mặt với việc bị truy tố trước Tòa án Quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Quyết định khai trừ tư cách đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với ông Lý và ông Ngụy đã được bảy ủy viên trong Bộ Chính trị thông qua vào hôm 27/6.
Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đã chuyển vụ việc đến các công tố viên quân đội.
Quyết định kỷ luật đối với hai quan chức này, khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sẽ được công bố trong phiên họp toàn thể từ ngày 15 đến 18/7.
Hiện cựu Ngoại trưởng Tần Cương, người đã bị cách chức, vẫn là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, dù đã mất chức ngoại trưởng và biến mất một cách bí ẩn từ cuối tháng 6/2023.
Hồi tháng 9/2022, cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa cũng đã bị tòa tuyên án tử hình sau đó được chuyển sang chung thân không được ân xá, liên quan đến tội nhận hối lộ và lạm quyền.
Ông Phó trước đó đã bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 117 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 410 tỷ đồng.
Vào thứ Năm 27/6, ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Ông Lý Thượng Phúc bị tình nghi đã nhận “những khoản tiền [hối lộ] rất lớn” cũng như hối lộ người khác và một cuộc điều tra đã phát hiện ông này “đã không hoàn thành trách nhiệm chính trị” và “tìm kiếm lợi ích cá nhân cho bản thân và người khác”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật, dẫn thông tin từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra lệnh tiến hành cuộc điều tra.
“Là một quan chức cấp cao hàng đầu trong đội ngũ của đảng và quân đội, ông Lý Thượng Phúc đã phản bội sứ mệnh,… phản bội niềm tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương,… gây tổn thất to lớn cho Đảng và nền quốc phòng,” truyền thông nhà nước trích dẫn thông cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồi tháng 10/2023, Trung Quốc đã chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, hai tháng sau khi ông đột ngột biến mất.
Lần cuối ông Lý Thượng Phúc xuất hiện trước công chúng là vào ngày 29/8/2023 tại diễn đàn an ninh với các quốc gia châu Phi tại Bắc Kinh. Ông mới đảm nhiệm chức bộ trưởng vào tháng 3/2023.
Người tiền nhiệm của ông Lý là cựu Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa (nắm giữ cương vị này từ năm 2018 tới 2023) cũng đã biến mất trước công chúng kể từ khi rời chức vào tháng 3/2023.
Ông Ngụy từng là tư lệnh của Bộ Tư lệnh Tên lửa thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2017.
Một cuộc điều tra được tiến hành nhằm vào ông Ngụy hồi tháng 9 năm ngoái đã phát hiện ông này đã nhận “một khoản tiền rất lớn cùng những tài sản quý giá khác” được hối lộ và “giúp người khác hưởng lợi trái phép thông qua những sự dàn xếp cá nhân”, theo Tân Hoa Xã. Hãng thông tấn nhà nước cũng nêu đánh giá rằng những hành động của ông Ngụy “về bản chất là cực kỳ nghiêm trọng, với tác động vô cùng xấu và gây thiệt hại trầm trọng”.
- Reuters: Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc đang bị điều tra tham nhũng16 tháng 9 năm 2023
- Lý Thượng Phúc: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị cách chức25 tháng 10 năm 2023
- Trung Quốc: Cuộc thanh trừng trong quân đội để lộ yếu điểm và sẽ tiếp tục lan rộng?31 tháng 12 năm 2023
‘Không chốn dung thân’
Những đồn đoán về một chiến dịch thanh trừng chống tham nhũng trong quân đội bắt đầu nhen nhóm trên mạng từ đầu tháng 8/2023 khi hai tướng trong Bộ Tư lệnh Tên lửa Trung Quốc bị thay thế. Thiếu tướng Trình Đông Phương, Chánh án Tòa án Quân sự của PLA, cũng bị thay thế chỉ sau khi nhậm chức vài tháng.
Hồi tuần rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản phụ trách các lực lượng vũ trang, thừa nhận PLA đang đối mặt với những vấn đề chính trị “ăn sâu vào cội rễ” và tuyên bố quan chức tham nhũng sẽ “không có chốn dung thân”.
Thượng Tướng Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương từng được đánh giá là những nhân vật thân tín với ông Tập.
Thế nên, khi những quan chức này bất ngờ “rớt đài”, nhiều nhà bình luận cho rằng ông Tập Cận Bình đã có thiếu sót trong việc đánh giá nhân sự.
Công cuộc thanh lọc quân đội của ông Tập có thể đã tạo bầu không khí sợ hãi trong quân đội và chính phủ, theo một số nhận định.
Từ đó, ông Tập có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là có được đội ngũ biết “nghe lời” nhưng điều này có thể mang đến những hậu quả khác.
Tiến sĩ James Char từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singpore) bình luận với BBC News vào tháng 9/2023 rằng tham nhũng đã trở thành vấn đề nan giải đối với quân đội Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi mở cửa nền kinh tế kể từ những năm 1970.
Qua nhiều năm tiến hành loại bỏ những người “không được lòng”, ông Tập dường như chỉ còn những người chỉ biết răm rắp nghe lời vây xung quanh mình, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Tiến sĩ James Char đánh giá.
“Chuyện thanh trừng sẽ tiếp diễn cho đến khi nào chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo chịu áp dụng một hệ thống pháp lý chuẩn mực thay cho các kỷ luật đảng,” Tiến sĩ James Char đánh giá thêm.