Chịu áp lực trên chiến trường vì quân Nga vẫn liên tục oanh kích, Ukraina phải chịu thêm áp lực trả nợ. Chính quyền Kiev chỉ còn một tháng để đạt được đồng thuận với các chủ nợ nước ngoài vì ân hạn, đạt được ngay sau khi Matxcơva mở cuộc xâm lược Ukraina năm 2022, sẽ kết thúc ngày 01/08/2024.
Đăng ngày: 03/07/2024
Ukraina rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Vòng đàm phán đầu tiên với các chủ nợ tư nhân đã thất bại. Các chủ nợ, hiện giữ khoảng 20 tỉ đô la tiền nợ của Ukraina, chủ yếu là hai quỹ quản lý trái phiếu lớn nhất thế giới là BlackRock của Mỹ và Amundi của Pháp, đã từ chối đề xuất của Kiev là giảm 60% giá trị trái phiếu, thấp hơn 3 lần so với mức đề xuất 20% và kéo dài ân hạn, có nghĩa là tiếp tục tạm ngừng trả nợ. Theo bộ trưởng Tài Chính Ukraina, « việc này sẽ giúp Ukraina có thể tiếp cận được trở lại các thị trường và hỗ trợ quá trình tái thiết đất nước ».
Nếu không đạt được đồng thuận, Ukraina sẽ phải trả từ 3 đến 4 tỉ đô la hàng năm trong khi lại đang phải khẩn trương tái cấu trúc nợ để tiếp tục được hưởng kế hoạch cứu trợ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế – FMI. Một trong những điều kiện để nhận được khoản vay 15,6 tỉ đô la trong vòng 4 năm của FMI là « chính phủ (Ukraina) phải tiết kiệm hơn 4 tỉ đô la trong năm nay (2024) », theo bà Oleksandra Betliy, thuộc trung tâm tư vấn IED ở Kiev, đồng thời phải triển khai nhiều biện pháp thuế khóa và chống tham nhũng.
Tuy nhiên, « dường như các chủ đầu tư không đoái hoài đến viễn cảnh tiêu cực của nền kinh tế Ukraina », theo chuyên gia Oleksandra Betliy. Sau một thời gian đạt được mức tăng trưởng tương đương năm 2023, nhịp độ này đã bị hạ xuống còn 3,5% đến 4,6% do mạng lưới công trình năng lượng bị Nga oanh kích, làm mất đi hơn 70% khả năng sản xuất. Hậu quả là nguồn thu ngân sách của chính phủ bị tác động mạnh dù trước đó chính quyền đã cải thiện nguồn thu thuế theo yêu cầu của FMI, như kiểm tra nghiêm ngặt để chống thất thu, tăng một số loại thuế, tạo thuận lợi trong việc thanh toán qua các ứng dụng kỹ thuật số…
Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 27/06 cho rằng sức ép từ các chủ nợ tư nhân nước ngoài tạo thêm áp lực mới đối với Ukraina, bị suy yếu từ hơn hai năm qua vì vừa phải duy trì phát triển kinh tế, vừa phải chi viện cho chiến tranh và phải tìm ra được các nguồn vốn mới để tái thiết. Tuy nhiên, giới chủ nợ cũng phải thu hồi các khoản đầu tư để chi trả cho khách hàng. Trong khi đó, Ukraina cạn tài chính, nợ công đã tăng thêm 50% kể từ đầu chiến tranh và sẽ tương đương với GDP của nước này từ nay đến cuối năm 2024. Viễn cảnh Ukraina mất khả năng thanh toán là nhãn tiền nếu không tìm ra được đồng thuận từ nay đến ngày 01/08.
Các nước đồng minh phương Tây hứa hỗ trợ tài chính cho Kiev, ví dụ 50 tỉ đô la được G7 hứa vào tháng 06 hoặc khoảng vay 60 tỉ đô la được Quốc Hội Mỹ thông qua, nhưng số tiền này chưa được chuyển cho Ukraina. Thêm vào đó, những khoản tiền này được chủ yếu dành cho chi tiêu quân sự.
Dù Ukraina sẽ không bị tác động nhiều trên thị trường tài chính vì không còn vay mượn kể từ khi xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, uy tín của Ukraina sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi vì một quốc gia đang có chiến tranh thường rất chăm chút mối quan hệ với các chủ nợ và hiếm khi để xảy ra trình trạng mất khả năng thanh toán. Trước đây đã có trường hợp của Nga năm 2022 sau khi bị các nước phương Tây trừng phạt hoặc Irak trong thập niên 1980 khi có chiến tranh với Iran. Nhưng cả hai nước này đều có nguồn dự trữ dầu khí dồi dào để trấn an các nước chủ nợ. Nhưng Ukraina hiện không có gì trong khi đất nước bị tàn phá.
Tình hình Ukraina hiện nay không hề khả quan. Các nước đồng minh phương Tây của Kiev không thể trả nợ hộ Ukraina vì điều đó đồng nghĩa với việc chính những người đóng thuế ở Mỹ hay ở châu Âu trả cho các chủ nợ tư nhân. Đây là điều khó có thể thuyết phục được về mặt chính trị, theo nhận định của RFI. Ukraina mất khả năng trả nợ đồng nghĩa với việc các nước đồng minh để khối tư nhân hứng chịu « gánh nặng » chiến tranh. Lựa chọn này chắc chắn sẽ tác động đến sự đoàn kết trong việc hỗ trợ cho Ukraina.