Các chuyên gia độc lập hôm 4/7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ ông Y Quynh Bđăp, thông cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc phát đi cùng ngày cho hay.
Y Quynh Bđăp là một nhà hoạt động nhân quyền, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan.
Các chuyên gia nhân quyền độc lập kêu gọi Thái Lan “từ chối dẫn độ ông Y Quynh Bđăp hay bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng đang tìm kiếm sự bảo vệ ở nước này phải hồi hương”.
Ông Y Quynh Bđăp sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn và đang chờ tái định cư sang một nước thứ ba.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC hôm 14/6, mục sư A Ga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ tại Tây Nguyên hiện đang tỵ nạn tại Mỹ, nói rằng Y Quynh Bđăp đã gọi điện cho ông trước khi bị bắt.
Mục sư A Ga thuật lại với BBC:
“Hôm 4 và 5/6, Y Quynh báo cho tôi là cảm thấy không ổn vì cảnh sát đã biết nơi ở của anh ấy.
“Sau đó Y Quynh phải tách rời vợ con, nhờ một tổ chức cho trốn vài ngày ở khách sạn.
“Lúc anh ấy ở trong khách sạn thì cảnh sát bao vây bên ngoài.
“Vào ngày thứ Hai vừa rồi (11/6), tôi gọi cho Y Quynh thì không nghe máy. Sau đó nhận được tin Y Quynh đã bị bắt.”
“Y Quynh Bđăp khi đó đang trốn trong một khách sạn nhưng tối đó có tin anh ấy ra ngoài đi mua dép. Vừa ra ngoài thì cảnh sát Thái Lan ập tới bắt.”
“Ông Y Quanh Bđăp vừa có cuộc phỏng vấn với Sở Di trú Canada hôm 4/6 và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức đi định cư tại Canada.”
Ông Y Quanh Bđăp bị chính quyền Việt Nam kết án vắng mặt với cáo buộc khủng bố liên quan đến vụ tấn công vào các cơ quan chính quyền ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023.
Ông bị kết án vắng mặt 10 năm tù sau phiên tòa xét xử 100 bị cáo mà các chuyên gia độc lập cho rằng “không đáp ứng tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật pháp quốc tế”.
Y Quanh Bđăp hiện đang bị giam tại một nhà ở Bangkok, chờ ra tòa vào tháng tới để quyết định ông có bị dẫn độ về Việt Nam hay không.
Các chuyên gia kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không trục xuất theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị ép phải mất tích, hoặc thậm chí bị mất mạng.
Các chuyên gia cho biết: “Chúng tôi tin rằng, nếu bị dẫn độ, Y Quanh Bđăp sẽ có nguy cơ bị cưỡng ép phải mất tích, bị tra tấn, bị đối xử tệ bạc hoặc chịu các hình thức trừng phạt hà khắc khác…”
Các chuyên gia hoan nghênh Luật Ngăn chặn tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan, có hiệu lực vào ngày 22/2/2023. Luật này cấm chính quyền Thái Lan “trục xuất hoặc dẫn độ một người đến một quốc gia khác nơi có căn cứ xác đáng để tin rằng người đó sẽ có nguy cơ bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị hạ nhục hoặc bị cưỡng bức mất tích”.
Các chuyên gia cũng hoan nghênh việc Thái Lan phê chuẩn Công ước quốc tế về bảo vệ người dân khỏi bị cưỡng bức mất tích vào ngày 14/5/2024, trong đó cấm đưa một người quay trở lại nơi họ có nguy cơ bị cưỡng bức mất tích.
Theo các chuyên gia, người Thượng và các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam là nạn nhân của sự phân biệt đối xử và ngược đãi khác, bao gồm việc bị buộc phải từ bỏ các tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận và chuyển sang các cơ sở do nhà nước quản lý; xét xử hình sự các nhà lãnh đạo tôn giáo; và lạm dụng các cáo buộc khủng bố.
Các chuyên gia cho rằng tổ chức phi chính phủ Người Thượng vì Công lý đã bị chính phủ Việt Nam liệt vào danh sách một tổ chức khủng bố một cách oan ức. Các chuyên gia cũng nêu lên mối lo ngại về khả năng một người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam đã bị tra tấn đến chết vào tháng 3/2024.
Trước những rủi ro mà người Thượng phải đối mặt ở Việt Nam, nhiều người đã tìm kiếm sự bảo vệ ở Thái Lan. Các chuyên gia kêu gọi Thái Lan công nhận tình trạng tị nạn của họ theo luật trong nước, đặc biệt là theo Cơ chế Sàng lọc Quốc gia, hợp lý hóa tình trạng cư trú của họ và bảo vệ họ trước sự đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền nước ngoài.
Các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Việt Nam và Thái Lan về vấn đề này. Vì một số người Thượng đang chờ tái định cư hoặc đang chờ được duyệt hồ sơ xin tị nạn ở một nước thứ ba, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích các quốc gia này xử lý hồ sơ nhanh nhất có thể.