Sau Campuchia, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc trập trận quân sự chung với Lào, quốc gia đóng vai trò mắc xích quan trọng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.
Theo thông tin chính thức từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nước này và Lào sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự chung “Lá chắn hữu nghị 2024” (Friendship Shield-2024) từ ngày 5 đến 18/7/2024.
Đây là lần thứ hai quân đội hai nước tổ chức tập trận chung, “nhằm giúp tăng cường niềm tin chiến lược và hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước và tạo động lực tích cực cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực,” theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho cuộc tập trận, không quân Trung Quốc đã chuyển khí tài, vũ khí và binh sĩ tới thủ đô Viêng Chăn của Lào từ nhiều ngày qua. Cùng lúc, nhiều phương tiện chiến đấu đã được vận chuyển theo tuyến đường sắt nối giữa hai nước.
Hình ảnh do Tân Hoa Xã công bố cho thấy trực thăng Z-20 của Trung Quốc đậu tại sân bay quốc tế Wattay ở Viêng Chăn 30/6.
Nhiều xe thiết giáp chở quân và chiến đấu, bao gồm Type 08, cũng đã được tàu lửa chở tới ga Phonhong ở Viêng Chăn vào hôm 1/7.
Tân Hoa Xã cho biết lực lượng quân đội Trung Quốc tham gia tập trận năm nay đến từ các đơn vị tại Hong Kong, Macau và Quảng Tây.
Có hơn 1.200 binh sĩ của cả hai bên tham gia cuộc tập trận, trong đó Trung Quốc đã cử hơn 300 quân nhân, mang theo nhiều loại vũ khí và phương tiện.
Tân Hoa Xã cho biết cuộc tập trận có các nội dung phối hợp tác chiến hỗn hợp, huấn luyện toàn diện và giao lưu văn hóa.
Đây là lần thứ hai Lào và Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự chung “Lá chắn hữu nghị”.
Trước đó, cuộc tập trận chung “Lá chắn hữu nghị 2023” đã được tổ chức từ ngày 9 đến 28/5/2023 ở Học viện quân sự Kommadam (Lào), với sự tham gia của binh sĩ từ Chiến khu Nam bộ Trung Quốc.
Theo truyền hình nhà nước Trung Quốc, vào năm 2023, cuộc tập trận bao gồm sự tham gia của 900 quân nhân, trong đó có hơn 200 binh sĩ từ Trung Quốc.
Trước Lào, hồi tháng Năm, Trung Quốc và Campuchia đã tiến hành tập trận Rồng Vàng lần thứ 6 kéo dài 15 ngày (16 – 30/5) tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia).
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chủ đề của cuộc tập trận là “các hoạt động chung chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”.
‘Mắc xích’ quan trọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á
Ngoài khía cạnh quân sự, Lào đã và đang tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng.
Xét về tầm ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kể từ khi ra đời từ năm 2013 đến nay, có thể thấy Lào và Campuchia là hai nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong “nhiệt tình đón nhận” các dự án BRI nhất.
Hồi tháng 12/2021, Lào đã gây chú ý khi khai trương tuyến đường sắt kết nối thủ đô Viêng Chăn và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với kinh phí 6 tỷ USD, với chiều dài hơn 1.000 km và được xây dựng trong 5 năm.
Theo Bloomberg ngày 3/7, Trung Quốc là một chủ nợ lớn nhất của Lào, chiếm 50% trong 10,5 tỷ USD tổng nợ nước ngoài của chính phủ.
Trung Quốc mới đây tuyên bố đang “nỗ lực hết sức mình” để giúp Lào xóa gánh nặng nợ, cũng theo Bloomberg.
Hồi tháng 11/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Lào đến Bắc Kinh rằng hai nước cần ra sức lập một “tương lai chung” giữa hai nước.
Vào năm 2017, Lào và Trung Quốc đã thống nhất xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai mang tầm quan trọng chiến lược trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập đến quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam chỉ mới gia nhập cộng đồng cùng chia sẻ tương lai với Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Tập đến Hà Nội vào tháng 12/2023.
Cho đến nay, tại Đông Nam Á, cộng đồng cùng chia sẻ tương lai của Trung Quốc có sự tham gia của 7 quốc gia thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Trong một bài viết vào tháng 12/2023 gửi đến BBC News Tiếng Việt, nhà nghiên cứu David Hutt từ Viện Trung Âu chuyên Nghiên cứu về Châu Á (CEIAS) đánh giá:
“Các khoản đầu tư của Trung Quốc, bao gồm cả các dự án thuộc BRI, đang hướng theo trục ‘đông-tây’ ở khu vực Đông Nam Á.”
Ông đánh giá Campuchia và Lào đang ngày càng phụ thuộc vào thương mại đông-tây này.
“Cuộc cạnh tranh rõ ràng giữa Trung Quốc và Việt Nam để giành ảnh hưởng ở Campuchia và Lào tuy đã phức tạp hơn so với những ngày đầu, nhưng ít nhất về mặt kinh tế vẫn mang tính cộng sinh. Quả thực, Việt Nam thu được lợi ích từ đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia và Lào,” ông cho biết.