- Tác giả,Huyền Trân
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 4 tháng 7 2024
Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền với căn cứ quân sự Ream hay có thể lập một tiền đồn nước ngoài thứ hai sau Djibouti ở châu Phi, với hiện diện quân sự lâu dài?
Đây là thắc mắc mà giới chức lẫn chuyên gia từ Mỹ, các quốc gia lân cận với Campuchia gồm Việt Nam muốn được giải đáp trong những năm qua.
Cho đến nay, những thỏa thuận nếu có giữa Trung Quốc và Campuchia vẫn nằm trong vòng bí mật.
Căn cứ quân sự Ream của Campuchia nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.
Căn cứ này nằm cạnh cảng biển nước sâu Sihanoukville thuộc đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi được ví như “Thâm Quyến của Trung Quốc”.
Căn cứ Ream trong chiến lược ‘hải quân nước xanh’ của Trung Quốc
Nếu so với Mỹ, Trung Quốc hiện đang thiếu một mạng lưới căn cứ và cơ sở hạ tầng hậu cần rộng khắp cần có để trở thành một lực lượng “hải quân nước xanh” hoạt động khắp thế giới.
“Hải quân nước xanh” được định nghĩa là hải quân có khả năng huy động lực lượng tàu đặc nhiệm trên đại dương và hỗ trợ những tàu này ở khoảng cách xa các căn cứ hiện có. Sở hữu “hải quân nước xanh” giúp tăng cường vị thế một quốc gia trên trường quốc tế.
Hiện Bắc Kinh đang nhắm đến mục tiêu gia tăng đội tàu trên đại dương và một số nhà phân tích dự báo quốc gia này sẽ có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới trước năm 2035, theo Reuters.
Các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 5/6 đã so sánh sức mạnh hải quân Trung Quốc và Mỹ, cho rằng Trung Quốc hiện có lực lượng chiến đấu trên biển lớn nhất thế giới với 234 tàu chiến so với 219 tàu của Mỹ.
Con số này của Trung Quốc bao gồm tất cả các loại tàu đang được biên chế, có người điều khiển, tàu trang bị tên lửa hoặc ngư lôi hoặc tàu ngầm với lượng giãn nước trên 1.000 tấn, bao gồm 22 tàu hộ tống trang bị tên lửa được chuyển cho Hải cảnh Trung Quốc, nhưng không bao gồm khoảng 80 tàu tên lửa tuần tra nhỏ do Hải quân vận hành.
Chủ tịch Tận Cận Bình đã thường xuyên kêu gọi thiết lập một lực lượng quân đội “đẳng cấp thế giới” trước năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Căn cứ Ream còn được xem là một phần trong chiến lược “Chuỗi đảo Ngọc trai” của Trung Quốc nhằm xây dựng lực lượng “hải quân nước xanh”.
Trước đó, Trung Quốc đã giúp nâng cấp các cảng như Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka. Hai cảng này đều chủ yếu do các công ty nhà nước của Trung Quốc sở hữu và/hoặc kiểm soát.
Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ với Maldives, bước đi được đánh giá là nhằm tăng cường sự hiện diện của Bắc Kinh tại Ấn Độ dương.
Khả năng tiếp cận một căn cứ tại Vịnh Thái Lan sẽ mang lại một lợi thế chiến lược cho Trung Quốc khi xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông.
Eo biển Malacca dài 900 km là một tuyến hàng hải quan trọng nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương trong hải trình Á-Âu. Đây được xem có một “điểm nghẽn” với chiều rộng chỗ hẹp nhất là 2,7 km, khiến tàu chiến qua đây phải cảnh giác cao độ. Việc có một căn cứ quân sự tại Ream, cách không xa eo biển Malacca, để tiếp tế nhiên liệu, đạn dược sẽ mang lại lợi thế chiến lược quan trọng.
Trung Quốc chỉ tuyên bố giúp Campuchia cải tạo căn cứ Ream. Trong khi đó, các lãnh đạo Campuchia như cựu Thủ tướng Hun Sen, con trai cả của ông là Thủ tướng Hun Manet trong những năm qua luôn bác bỏ việc cho phép nước ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ của mình, nói rằng điều đó đi ngược với Điều 53 của Hiến pháp.
Cùng lúc, Campuchia khẳng định có quyền nhận viện trợ nước ngoài dưới dạng vũ khí quân sự, đạn được, huấn luyện lực lượng vũ trang, để tăng cường năng lực tự vệ.
‘Trong vòng bí mật’
Campuchia và Trung Quốc đã có thỏa thuận nào liên quan tới Ream là câu hỏi chính từ giới chuyên gia và giới chức Mỹ lẫn các quốc gia lân cận với Campuchia, bao gồm Việt Nam, từ năm 2019 đến nay.
Ngoài ra còn có một câu hỏi khác: Căn cứ Ream có thể mang lại lợi thế chiến lược nào cho Trung Quốc nếu so với một căn cứ quân sự ở Biển Đông hoặc căn cứ Du Lâm nằm ở cực nam đảo Hải Nam?
Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá với BBC:
“Câu chuyện căn cứ quân sự Ream và vai trò của Trung Quốc ra sao, Trung Quốc được gì thì, thứ nhất là, chúng ta không biết được. Chỉ có họ biết với nhau và họ không cho chúng ta biết.
“Campuchia phá dỡ một số những tòa nhà trước đây họ đã xây dựng với sự trợ giúp của Mỹ và sau đó họ dành cho Trung Quốc một khu vực trong căn cứ quân sự đó để Trung Quốc xây một số cơ sở.
“Vấn đề nằm ở chỗ, những việc làm đó của Campuchia là không minh bạch. Đã có thời gian chính phủ Campuchia cho một số quan chức quốc phòng, ngoại giao của Mỹ tới thăm căn cứ quân sự để cho thấy là không có giấu diếm. Thế nhưng, trên thực tế, các quan chức Mỹ đã không được nhìn mọi thứ. Thứ hai, những câu hỏi phía Mỹ đưa ra thì phía Campuchia không trả lời rõ ràng.”
“Bằng vệ tinh, người ta có thể nhìn thấy sự thay đổi của hạ tầng kỹ thuật trong căn cứ quân sự đó của Campuchia, thấy rõ hạ tầng được Mỹ hỗ trợ xây dựng trước đây đã bị phá dỡ và xây dựng lên một loạt hạng mục mới, được cho là dành cho Trung Quốc.”
Điều 53 Hiến pháp Campuchia cấm cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia.
Điều 55 của Hiến pháp nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.
Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá thêm:
“Những khu vực dành cho Trung Quốc theo chế độ gì, như thế nào thì không ai được biết vì phía Campuchia và Trung Quốc không công bố.”
“Tuy rằng phía Campuchia luôn nói là họ không bao giờ để cho nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên nước họ, nhưng sự thật về điều đó thì không biết được.”
Giáo sư Dennis Wilder từ Đại học Georgetown, cựu quan chức CIA đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 đến 2016, đề cập với BBC News Tiếng Việt về quyền neo tàu mà Trung Quốc có thể có được tại Ream.
“Ở Djibouti là một căn cứ quân sự. Trung Quốc đã thuê cơ sở ở đó. Họ cho xây tường bao quanh, triển khai thủy quân lục chiến, binh sĩ ở căn cứ này. Căn cứ ở Djibouti thì hầu như là do Trung Quốc sở hữu và vận hành.”
“Còn ở Campuchia thì có thể Trung Quốc có quyền neo tàu, điều này rất phổ biến ở các nước. Điều này rất khác so với sở hữu luôn căn cứ đó. Trong trường hợp này, không nhất thiết là Trung Quốc có một căn cứ, nắm độc quyền sử dụng, mà thay vào đó là vận hành chung với Campuchia.”
“Dù như vậy thì cũng rất hữu ích. Họ sẽ có quyền sử dụng khi muốn, dù không sở hữu hoàn toàn và vận hành căn cứ này.
“Tuy nhiên, tôi không có thông tin xác nhận về điều đó.”
Bản đánh giá thường niên mang tên Phát triển quân sự và An ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề cập căn cứ Ream như sau:
“Vào tháng 6/2022, một quan chức Trung Quốc đã xác nhận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thể tiếp cận các phần trong căn cứ Ream của Campuchia. Trung Quốc có thể cũng cân nhắc chọn các quốc gia khác làm địa điểm cho cơ sở hậu cần quân sự, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Guinea Xích Đạo, Seychelles, Tanzania, Angola, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan.”
Trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về khả năng đây chỉ là quyền neo đậu của Trung Quốc tại Ream, Giáo sư Vuving đề cập đến khả năng ngụy trang để không khiến phương Tây và Mỹ cảm thấy khó chịu, đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ ngoại giao sắt son của Campuchia và Trung Quốc.
“Các nước cũng có những cách để ngụy trang. Chẳng hạn người ta không xây dựng những căn cứ quân sự vĩnh viễn, lâu dài, mà chỉ chuyển sang quyền tiếp cận mà thôi.”
“Có nhiều cách để ngụy trang, nếu mà mình cứ đi vào những đường đó thì rõ ràng mình bị sa lầy vào cái bẫy người ta giăng ra, tưởng nhầm cái nọ hóa thành cái kia.”
“Quyền tiếp cận dễ dàng hơn vì đỡ chịu những sự phản đối của nước sở tại. Rồi khi nước sở tại thay đổi chính quyền thì quyền tiếp cận không quá lớn để bị chính quyền mới tước đoạt.”
“Khi tiếp cận căn cứ mà không ở đó lâu dài thì bản thân một nước cũng có sự linh hoạt trong chuyện đưa trang bị, đưa quân vào. Tóm lại là có rất nhiều sự linh hoạt trong chuyện này”.
Ông Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Những gì đang xây dựng cho chúng ta thấy sự tương đồng với biên bản ghi nhớ (MOU) rò rỉ đến báo giới hồi năm 2019. Biên bản có nội dung 1/3 diện tích căn cứ sẽ vẫn là của Campuchia, còn Trung Quốc thì sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại căn cứ này để hải quân Campuchia sử dụng. Và 2/3 căn cứ ở phía bắc thì sẽ cho Trung Quốc độc quyền sử dụng.
“Từ đó chúng ta thấy chính xác là như vậy, khi phần hạ tầng của phía bắc do Mỹ và Úc tài trợ xây dựng đã bị phá sập. Không có nhiều công trường xây dựng tại đây.
“Vì họ tập trung ở phía nam. Và chúng ta thấy có cầu cảng mới. Rồi bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và Trung Quốc đến thăm.”
“Tất cả những gì họ muốn là chúng ta tập trung vào phần phía nam của căn cứ, cái phần 1/3 đó, và bỏ qua 2/3 phần phía bắc còn lại kia vẫn dành cho Trung Quốc sử dụng độc quyền vào một ngày nào đó.”
Chuyên gia Campuchia nói gì?
Hai tàu hộ vệ của Trung Quốc xuất hiện tại Ream từ tháng 12/2023 đến 6/2024
1/12/2023
Nguồn: BlackSky
Chhengpor Aun, nhà nghiên cứu từ cơ quan Future Forum của Campuchia, đánh giá với BBC News Tiếng Việt:
“Có một chữ ‘nếu’ lớn. Kịch bản này sẽ yêu cầu phải có thay đổi hiến pháp tại Campuchia, có thể gây phản ứng trong nước và quốc tế. Tôi không nghĩ chính phủ Campuchia sẽ chấp nhận rủi ro này nhưng tôi cũng không thể đưa ra suy đoán về sự dàn xếp nào khác trong bí mật nếu có.
Chính bản thân căn cứ hải quân Ream có tầm quan trọng về mặt chiến lược không chỉ đối với hải quân Campuchia mà còn đối với an ninh hàng hải trong khu vực, xét cự ly gần với các tuyến đường thủy chiến lược như eo biển Malacca và Biển Đông.
Nếu được nâng cấp thành công và có thể sử dụng đúng cách, Ream sẽ đóng vai trò trung tâm trong phòng vệ hải quân của Campuchia để thực thi chủ quyền hàng hải ở Vịnh Thái Lan và sự đóng góp ngày càng mang tính chủ động của hải quân nước này đối với an ninh hàng hải.”
Nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy từ Campuchia không cho rằng đây là căn cứ của Trung Quốc hay Trung Quốc được độc quyền sử dụng.
“Căn cứ Ream đóng vai trò quan trọng cho Campuchia để bảo vệ lợi ích và an ninh hàng hải. Việc cho phép Trung Quốc sở hữu và sử dụng căn cứ này có thể có nguy cơ kéo Campuchia vào đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông và đặc biệt mối quan hệ của Campuchia với các quốc gia láng giềng.”
Hồi giữa tháng 4, ông Gregory B Poling từ CSIS đã trả lời Nikkei Asia về thông tin hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu tại căn cứ Ream trong hơn 4 tháng.
“Nếu chỉ ghé thăm hoặc tập trận thì tàu sẽ không lưu lại trong 5 tháng. Nên đây có thể là công tác triển khai luân phiên hoặc lâu dài.”
“Điều này có nghĩa là có thể có quân nhân Trung Quốc trú đóng tại căn cứ này trong 5 tháng qua. Đây là điều đáng chú ý vì Campuchia luôn nhấn mạnh Ream không phải là một căn cứ của Trung Quốc và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Ấy thế mà, đến nay có thể nói là chỉ có một bên có thể sử dụng.”
Một bài viết trên báo Khmer Times thân chính phủ Campuchia ngày 8/5 đã mỉa mai sự chú ý của quốc tế đổ dồn vào căn cứ Ream:
“Những nhà nghiên cứu từ CSIS và các nhà tư vấn truyền thông như Nikkei, vốn bị người Mỹ mua chuộc, chắc hẳn đã hưởng lợi từ việc tấn công một nhà nước yếu thế như Campuchia.”
“Nếu ai cũng quan tâm quá mức đến căn cứ hải quân Ream và ai cũng đòi tiếp cận, như kiểu vào công viên Disneyland ở Tokyo, thì có lẽ Campuchia nên tính phí vào cổng để trả tiền ngoài giờ cho số nhân viên làm ở đó, những người phải làm việc cật lực để tiếp khách nước ngoài ghé thăm.”
“Campuchia nên lập các tiêu chuẩn và yêu cầu đối với khách tham quan ngoại quốc để tránh những vị khách không mời mà đến. Nếu họ đến và lặp đi lặp lại lại những quan ngại như nhau, vậy thì việc gì binh sĩ chúng ta phải nhọc công, mất thời gian để cố làm hài lòng những người không muốn lắng nghe?”
Đồ họa do Aghnia Adzkia, Andro Saini, Arvin Supriyadi, Ayu Idjaja từ East Asia Visual Journalism của BBC thực hiện.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về vị trí chiến lược của căn cứ quân sự Ream trong các kịch bản xảy ra xung đột trên Biển Đông.