Trong một loạt tuyên bố gần đây, một số lãnh đạo Ukraina, trong đó có cả tổng thống Volodymyr Zelensky, đã bày tỏ mong muốn không “kéo dài chiến tranh”, cho dù họ có phải chấp nhận vài nhân nhượng.
Đăng ngày: 02/07/2024
Vào ngày 21/06/2024, chỉ một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraina, diễn ra tại thành phố Bürgenstock trên dãy núi Alpes Thụy Sĩ, phía Ukraina bày tỏ ý muốn nhân đà này nên tổ chức một hội nghị quốc tế lần thứ hai từ đây đến cuối năm nay. Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraina, ông Igor Zhovkva, được nhật báo trực tuyến Ukraïnska Pravda trích dẫn, đã tuyên bố : “Việc này không nên kéo dài. Ukraina, hơn ai hết, mong muốn hòa bình càng nhanh càng tốt”. Ông cũng đề nghị là hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo nên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Nam bán cầu, mà không nêu rõ đó là nước nào.
Tuy nhiên, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraina nói thêm: “Nhưng chúng tôi chắc chắn không muốn một nền hòa bình dựa trên sự thừa nhận thực tế trên thực địa, như đòi hỏi của phía Nga”, ám chỉ rõ ràng đến các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Andreï Ermak, chánh văn phòng của tổng thống Ukraina, vốn được xem là nhân vật quyền lực thứ hai ở nước này, thậm chí còn thừa nhận rằng, khác với hội nghị Bürgenstock, Nga có thể được mời dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.
Đây cũng là quan điểm của ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba. Trong một tuyên bố được tờ báo Strana của Ukraina trích dẫn bằng tiếng Nga, ông Kuleba nói: “Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ phải đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh. Và tất nhiên là chúng ta cần phía bên kia trên bàn đàm phán. Đó là điều đương nhiên”.
Trong chuyến thăm Bruxelles vào ngày 27/06, chính tổng thống Zelensky cũng đã khẳng định Ukraina không mong muốn “kéo dài chiến tranh”, mà muốn tập trung vào việc giải quyết xung đột một cách hòa bình. Ông nói: “Chúng ta không có nhiều thời gian, vì đã có rất nhiều người bị thương và chết trên chiến trường, cũng như nhiều thường dân thiệt mạng. Cho nên chúng tôi không muốn cuộc chiến này tiếp diễn trong nhiều năm nữa”.
Theo tuần báo Courrier international, những tuyên bố nói trên của ông Zelensky đã gây được tiếng vang rộng rãi cả trên báo chí Ukraina lẫn báo chí của Nga, dù là báo chí độc lập hay chính thức, “vì đó là sự thừa nhận một thực tế mà từ lâu không ai nói”.
Tiếp đến, trong cuộc họp báo tại Kiev ngày 28/06, tổng thống Zelensky thông báo đang vạch một kế hoạch mới để chấm dứt chiến tranh, tuy vẫn tăng cường về mặt quân sự để có thể buộc Nga chấp nhận “một nền hòa bình công bằng”. Ngày 30/6, các kênh chính thức của phủ tổng thống Ukraina cũng đã phát đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn dài của ông Zelensky với một nhà báo của tờ nhật báo Mỹ The Philadelphia Inquirer.
Trong cuộc phỏng vấn này, tổng thống Ukraina đã nêu rõ các điều kiện để có thể diễn ra đàm phán hòa bình với Nga. Theo ông, công thức duy nhất có hiệu quả cho đến nay để đạt được thỏa thuận với phía Nga là thỏa thuận về việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, đạt được vào năm 2022 dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Ông Zelensky cho rằng mô hình có sự tham gia của hai nhà trung gian hòa giải này có thể được áp dụng cho các cuộc đàm phán về “toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và vận tải hàng hải”.
Theo nhật báo Zerkalo Nedely của Ukraina, để có thể tuyên bố Ukraina chiến thắng, lần đầu tiên tổng thống Zelensky không còn nêu mục tiêu “trở lại biên giới năm 1991”, mà cho đến nay vẫn là một điều kiện thiết yếu đối với Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga. Kể từ nay ông chỉ muốn được bảo đảm Nga không mở một cuộc tấn công mới vào Ukraina.
Khi được hỏi vào ngày 1/07 về khả năng tiến hành đàm phán với Ukraina thông qua các nhà trung gian hòa giải, phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov, không giống như những quan chức khác ở Nga, đã không bác bỏ ý tưởng này ngay lập tức. Được nhật báo kinh tế Vedomosti trích dẫn, ông Peskov khẳng định: “Tổng thống Putin đã nhiều lần nói Liên bang Nga sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc đối thoại nhằm đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra cho mình. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó”.