July 1, 2024
Hôm 1-7, theo tin từ Hãng Reuters, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố kết quả chính thức của vòng bỏ phiếu Quốc hội đầu tiên. Kết quả cho thấy Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã giành chiến thắng lớn.
RN và các đồng minh đã thu được khoảng 33% phiếu bầu, vượt qua liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NPF) với 28%. Nhóm trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ đứng ở vị trí thứ ba với 20%.
Đây là một kết quả đáng thất vọng đối với Tổng thống Macron, người đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm với hy vọng đạt được kết quả tốt hơn. Trái lại, chiến thắng này được coi là một cột mốc lịch sử cho RN và nhóm cực hữu tại Pháp.
Hiện tại, RN đang tiến vào vòng bầu cử thứ hai với sự tự tin cao, dù kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào việc xây dựng liên minh trước cuộc bỏ phiếu tuần tới. Tại Pháp và châu Âu, RN thường được nhận xét là một đảng chống nhập cư và hoài nghi về Liên minh châu Âu.
RN, sau một thời gian dài bị cô lập tại Pháp, hiện đang tiến gần tới quyền lực hơn bao giờ hết. Bà Le Pen đã nỗ lực cải thiện hình ảnh của đảng, tránh xa những nhận xét tiêu cực như phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.
Những điều chỉnh này đã tỏ ra hiệu quả khi nhiều cử tri phẫn nộ với tình hình kinh tế dưới thời ông Macron và lo ngại về vấn đề nhập cư.
Tuần tới sẽ là thời điểm quyết định khi RN có cơ hội thành lập chính phủ nếu giành được đa số phiếu, trong khi các đảng khác đang tìm cách thỏa hiệp để ngăn chặn điều này.
Ngày 30-6, lãnh đạo từ cả NPF và liên minh trung dung của ông Macron đã tuyên bố sẽ rút ứng viên của mình tại các khu vực bầu cử nếu ứng viên khác có cơ hội đánh bại đại diện của RN.
Giới quan sát cho rằng RN có thể đẩy chính trị Pháp vào thế tam mã, và nếu đảng này thắng một ghế trong cuộc đua ấy, các đảng ở vị trí thứ hai và ba sẽ cần đàm phán để quyết định ai sẽ rút lui.
Để chiến thuật này thành công, cần có sự thỏa hiệp, nơi các cử tri trung tả ủng hộ một ứng viên trung hữu và ngược lại. Tuy nhiên, “mặt trận Cộng hòa” này đang suy yếu khi cử tri ngày càng không muốn bỏ phiếu cho các đảng khác có lập trường chính sách không phù hợp với họ. (KTT)