Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, hôm qua, 05/07/2024, quan chức Philippines cho biết đồng minh Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ trong các hoạt động tiếp tế của Manila cho một con tàu mắc cạn ở vùng biển tranh chấp, nhưng Manila đã từ chối và “muốn tự mình giải quyết”.
Đăng ngày: 05/07/2024
Các cuộc đụng độ bạo lực giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông gần đây, đã khiến nhiều nhà quan sát, bao gồm cả cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Matt Pottinger, kêu gọi hải quân Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ trực tiếp các hoạt động tiếp tế của Manila cho chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre, bị mắc cạn ở vùng biển tranh chấp.
Hôm qua, trả lời Reuters, tướng Romeo Brawner, lãnh đạo quân đội Philippines, cho biết là Hoa Kỳ đã đề xuất hỗ trợ, nhưng Manila muốn tự tìm mọi giải pháp “trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Ông Brawner cũng nêu rõ là đề nghị hỗ trợ của Hoa Kỳ không liên quan gì đến sự cố ngày 17/06 vừa qua, hàm ý là đề xuất của Mỹ không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận phòng thủ chung vào năm 1951, theo đó, một trong hai bên ký kết bị một nước thứ ba tấn công thì bên kia có trách nhiệm hỗ trợ.
Cố vấn an ninh quốc gia của Philippines, ông Eduardo Ano, cũng muốn khẳng định rằng việc tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas) là “hoạt động thuần túy của Philippines”, “vì lợi ích quốc gia hợp pháp và không thấy Hoa Kỳ có bất cứ lý do nào để can thiệp hỗ trợ”. Cả hai quan chức nói trên đều không nêu rõ Hoa Kỳ đã đề xuất kế hoạch hỗ trợ Philippines cụ thể như thế nào. Phía Washington vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
Chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington, ông Greg Poling, trả lời Reuters, cho rằng Hoa Kỳ có thể “sẵn sàng hộ tống các tàu tiếp tế của Philippines” đi đến chỗ tàu bị mắc cạn. Và trên thực tế, Washington đã cung cấp một số hỗ trợ, nhưng còn hạn chế.
Vào năm ngoái, Manila đã tham vấn Quân đoàn kỹ sư quân đội Hoa Kỳ (United States Army Corps of Engineers) về cách làm thế nào để duy trì ổn định tàu BRP Sierra Madre. Một số video đã ghi lại hình ảnh các máy bay của Mỹ giám sát, “canh chừng” con tàu này nhiều lần.