Chuyên gia phân tích mối quan hệ giữa Bắc Hàn, Trung Quốc, và Nga

Chuyên gia phân tích mối quan hệ giữa Bắc Hàn, Trung Quốc, và Nga

Ảnh chụp Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp mặt và bắt tay tại Trung tâm phóng vệ tinh của Nga vào ngày 13/09/2023. (Ảnh: Mikhail Metzel/POOL/AFP qua Getty Images)

BTV Epoch Times Hoa Ngữ

Thứ hai, 03/6/2024

Gần đây, Bắc Hàn chỉ trích gay gắt tuyên bố “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” trong cuộc hội đàm ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Nam Hàn, đồng thời nước này cũng đã phóng vệ tinh, tuy nhiên vệ tinh phát nổ ngay sau khi phóng. Cũng trong thời gian gần đây, việc Bắc Hàn bán vũ khí cho Nga bị phơi bày. Các chuyên gia cho rằng vũ khí hạt nhân là vũ khí chiến lược quan trọng nhất để Bắc Hàn và Nga đối đầu với Hoa Kỳ và chống lại phương Tây. Trong khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn là kẻ đứng phía sau thúc đẩy mọi việc, ngoài mặt lại biểu hiện đồng thuận với Nhật Bản và Nam Hàn. Mối liên hệ giữa Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga chỉ là sự hợp tác theo nhu cầu của mỗi bên. Tuy nhiên, mối liên hệ này ngày càng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.

Bắc Hàn hiếm khi chỉ trích gay gắt tuyên bố của Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn

Hôm thứ Hai (27/05), Bắc Hàn công khai lên án hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn diễn ra trước đó đã thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng chỉ trích tuyên bố chung của ba bên là xâm phạm chủ quyền của Bắc Hàn, gọi đó là “khiêu khích chính trị nghiêm trọng”, là “thách thức công khai” đối với chủ quyền của Bắc Hàn và “can thiệp tùy tiện” vào công việc nội bộ của họ.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Nhật Bản-Nam Hàn nói rằng, “(Ba bên) tái khẳng định lập trường về hòa bình và ổn định khu vực cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.” Điều này khác với các tuyên bố tương tự vào năm 2019 và trước đó, vốn không đề cập đến cam kết phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, Bắc Hàn còn phóng vệ tinh do thám quân sự, quấy nhiễu một hoạt động ngoại giao quan trọng của ĐCSTQ. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, tuyên bố của Bắc Hàn về vụ phóng vệ tinh được đưa ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đang ở Seoul để chuẩn bị gặp gỡ các lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản và Nam Hàn, trong khuôn khổ cuộc đối thoại ba bên tổ chức lần đầu tiên sau gần 5 năm.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã lập tức lên án vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn. Tuy nhiên, vệ tinh này đã phát nổ không lâu sau khi phóng lên không trung. Vụ việc xảy ra vào tối thứ Hai (27/05), vài giờ sau khi cuộc đối thoại ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn kết thúc.

Bắc Hàn dùng “vũ khí hạt nhân” đe dọa Nam Hàn và Nhật Bản, thách thức Hoa Kỳ

Hôm 31/05, giáo sư Chung Chí Đông (Zhong Zhidong) thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan đã phân tích và chia sẻ quan điểm với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Ông Chung cho biết, tất nhiên điều này liên quan chủ yếu đến chủ quyền và lợi ích chiến lược của Bắc Hàn. Xét về mặt chủ quyền, Bắc Hàn đã đưa lập trường về “sở hữu vũ khí hạt nhân” vào hiến pháp.

“Về mặt lợi ích chiến lược, vũ khí hạt nhân hiện là vũ khí chủ yếu giúp Bắc Hàn có thể dùng nhỏ chống lớn để đối đầu với Nam Hàn và Nhật Bản, đặc biệt là Hoa Kỳ.”

Bắc Hàn liên tục thay đổi thái độ về vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân. Vào những năm 1990, vì Nam Hàn chuẩn bị phát triển vũ khí hạt nhân, nên Bắc Hàn đã đề xướng phi hạt nhân hóa và ký kết thỏa thuận với Nam Hàn. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã rút các chiến thuật vũ khí hạt nhân khỏi Nam Hàn.

Tuy nhiên, tháng 10/2006, Bắc Hàn tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Cho đến năm 2017, Bắc Hàn đã thực hiện tổng cộng 6 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Năm 2018, sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, hai bên đồng thuận tuyên bố chung chấp nhận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, vào năm 2022, trước khi Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra, ông Kim Jong-un đưa việc sở hữu vũ khí hạt nhân vào hiến pháp, gọi đó là trạng thái “không thể đảo ngược.”

Giáo sư Chung Chí Đông phân tích, “Nếu Bắc Hàn không có vũ khí hạt nhân, thì họ không có khả năng đe dọa nào, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ. Vì vậy, sở hữu vũ khí hạt nhân là phương pháp quan trọng để Bắc Hàn tiến hành chiến lược không đối xứng.”

Hiện nay, Bắc Hàn không chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn đang phát triển hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa tầm xa, với tham vọng tấn công Hoa Kỳ. Giáo sư Chung nói, “Tất nhiên, điều này sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể đối với Hoa Kỳ. Đây cũng là điểm duy nhất mà Bắc Hàn có thể thách thức Hoa Kỳ.”

Phó giáo sư Mã Chuẩn Uy (Ma Zhunwei) từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Sự vụ Quốc tế, Đại học Đạm Giang (Đài Loan) cũng cho rằng, đối với ông Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn là lá bùa hộ mệnh của ông ấy. “Nói cách khác, lý do ông Kim Jong-un có thể giằng co với Hoa Kỳ trong thời gian dài như vậy, là do ông ta nắm trong tay vũ khí hạt nhân và các hỏa tiễn không ngừng được cải tiến. Đây là vấn đề then chốt trong sự phát triển quốc gia của ông ta.”

Bắc Kinh mâu thuẫn về vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn? Trên thực tế, Bắc Hàn là ‘lá bài’ của Bắc Kinh

Bề ngoài, ĐCSTQ luôn kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bắc Hàn và các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, [các cuộc đàm phán này] chưa bao giờ thành công. Nhiều phân tích cho rằng, ĐCSTQ là kẻ đứng sau thúc đẩy Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân.

Về tuyên bố “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” trong cuộc họp ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Nam Hàn lần này, ông Ma Chuẩn Uy cho rằng, “Tất nhiên Nhật Bản và Nam Hàn cũng hoan nghênh, vì Nam Hàn bị Hoa Kỳ kiềm chế, nên không thể nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân.”

Ông Chung Chí Đông cho biết, việc Bắc Kinh tham gia kêu gọi “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” cùng Nhật Bản và Nam Hàn, “đương nhiên sẽ gây ra tổn thương rất lớn đối với Bắc Hàn.”

Sự khiêu khích của Bắc Hàn ngày càng trở nên thường xuyên và gay gắt. Điều này không tránh khỏi việc có sự liên đới với ĐCSTQ. Ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, từng có một bài viết đăng trên The Epoch Times nói rằng rất có thể ĐCSTQ đã bắt đầu giúp Bắc Hàn phát triển năng lực vũ khí hạt nhân từ đầu thế kỷ 21.

Ông Fisher cho biết, “ĐCSTQ gần như không che giấu hành vi liên tục cung cấp một lượng lớn công nghệ, và trợ giúp Bắc Hàn phát triển chương trình hỏa tiễn hạt nhân.”

“Mục đích đầu tiên là đe dọa và ngăn chặn Hoa Kỳ, khiến Hoa Kỳ e ngại thực hiện tấn công quy mô lớn vào chế độ độc tài của Bình Nhưỡng. Thứ hai là để Bình Nhưỡng trở thành kẻ ‘lưu manh’ thay cho ĐCSTQ, tạo ra nguy cơ hạt nhân nhằm phân tán nguồn lực quân sự của Hoa Kỳ. Từ đó ĐCSTQ có thể có cơ hội xâm phạm Đài Loan.”

Đối với ngoại giới, ĐCSTQ luôn tuyên bố thực hiện chính sách không liên minh, nhưng Bắc Hàn là quốc gia duy nhất có hiệp ước liên minh với Bắc Kinh. Trung Quốc và Bắc Hàn ký hiệp ước hợp tác hữu nghị vào năm 1961. Dưới các chế tài của quốc tế, nền kinh tế Bắc Hàn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.

Ông Fisher nói, “Tất nhiên, tầm ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc đối với Bắc Hàn thực sự đã khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, cần đến sự trợ giúp của Bắc Kinh.”

Ông Chung Chí Đông nói, điều này cũng giúp nâng cao sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn, vì các quốc gia này kỳ vọng vào sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến Bắc Hàn.

“Vì vậy, lúc này Bắc Kinh có thể dùng quân bài Bắc Hàn để phản công Nhật Bản và Nam Hàn, thậm chí yêu cầu Nhật Bản và Nam Hàn không đối đầu với Bắc Kinh trong các vấn đề khác. Tôi nghĩ điều này cũng tăng cường vị thế của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Nam Hàn,” ông Chung cho biết.

Phân tích: Bắc Hàn bán vũ khí cho Nga, ĐCSTQ viện trợ quân sự cho Nga, ba quốc gia này đang lợi dụng lẫn nhau

Ngoài ra, những năm gần đây Bắc Hàn đã nâng cấp mối bang giao với Nga. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, mối bang giao giữa Bắc Hàn và Nga ngày càng được tăng cường. Năm 2023, ông Kim Jong-un đến thăm Nga, và tiến hành một cuộc hội nghị thượng đỉnh với ông Putin. Tháng 05/2024, điện Kremlin cho biết chuyến thăm Bắc Hàn của ông Putin “đang được chuẩn bị.”

Tương tự như việc Bắc Hàn đe dọa Nam Hàn, Nhật Bản, và Hoa Kỳ. Nga cũng dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa Ukraine và NATO. Trong hai năm qua, Tổng thống Nga Putin đã ba lần đe dọa sử dụng kho vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi Nga liên tiếp gặp thất bại trên chiến trường. ĐCSTQ cũng tuyên bố rõ ràng về cuộc chiến Nga-Ukraine rằng họ không muốn thấy chiến tranh hạt nhân.

Ông Chung Chí Đông cho biết, “Trên thực tế, chúng ta có thể thấy gần đây Nga không quan tâm đến lập trường không sử dụng vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ, và đe dọa hạt nhân đối với châu Âu và Hoa Kỳ. Điều này giống với Bắc Hàn.”

“Vũ khí hạt nhân đối với Bắc Hàn và Nga là vũ khí chiến lược quan trọng nhất để họ chống lại phương Tây.”

Gần đây, Nga bị phát hiện sử dụng vũ khí của Bắc Hàn trong thời gian dài. Hôm thứ Tư (29/05), Ngũ Giác Đài ở Hoa Kỳ đưa ra báo cáo cho biết Nga đang sử dụng hỏa tiễn đạn đạo do Bắc Hàn sản xuất trong cuộc chiến với Ukraine. Báo cáo trích dẫn phân tích các mảnh vỡ cho thấy, “Các mảnh vỡ hỏa tiễn của Bắc Hàn được phát hiện khắp nơi ở Ukraine”. Điều này đã xác nhận các cáo buộc lâu nay rằng Bình Nhưỡng đang vận chuyển vũ khí cho Moscow.

Hãng thông tấn chính thức của Bắc Hàn KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, giải thích rằng Bắc Hàn phát triển vũ khí để đối phó với Nam Hàn. Tuy nhiên, VOA dẫn lời phân tích của các chuyên gia cho biết loạt phóng thử nghiệm gần đây của Bắc Hàn bao gồm nhiều lần phóng hỏa tiễn, hỏa tiễn hành trình, và hỏa tiễn đạn đạo, có thể nhằm sử dụng trên chiến trường Ukraine.

ĐCSTQ cũng đang cung cấp viện trợ quân sự cho Nga. Hôm thứ Hai (27/05), Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết trong buổi diễn thuyết tại Brussels, Bỉ, rằng sự hỗ trợ của ĐCSTQ đang giúp Moscow tái thiết lực lượng quân sự, không chỉ tăng cường sức mạnh chiến đấu của Nga mà còn “có thể tạo ra thách thức chiến lược đối với các quốc gia khác ở châu Âu.”

Ông Campbell cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể phải đối mặt với các chế tài trừng phạt tiếp theo từ Hoa Kỳ và các quốc gia NATO khác.

Ông Chung Chí Đông cho rằng, “Thực ra, mối quan hệ ba bên giữa Bắc Hàn, Trung Quốc (ĐCSTQ), và Nga hiện nay là theo nhu cầu của mỗi bên, và cả ba đều cần nhau. Vì Bắc Hàn và Nga hiện được xem là quốc gia đang bị các nước phương Tây và Hoa Kỳ cô lập hoàn toàn. ĐCSTQ cũng đang bị các nước phương Tây và Hoa Kỳ từng bước cô lập dần dần.”

Ông Chung nói, sự kết hợp giữa Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn thực chất chỉ là hình thức và là lựa chọn bắt buộc hiện tại. Nhưng cả ba nước này đều đang dùng sách lược hai mặt.

Trình Tĩnh – Dịch Như thực hiện

Tiểu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Bài Liên Quan

Leave a Comment