Đăng ngày: 04/07/2024
Bất chấp 14 chuỗi biện pháp trừng phạt có quy mô lớn chưa từng có, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và không « bị sụp đổ » như phương Tây trông đợi. Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), tăng trưởng kinh tế Nga năm 2024 sẽ ở mức 3,2%, tuy giảm nhẹ so năm 2023 là 3,6%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với nhiều cường quốc phương Tây. Le Monde Diplomatique số ra tháng 6/2024 đặt câu hỏi : Làm thế nào Nga vượt qua được những đòn trừng phạt đó ?
Quả thật, việc quân sự hóa nền kinh tế Nga cũng như tình trạng thiếu nhân công hay những khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ phương Tây có thể có những tác động tiêu cực trong trung hạn. Nhưng hiệu quả hoạt động kinh tế Nga, được đại đa số các nhà phân tích công nhận và được các định chế quốc tế xác nhận, đã tạo nên một bất ngờ lớn cho phương Tây.
Nga, đại cường xuất khẩu dầu khí và công nghiệp quốc phòng
Tuyên bố « sẽ làm cho nền kinh tế Nga sụp đổ » đã phản ảnh có một quan điểm đồng thuận trong nội bộ giới lãnh đạo phương Tây, theo đó, quân đội Nga, sớm bị cạn vũ khí vì thiếu linh kiện điện tử cũng như nguồn tài chính do thiếu nguồn thu đô la từ dầu lửa, sẽ bị đánh bại ở Ukraina. Nhưng hai năm sau, kết quả không như mong đợi.
Trong bài viết đăng trên tờ Le Monde Diplomatique, David Teurtrie, tiến sĩ địa lý, giảng viên Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo, trước hết cho rằng phương Tây đã quá xem nhẹ thực lực kinh tế Nga, khi đưa ra đánh giá « Nước Nga có GDP chỉ bằng Tây Ban Nha » hồi tháng 02/2022.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP danh nghĩa của Nga trong năm 2022 xếp ở hạng thứ 8 (so với mức hạng thứ 15 của Tây Ban Nha). Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi dành riêng cho RFI Tiếng Việt, David Teurtrie, cũng là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO), giải thích chỉ số GDP vẫn có thể được tính theo một cách khác : Sức mua tương đương (GDP PPP).
David Teurtrie : « Trong trường hợp này, nếu chúng ta tính theo sức mua tương đương, thì Nga đúng hơn là đứng hàng thứ 5, vì vậy nước này nằm trong nhóm các nước dẫn đầu. Đây cũng là một cách đánh giá các nền kinh tế và cách thức đo lường sức mạnh kinh tế này không phải lúc nào cũng được tính đến. Không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý về điểm này.
Điểm thứ hai, Nga vẫn là một đại cường công nghiệp. Hình ảnh mà phương Tây thường có về nước Nga chỉ là một nước sản xuất dầu khí, rồi có thể là có vũ khí hạt nhân. Nhìn chung, hình ảnh mà họ có chỉ là một cường quốc xuất khẩu nguyên liệu thô, sở hữu bom nguyên tử.
Nhưng Nga đâu chỉ có thế. Không những Nga là một đại cường xuất khẩu nguyên liệu thô, mà nước này còn có một nền công nghiệp nặng , một nền công nghiệp quân sự rất quan trọng. Và điều đó đã được chứng minh, qua việc chỉ riêng một mình Nga đã sản xuất đạn pháo nhiều hơn tất cả các nước phương Tây gộp lại. »
Chính sách « sức bền kinh tế »
Tháng 2/2022, phương Tây quyết định ngắt kết nối của các ngân hàng Nga với hệ thống SWIFT. Hai năm sau, lĩnh vực ngân hàng Nga vẫn tiếp tục hoạt động và trụ vững trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đó là vì từ năm 2014, khi xung đột Ukraina bắt đầu với việc sáp nhập bán đảo Crimée, rồi giao tranh ở vùng Donbass, điện Kremlin đã thực hiện chính sách sức bền kinh tế để đối phó với sức ép phương Tây.
Chẳng hạn, biện pháp « thay thế nhập khẩu » để tự cung tự cấp lương thực trong nhiều năm ; triển khai hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc gia (SNPC), và lập hệ thống tin nhắn tài chính Nga (SPFS). Những công cụ cho phép kinh tế Nga tiếp tục hoạt động mà không nhất thiết phải được kết nối với các nền kinh tế phương Tây. Có thể nói, đây là một trong số các chiến lược tài chính hiệu quả nhất của Matxcơva, theo như đánh giá của David Teurtrie với RFI Tiếng Việt.
David Teurtrie : « Quả thật, từ năm 2015, 2016, những năm sau khi khủng hoảng Ukraina bùng phát, giới chức Nga đã lập ra một hệ thống dịch vụ quốc gia tương tự như SWIFT, cho phép các ngân hàng Nga tiếp tục các hoạt động giao dịch với nhau cũng như là với một số cơ sở nước ngoài được kết nối với hệ thống này của Nga (…)
Rồi còn có một hệ thống khác, hơi khác một chút nhưng có cùng một ý tưởng, đó là hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng quốc gia bởi vì các nước phương Tây cũng đã ngắt kết nối các loại thẻ Visa và Mastercard Nga. Đó là một thời điểm quan trọng bởi vì, quý vị cứ hình dung, nếu ngày mai, người ta ngắt kết nối tại bất kỳ quốc gia nào, người dân ở đó không thể đi chợ, mua sắm. Họ sẽ phải quay trở về với hệ thống kiểu cũ là đi đến các cơ sở ngân hàng để rút tiền, giấy bạc ngân hàng.
Và như vậy, hệ thống nhà nước Nga đã tiếp quản, và các loại thẻ ngân hàng phương tây vẫn hoạt động. Trên thực tế, người dân Nga ở trong nước thậm chí còn không cảm nhận được các lệnh trừng phạt. Ngược lại, khi họ ra khỏi lãnh thổ Nga, những thẻ này không thể hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nga. Nhưng điều thiết yếu là tiếp tục vận hành hệ thống tài chính, kinh tế ở trong nước, và đây đã là một biện pháp thực sự thành công khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt. »
Kinh tế chiến tranh kích thích tăng trưởng
Ngày 17/05/2024, Ủy Ban Châu Âu trong một bài viết đăng trên trang mạng, khẳng định, các biện pháp trừng phạt Nga là có hiệu quả. Mức tăng trưởng 3,2% là « giả tạo », bởi vì, xin trích, « Nhà nước Nga đầu tư ồ ạt cho quân đội. 30% chi tiêu công hiện nay là được dành cho quân đội, tức chiếm đến gần 10% của GDP ». Ủy Ban Châu Âu cho rằng khi đặt kinh tế vào tình thế chiến tranh, nước Nga đang tàn phá nền kinh tế.
Một phân tích sai lầm, theo như quan điểm của ông David Teurtrie. Số đơn đặt hàng tăng vọt tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng đã có một hiệu ứng dây chuyền cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Thứ nhất, việc tuyển dụng ồ ạt và mức lương cao trong ngành mang lại nhiều lợi ích cho công nhân và giới kỹ sư, hai đối tượng từng bị thiệt hại nhiều nhất từ quá trình tam cấp hóa nền kinh tế Nga từ những năm 1990.
Thứ hai, hàng trăm ngàn binh sĩ bị điều sang Ukraina được hưởng mức lương, tiền thưởng và nhiều khoản lộc khác, tức cao gấp ba lần so với mức trung bình, cho phép kích thích tiêu dùng các hộ gia đình và phát triển các công trình xây dựng tại những vùng lãnh thổ sinh sống dưới dạng bán tự túc.
Điểm đáng chú ý là, theo quan sát của ông David Teurtrie, sau hai năm dưới các lệnh trừng phạt, cắt đứt kết nối với phương Tây, số các nhà tỷ phú Nga đã tăng vọt, và trị giá tài sản của họ tăng gấp đôi. Làm thế nào giải thích cho sự nghịch lý này ? Nhà địa lý học giải thích tiếp :
David Teurtrie : « Điều thú vị là số tỷ phú mới trong danh sách những người có tài sản lớn ở Nga chẳng liên quan gì đến lĩnh vực quốc phòng, mà chủ yếu có liên hệ với ngành nông nghiệp thực phẩm và nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Điều đó cho thấy là việc giới hạn tăng trưởng hiện nay với duy nhất vấn đề quốc phòng là không đúng. Quả thật, đúng là những khoản chi tiêu quốc phòng này là rất lớn, đúng là chúng có một tác động dây chuyền đến nền kinh tế, nhưng điều đó không giải thích được tổng thể tăng trưởng kinh tế Nga.
Hơn nữa, điều cần biết là, Ủy Ban Châu Âu ban đầu nghĩ rằng cỗ máy công nghiệp chiến tranh Nga sẽ không thể vận hành. Giờ thì họ lập luận rằng chắc chắn là có tăng trưởng, và chúng được gắn liền với kinh tế chiến tranh. Nhưng trước đây, họ nghĩ rằng Nga sẽ không thể vận hành các nhà máy quân sự bởi vì nước này sẽ bị thiếu các linh kiện điện tử. Chỉ có điều tình trạng này đã không xảy ra, và cỗ máy công nghiệp của Nga vẫn vận hành. »
Thiếu hiểu biết về quan hệ quốc tế
Đó là vì Nga có thể trông cậy vào mạng lưới các nước bè bạn. Một thực tế mà các nước phương Tây khi ban hành trừng phạt đã không tính đến. Sai lầm to lớn này minh chứng cho « một sự thiếu hiểu biết về những chuyển đổi cơ cấu trong quan hệ quốc tế. Thất bại của các biện pháp trừng phạt là do các yếu tố nội tại của Nga cũng như việc đại đa số các nước từ chối trừng phạt Nga. Bất chấp mối tương quan lực lượng bất lợi, phương Tây dường như vẫn dựa vào tính trung tâm của nền kinh tế để áp đặt quan điểm của mình », David Teurtrie đã viết như thế trên Le Monde Diplomatique.
Trên làn sóng RFI Tiếng Việt, nhà địa lý học nhận định :
David Teurtrie : « Đây là một trong những sai lầm to lớn mà giới lãnh đạo phương Tây đã mắc phải. Họ tin rằng những biện pháp trừng phạt đó sẽ được phần còn lại của thế giới tôn trọng. Nhưng ngoại trừ những đồng minh thân cận của phương Tây như Nhật Bản hay Hàn Quốc, với những sắc thái khác nhau, phần còn lại của thế giới, các nước châu Á cũng như châu Phi và đại đa số các nước châu Mỹ Latinh đã từ chối áp dụng những trừng phạt đó.
Nước Nga, do vậy, vẫn có được nguồn cung từ những nước này trong một số lĩnh vực nhất định. Đương nhiên, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính yếu hàng đầu, nhất là Trung Quốc hiện nay sản xuất được hầu hết tất cả những gì người ta có thể mua ở phương Tây, đôi khi chất lượng không hoàn toàn giống nhau, không hẳn là cùng sản phẩm nhưng Trung Quốc có khả năng chế tạo gần như một thứ.
Nhưng không chỉ có Trung Quốc, chúng ta còn có cả những nước châu Á khác. Hơn nữa, gần đây, chúng ta đã thấy tổng thống Nga đến thăm Việt Nam. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì, ông ấy cũng đang ve vãn nhiều nước khác để đa dạng hóa nguồn cung. »
Trước khi khép lại cuộc trao đổi với RFI Tiếng Việt, David Teurtrie giải thích thêm, Nga trông đợi điều gì ở đối tác Việt Nam.
David Teurtrie : « Tôi nghĩ rằng đối với Nga, điều quan trọng là không để bị quá phục thuộc vào Trung Quốc, và tất nhiên, Nga cần vun đắp các mối quan hệ với nhiều nước khác. Chúng ta biết rõ là Nga hoạt động rất tích cực tại châu Phi nhưng vấn đề là các nước tại lục địa này sáng tạo rất ít công nghệ. Ngược lại, các nước châu Á có thể trở thành đối tác tiềm tàng mà Nga có thể giao thương thay thế Trung Quốc.
Chúng ta biết rõ là Việt Nam có những mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc láng giềng. Nga có thể có lợi trong việc đa dạng hóa các mối quan hệ, kể cả với Việt Nam. Rồi còn có một khía cạnh khác, đó là Việt Nam đã cam kết bình thường hóa các mối quan hệ, thậm chí là xích lại gần Mỹ, và Nga muốn được bảo đảm rằng điều đó được thực hiện mà không gây phương hại cho quan hệ Việt – Nga, vì nên biết rằng mối quan hệ này giữa hai nước là khá tốt từ sau Chiến tranh Việt Nam. Thế nên, Matxcơva mong muốn có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu hảo với Hà Nội. »
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn tiến sĩ David Teurtrie, giảng viên Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo (ICES), nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu châu Âu – Á Âu (CREE), đã tham gia chương trình.