Tổn thất khó bù đắp của ông lớn khí đốt Nga Gazprom

Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu 2024

Gazprom từng là công ty có lợi nhuận cao nhất của Nga, nhưng dự kiến đối mặt với hoạt động kém hiệu quả lâu dài khi mất thị trường khí đốt châu Âu.

Tổn thất khó bù đắp của ông lớn khí đốt Nga Gazprom
Thiết bị tại mỏ ngưng tụ khí Kovykta của Gazprom ở Irkutsk, Nga. Ảnh: Xinhua

Gần đây, Gazprom công bố khoản lỗ ròng hàng năm là 7 tỉ USD, lần đầu tiên kể từ năm 1999, sau khi việc bán khí đốt cho châu Âu sụt giảm mạnh.

Châu Âu là thị trường bán khí đốt lớn nhất của Gazprom trước năm 2022, khi xung đột ở Ukraina khiến EU giảm nhập khẩu khí đốt Nga.

Theo dữ liệu của Gazprom và tính toán của Reuters, Nga cung cấp khoảng 63,8 tỉ mét khối khí đốt cho châu Âu bằng nhiều tuyến đường khác nhau vào năm 2022. Khối lượng khí đốt Nga bán cho châu Âu tiếp tục giảm 55,6% xuống 28,3 tỉ mét khối vào năm ngoái.

Con số này rất nhỏ so với mức đỉnh 200 tỉ mét khối khí đốt mà Gazprom bơm sang EU và các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018.

Vụ nổ đường ống Nord Stream tháng 9.2022 cũng làm suy yếu đáng kể hoạt động buôn bán khí đốt của Nga với châu Âu.

Nga đã chuyển hướng sang Trung Quốc, tìm cách tăng doanh số bán khí đốt qua đường ống lên 100 tỉ mét khối mỗi năm vào năm 2030.

Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc thông qua Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) vào cuối năm 2019.

Hai bên có kế hoạch cung cấp khí đốt ở mức 38 tỉ mét khối hàng năm theo công suất thiết kế của Sức mạnh Siberia vào cuối năm nay. Mátxcơva và Bắc Kinh cũng đã nhất trí vào năm 2022 về xuất khẩu 10 tỉ mét khối khí đốt từ đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương.

Hy vọng lớn nhất của Nga là đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 đi qua Mông Cổ, dự kiến ​​xuất khẩu 50 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, dự án này đang gặp đình trệ do chưa thống nhất về giá cả và các vấn đề khác.

“Dù Gazprom sẽ có một số doanh thu xuất khẩu bổ sung khi tất cả các đường ống đó đi vào hoạt động, nhưng sẽ không bao giờ có thể bù đắp hoàn toàn cho hoạt động kinh doanh đã mất ở châu Âu” – Kateryna Filippenko, giám đốc nghiên cứu về khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, nhận định.

Cho đến nay, Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng này được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra lần đầu tháng 10.2022. Kể từ đó, chưa có tiến triển đáng kể nào được ghi nhận về trung tâm này.

Mỏ khí đốt ở Irkutsk, Nga được kết nối với đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia để đưa khí đốt sang Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Mỏ khí đốt ở Irkutsk, Nga được kết nối với đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia để đưa khí đốt sang Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Reuters lưu ý, ngay cả khi Gazprom có ​​thể vận hành đường ống dẫn khí đốt cung cấp khí đốt sang Trung Quốc thì doanh thu bán hàng sẽ thấp hơn nhiều so với từ châu Âu.

Theo công ty môi giới BCS có trụ sở tại Mátxcơva, doanh thu của Gazprom từ việc bán khí đốt sang châu Âu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 3,3 tỉ USD/tháng nhờ nguồn cung hàng tháng là 15,5 tỉ mét khối.

Nếu tính đến mức giá 286,9 USD/1.000 mét khối, theo báo cáo của Bộ kinh tế Nga, và lượng xuất khẩu khí đốt của Gazprom là 22,7 tỉ mét khối vào năm ngoái, tổng giá trị khí đốt của công ty Nga bán cho Trung Quốc có thể đạt tới 6,5 tỉ USD trong cả năm 2023.

Tiến sĩ Michal Meidan – người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford – chỉ ra, Trung Quốc khó có thể thay thế châu Âu là thị trường để Nga xuất khẩu khí đốt với lợi nhuận cao.

“Trung Quốc mang lại cho Nga một lối thoát nhưng với mức giá và doanh thu thấp hơn nhiều so với châu Âu” – bà nói.

Theo tài liệu mà Reuters xem được vào tháng trước, Nga dự kiến ​​giá khí đốt bán cho Trung Quốc tiếp tục giảm dần trong 4 năm tới, với kịch bản xấu nhất không loại trừ khả năng giảm 45% so với năm 2023 xuống còn 156,7 USD/1.000 mét khối (khoảng 4,4 USD/mmBtu) vào năm 2027.

Nguyên nhân giá khí đốt giảm không được nêu cụ thể. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, Nga đang đối mặt với cạnh tranh từ các nhà cung cấp khí đốt qua đường ống khác, như Turkmenistan, cũng như cạnh tranh cả ở lĩnh vực LNG vận chuyển bằng đường biển.

Bài Liên Quan

Leave a Comment