Hội nghị quốc tế về Afghanistan: Liên Hiệp Quốc bị chỉ trích vì nhượng bộ Taliban

Dưới sự điều phối của Liên Hiệp Quốc, hội nghị quốc tế về Afghasnistan lần thứ ba mở ra trong hai ngày kể từ hôm nay 30/06/2024 tại Doha, với sự tham gia của khoảng 20 nước. Lần đầu tiên phe Taliban cầm quyền ở Kaboul tham dự. Ngược lại đại diện của xã hội dân sự và nhất là phụ nữ Afghanistan hoàn toàn vắng mặt. Giới quan sát chỉ trích Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế gián tiếp công nhận chính sách « đàn áp nữ giới » của Taliban tại quốc gia Nam Á này.

Đăng ngày: 30/06/2024

FILE - A Taliban fighter stands guard as women wait to receive food rations distributed by a humanitarian aid group, in Kabul, Afghanistan, on May 23, 2023. Human Rights Watch said Monday, Feb. 12, 20
Phụ nữ Afghanistan xếp hàng nhận cứu trợ nhân đạo thủ đô Kabul. Ảnh chụp ngày 23/05/2023. AP – Ebrahim Noroozi

Thanh Hà

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, trong hai hội nghị quốc tế lần đầu về Afghanistan (tháng 5/2023 và tháng 2/2024) Taliban đã không được mời tham dự hay đã từ chối gửi đại diện đến Doha. Phe Taliban trở lại cầm quyền ở Kaboul từ tháng 8/2021 khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Không một đại diện nào trong xã hội dân sự, hay các tổ chức bảo vệ nữ quyền nào của Afghanistan được mời đến Doha trong hai ngày hội nghị chính thức. Amnesty International xem đây là « một tiền lệ hết sức đáng tiếc ». Các tổ chức bảo vệ nhân quyền coi đây là một bước thụt lùi, một nhượng bộ đáng « hổ thẹn » của Liên Hiệp Quốc. Trong hai ngày họp các bên hoàn toàn gạt quyền của phụ nữ Afghanistan ra bên lề. Đại diện của chính quyền Taliban biện minh rằng sự hiện diện của những phái đoàn khác tham dự hội nghị chứng tỏ đất nước ông « không đoàn kết ».

Về phần Heather Barr, thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Humain Rights Watch, trên đài RFI Pháp ngữ, bà cũng xem đây là một sự nhượng bộ quá đáng của Liên Hiệp Quốc :

« Thật là một cú sốc quá mạnh khi thấy Liên Hiệp Quốc lùi bước một cách quá rõ ràng trước những đòi hỏi của Taliban, chỉ để mong phe này đến dự hội nghị. Đối với Taliban thì đây là một thắng lợi vẻ vang về phương diện chính trị. Thông điệp kèm theo từ hội nghị lần này là cộng đồng quốc tế có thể tổ chức một hội nghị về Afghanistan, mà không có sự hiện diện của phụ nữ Afghanistan ».

G7 « thất vọng »

Trong một bức thư khối G7 gửi đến Liên Hiệp Quốc mà AFP đọc được, 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới bày tỏ « thất vọng » về chương trình hai ngày họp ở Doha lần này.

Trước những chỉ trích nói trên phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách về chính sách đối ngoại, bà Rosemary DiCarlo cải chính « thảo luận (với Taliban) không có nghĩa là công nhận (tính chính đáng của chính quyền này) ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment