Thủ tướng Hungary Viktor Oraban, vẫn được biết là một người thân Nga, công du Kiev trên cương vị chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, đã kêu gọi Ukraina chấp nhận « ngừng bắn » để tạo điều kiện thương lượng hòa bình với Nga. Ngừng bắn trong điều kiện hiện tại là điều đi ngược lại lập trường của Liên Âu cũng như của Ukraina.
Đăng ngày: 03/07/2024
Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev cho biết thêm thông tin :
« Viktor Orban và Volodymyr Zelensky đã họp báo chung. Không có gì bất ngờ, lãnh đạo Hungary đã hối thúc đồng nhiệm Ukraina chấp nhận ngừng bắn để đạt được hòa bình. Thủ tướng Viktor Orban nói : « Tôi đã đề nghị tổng thống Zelensky xem xét khả năng ngừng bắn một cách nhanh chóng. Đó là ngừng bắn giới hạn trong thời gian nhất định để giúp thúc đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình với Nga ».
Về phần mình, tổng thống Volodymyr Zelensky biện hộ cho việc duy trì hậu thuẫn và viện trợ quân sự của các nước châu Âu cho Ukraina. Chính phủ của Viktor Orban trong quá khứ đã nhiều lần ngăn cản các khoản viện trợ của Bruxelles cho Kiev. Vì thế người ta thấy không chắc gì chuyến thăm Kiev đầu tiên của ông Viktor Orban từ 12 năm qua có thể giúp hai nước xích lại gần nhau hơn.
Từ đầu cuộc xâm lược Ukraina của Nga, ông Viktor Orban thường tỏ ra là người phát ngôn cho các đề xuất của Kremlin. Đây dường như cũng là trường hợp lần này, khi ông nêu ý tưởng ngừng bắn, như các lãnh đạo Nga vẫn hay đặt lên trước.
Tại Kiev, nhiều người lo ngại việc Donald Trump quay lại cầm quyền ở Mỹ vào mùa thu năm nay và sự lên ngôi của trục dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nước, trục Washington, Budapest và thậm chí Paris, sẽ được khai thác để ép Ukraina thỏa hiệp về lãnh thổ. »
Tại cuộc họp báo, tổng thống Ukraina không phản ứng ngay với các đề nghị của lãnh đạo Hungary, nhưng trong phát biểu hàng ngày vào buổi chiều với người dân, ông Zelensky đã nói mời Hungary và thủ tướng Orban tham gia « những nỗ lực đã được triển khai » nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới vì hòa bình cho Ukraina, sau hội nghị lần đầu tại Thụy Sĩ tháng trước.
Trước đây, lãnh đạo Ukraina đã bác bỏ ý kiến hưu chiến, vì cho rằng Matxcơva lợi dụng để củng cố lực lượng. Kiev đòi rút toàn bộ quân Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraina, kể cả bán đảo Crimée, đã bị Nga sáp nhập năm 2014, và bồi thường thiệt hại do cuộc chiến tranh xâm lược từ năm 2022 đến nay.