Cực hữu châu Âu và các vấn đề kinh tế, phúc lợi xã hội, Nhà nước pháp quyền, di dân

Tại châu Âu, hiếm khi nào các đảng phái cực hữu lại được nói nhiều đến vậy như trong những ngày gần đây. Ở Nghị Viện Châu Âu nhiệm kỳ mới, cánh hữu và cánh trung vẫn chiếm đa số, thế nhưng kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu hôm Chủ Nhật, 09/06/2024, đã cho thấy có sự trỗi dậy không thể phủ nhận của phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc và cực đoan, bài ngoại, hoài nghi các giá trị của châu Âu.  

Đăng ngày: 05/07/2024

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tại Bruxelles, ngày 27/06/2024.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, tại Bruxelles, ngày 27/06/2024. AP – Geert Vanden Wijngaert

Thùy Dương

Tại Ý, đảng cực hữu dân tộc chủ nghĩa Fratelli d’Italia của thủ tướng Georgia Meloni về đầu. Tương tự là đảng cực hữu FPÖ của Áo. Ở Đức, đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) dù vướng nhiều tai tiếng, nhưng vẫn về nhì, vượt đảng Dân Chủ Xã Hội và đảng Xanh.

Riêng tại Pháp, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc Rassemblement National – RN – chiếm ưu thế với hơn 31% số phiếu, bỏ xa đảng Phục Hưng của tổng thống Macron, dẫn đến việc tổng thống giải thể Quốc Hội, cho tổ chức bầu cử trước thời hạn. Kết quả vòng 1 bầu cử Hạ Viện Pháp ngày 30/06 càng khẳng định xu thế vươn lên mạnh mẽ của phe cực hữu, lần đầu tiên về đầu và làm dấy lên nhiều mối lo ngại, bất an về khả năng đảng RN chiếm được đa số ở vòng 2 ngày 07/07 và giành được vị trí thủ tướng.

Nhìn sang Hungary, dù tỉ lệ phiếu ủng hộ đảng cực hữu Fidesz của thủ tướng Viktok Orban đã sụt giảm so với kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi năm 2019 nhưng đảng này vẫn về đầu. Ngày 01/07, Hungary bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu 6 tháng cuối năm 2024, trong bối cảnh quan hệ với Bruxelles vẫn đang căng thẳng về nhiều hồ sơ, như Nhà nước pháp quyền, kiểm soát nhập cư, viện trợ Ukraina, trừng phạt Nga vì đã gây chiến ở Ukraina …

Khẩu hiệu cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu của thủ tướng Hungary Viktor Orban là « Make Europe Great Again » (Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại), khiến mọi người liên tưởng đến khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » thời tổng thống Donald Trump. Orban rất hâm mộ và chờ đợi Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ 2024. Đường lối phản dân chủ và việc Budapest duy trì mối liên hệ thân thiết với chính quyền của tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh chiến tranh Ukraina cũng không khỏi khiến Liên Hiệp Châu Âu bất an.

Đảng cực hữu lên nắm quyền sẽ nhấn chìm kinh tế Pháp ?

Về mặt kinh tế, báo Pháp L’Express ngày 25/06 dẫn một nguồn thạo tin ở Bruxelles cho biết nhiều người trong giới lãnh đạo Liên Âu đang lo ngại là nguy cơ đảng cực hữu lên nắm quyền sẽ nhấn chìm kinh tế Pháp.

Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Pháp vốn dĩ không giấu giếm thái độ thán phục thủ tướng Hungary Viktor Orban, người thống lĩnh nền kinh tế và loại bỏ những doanh nghiệp bị xem là không được hoan nghênh. Trong khi đó, theo một nghiên cứu do Rachel Kleinfeld thực hiện cho Quỹ Canergie về hòa bình quốc tế, được L’Express trích dẫn, « Hungary rất có thể là kịch bản tồi tệ nhất » cho giới doanh nhân Pháp. Nữ nghiên cứu gia mô tả Orban điều hành quản lý theo chủ nghĩa gia đình trị : « Từ năm 2011 đến năm 2021, các công ty liên minh với Orban có khả năng thắng thầu cao gấp 6 lần so với ở một thị trường cạnh tranh thực sự […] Chỉ trong vài năm, những người bạn thời thơ ấu và những người hàng xóm cùng làng quê của Orban đã trở thành những người giàu nhất Hungary ».

Lên nắm quyền từ năm 2010, Orban đã biến đất nước của mình thành một nơi thử nghiệm cho cánh hữu cực đoan. Về kinh tế, đó là sự kết hợp luận điệu dân tộc chủ nghĩa, bài toàn cầu hóa, với chính sách tự do nội địa, nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Theo bà Rachel Kleinfeld, các đường hướng « ủng hộ thị trường » này che giấu một thực tế hoàn toàn khác : một mô hình tập trung hóa cực độ, trong đó chính quyền kiểm soát hoàn toàn lĩnh vực tư nhân. « Fidesz đã giúp một số công ty vượt qua các đối thủ cạnh tranh thông qua nguồn tài chính công giá rẻ, tiếp cận các chương trình công đặc biệt và đề ra hoặc bãi bỏ các quy định đặc biệt để giúp các công ty này, thông qua việc kìm hãm các đối thủ cạnh tranh của họ ». Hậu quả là tình trạng bấp bênh và rủi ro gia tăng, không tốt cho giới đầu tư. Chưa kể nạn tham nhũng hoành hành : theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International, hồi năm 2023, Hungary bị xếp hạng quốc gia tham nhũng nhất Liên Âu, sự tụt hạng chưa từng có trong suốt 10 năm.

Còn kinh tế gia Manuel Funke nhận định : « Chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng là đặc trưng của các chế độ dân túy cực hữu : các nhà lãnh đạo đưa nhóm bạn bè giàu có của họ vào các vị trí chiến lược và trao cho họ các hợp đồng dùng tài chính công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Orban đã làm như vậy, đảng PiS ở Ba Lan cũng tương tự, cũng như thủ tướng Ý Berlusconi trước đây ».

Một đặc điểm khác của hệ thống Orban là chính sách tái phân phối mang tính cơ hội : tăng lương tối thiểu 30%, tháng lương hưu thứ 13, miễn thuế cho những người dưới 25 tuổi … Thủ tướng Hungary phân phát nhiều quà tặng khi sắp đến các kỳ bầu cử. Kinh tế gia Manuel Funke nhận thấy là « cũng giống như những người theo chủ nghĩa dân túy cực tả ở châu Mỹ La-tinh, những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu có xu hướng chi tiêu mạnh tay không cần tính đếm (…) Điều này thường dẫn đến một kịch bản nợ nần và lạm phát cao. Những chế độ này dựa vào sự tăng trưởng ngắn hạn và không quan tâm đến hệ lụy lâu dài ».

Tại thời điểm hiện tại, kinh tế Hungary và Ba Lan dường như chưa trông thấy rõ hậu quả của những năm tháng dưới sự lãnh đạo của các đảng cực hữu Fidesz và PiS. Theo nhà nghiên cứu Rachel Kleinfeld, « tham nhũng chưa gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Hungary vì trong nhiều năm, cơ chế tài chính của Liên Âu vẫn tiếp tục cấp các khoản hỗ trợ kinh tế lớn » cho nước này.

Phúc lợi xã hội kiểu « sô-vanh »

Kể từ đầu thế kỷ 21, các đảng cực hữu ở châu Âu đã đầu tư rất nhiều vào các vấn đề xã hội. Theo nhà nghiên cứu khoa học chính trị Maria Snegovaya, được tuần báo L’Express trích dẫn, điều này thậm chí còn là lời giải đáp chính cho sự thành công của các đảng này trong các kỳ bầu cử. Thủ tướng Hung Viktor Orban và cựu thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski là hai ví dụ điển hình về việc áp dụng các chính sách bảo hộ kinh tế và ủng hộ tái phân phối, trong khi vẫn duy trì quan điểm về kiểm soát di dân nhập cư và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nắm quyền từ năm 2015 đến năm 2023, đảng PiS của Ba Lan đã giảm tuổi nghỉ hưu, tăng ngân sách y tế và thiết lập chương trình có tên « 500 + », bao gồm việc trợ cấp 500 zlotys (115 euro) cho mỗi trẻ sơ sinh của các gia đình người Ba Lan. Nhưng theo nhà nghiên cứu khoa học chính trị Maria Snegovaya, « chủ nghĩa Sô-vanh xã hội », tức là mối liên hệ giữa chính sách xã hội và việc bảo vệ bản sắc dân tộc được thể hiện rõ nét nhất ở Hungary. Để « cứu » người châu Âu da trắng và Công giáo khỏi bị lai tạp, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tài trợ cho các biện pháp kích thích sinh sản : miễn thuế cho bà mẹ có 4 con, miễn phí căng-tin và đồ dùng học tập cho con em các gia đình người Hungary đông con, trợ cấp đi lại, giảm lãi suất cho vay đối với các cặp đôi người Hungary mới cưới.

Theo L’Express, « chủ nghĩa Sô-vanh xã hội » cũng khơi nguồn cảm hứng cho đảng cực hữu RN tại Pháp, và được gọi bằng cái tên là « mối ưu tiên dân tộc » : Việc mở rộng phúc lợi xã hội phải dành cho người gốc Pháp. Nhiều biện pháp trong « 22 biện pháp cho năm 2022 » nhắm trước hết vào người gốc Pháp, như « hỗ trợ các gia đình người Pháp », « tạo thuận lợi để người Pháp có chỗ ở » … Và để có nguồn tài chính nhằm tăng các khoản chi tiêu xã hội nói trên, đảng Tập Hợp Dân Tộc tìm cách cắt giảm trợ cấp cho người nước ngoài, chẳng hạn loại bỏ trợ cấp y tế AME và thay thế bằng khoản trợ cấp cho trường hợp nguy cấp đến tính mạng.

Nhà nước pháp quyền

Nền dân chủ « phi tự do » mang dấu ấn Viktor Orban là một phát minh đáng hoài nghi nhất, một nghịch lý đang phát triển mạnh ở châu Âu. Chỉ cần vài năm, thủ tướng Hungary đã nắm trong tay mọi định chế của đất nước. Kim Lane Scheppele, giáo sư luật học và khoa học chính trị tại Đại họ Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ cho biết : « Từ năm 2010 đến năm 2013, Orban đã thực hiện một loạt biện pháp biến Hungary thành một chế độ chuyên quyền ». Ngay khi Orban lên nắm quyền, đảng Fidesz đã thông qua Hiến Pháp mới, củng cố quyền lực của hành pháp, Tòa Bảo Hiến mất quyền giám sát luật ngân sách và thuế, một cơ quan tư pháp mới được thành lập để giám sát tất cả các cuộc bổ nhiệm và thăng chức.

Giáo sư Kim Lane Scheppele đã bị cấm nhập cảnh Hungary. Theo ông, Hungary là một kiểu « chế độ độc tài mềm » : « Nếu quý vị không chỉ trích chính phủ, họ sẽ để quý vị yên. Nhưng nếu chẳng may quý vị nói bất cứ điều gì bị xem là đối nghịch, thì quý vị sẽ gặp vấn đề ».

Nhìn sang Ba Lan, nhà khoa học chính trị Jacques Rupnik nói với báo L’Epress : Trong chiến dịch đưa đảng PiS lên nắm quyền, khẩu hiệu của PiS là « Tạo ra một Budapest ở Vacxava ». Chẳng hạn, từ năm 2015, đảng PiS đã thực hiện các cải cách tư pháp làm xói mòn tính độc lập của tư pháp, trong đó sao chép một biện pháp của Hungary : giảm tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán Tòa tối cao với mục đích buộc nhiều thẩm phán phải ra đi, rồi thay thế họ bằng những người của giới cầm quyền.

L’Express đặt câu hỏi về khả năng Marine Le Pen (lãnh đạo thực sự của đảng cực hữu Pháp RN) cũng bị cám dỗ để « biến Paris thành một Budapest », nhất là vì vào tháng 01/2024, sau khi Hội Đồng Bảo Hiến bác bỏ một phần luật nhập cư mới (đặc biệt là việc thắt chặt điều kiện đoàn tụ gia đình và tước quốc tịch), chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, đã tố cáo « một vụ cưỡng ép của các thẩm phán ».

Về Nhà nước pháp quyền, đảng RN vẫn mơ hồ, không rõ ràng, nhưng đối với luật gia chuyên về Hiền Pháp Dominique Rousseau, chắc chắn đảng cực hữu RN « sẽ quay lưng lại hoàn toàn với truyền thống dân chủ tuân thủ Hiến Pháp và sẽ lấy cảm hứng từ Hungary ». Tuy nhiên, sử gia Marc Lazar thì thận trọng hơn khi cho rằng « lịch sử dân chủ của Pháp không giống như của Ba Lan và Hungary, các định chế của Pháp vững chắc hơn ».

Tác hại đối với truyền thông, báo chí

Tại Ý, cánh hữu dân tộc chủ nghĩa chưa tấn công vào Nhà nước pháp quyền, nhưng tính độc lập của truyền thông thì đã bị ảnh hưởng. Sử gia Marc Lazar cảnh báo : « Có một số tín hiệu yếu nhưng đáng lo ngại, đặc biệt là chính quyền siết chặt kiểm soát các phương tiện truyền thông công để phản kháng trước ‘thế bá quyền của cánh tả’ ». Ngay khi nhậm chức hồi tháng 10/2022, thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã bổ nhiệm một người bạn là Giampaolo Rossi, một nhà lý luận có tiếng về thuyết âm mưu, vốn ngưỡng mộ Viktor Orban và Vladimir Putin, làm người đứng đầu cơ quan nghe nhìn công (Rai). Một số vụ kiểm duyệt đã gây tai tiếng tại Ý.

Nhưng thế chưa là gì so với tình hình ở Hungary dưới quyền lãnh đạo của đảng Fidesz hay Ba Lan vào thời đảng PiS cầm quyền. Trong 14 năm lãnh đạo, thủ tướng Hungary đã làm suy yếu tính độc lập của truyền thông. Năm 2010, ông Orban thành lập một cơ quan mới để điều tiết nội dung và thu hồi giấy phép phát sóng của các phương tiện truyền thông tư nhân bị xem là có vấn đề. Chính phủ cắt quảng cáo về những kênh truyền thông đã đăng tải các bài viết tiêu cực về đảng Fidesz. 

Năm 2011, Quốc Hội Hungary đã thông qua một đạo luật mới cho phép chính phủ phê duyệt mọi thương vụ mua kênh truyền thông. Sau đó, hầu hết các phương tiện truyền thông lớn đều đã bị các doanh nhân thân cận với đảng Fidesz mua lại. Viktor Orban còn đi xa hơn trong năm 2018 : KESMA – Quỹ Báo chí và Truyền thông Trung Âu – được thành lập, quy tụ gần 500 kênh truyền thông quốc gia và địa phương phục vụ chính phủ.

Và một lần nữa, đảng cực hữu PiS của Ba Lan lại theo bước Orban. Nhà nghiên cứu Jacques Rupnik nhấn mạnh : « Trong năm cầm quyền đầu tiên, đảng PiS đã sa thải 260 nhà báo của các đài và truyền hình công, một vụ thanh trừng gây nhiều hậu quả. Đến mùa hè năm 2023, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn : chiến dịch bầu cử biến thành chiến dịch tuyên truyền. Nhiều người dân Ba Lan nói thậm chí tình hình còn tệ hơn cả thời Cộng Sản trước năm 1989! ». Tuy nhiên, theo L’Express, cuộc tẩy não không hiệu quả : đảng cực hữu PiS đã mất đa số tại Quốc Hội trong kỳ bầu cử lập pháp hồi tháng 10/2023.

Nhập cư : kết quả nửa vời

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tin rằng ông đã tìm ra giải pháp kiểm soát di dân : dựng tường rào thép gai bao quanh đất nước. Giữa cuộc khủng hoảng di dân hồi năm 2015, ông Orban đã cho dựng 175 km tường rào ở biên giới Hungary – Serbia nhằm ngăn chặn hàng ngàn di dân chủ yếu đến từ Trung Đông qua « tuyến đường Balkan ».

Tuy nhiên, đằng sau biểu tượng này, tính hiệu quả của hệ thống tường rào vẫn gây tranh cãi : chẳng hạn, vào năm 2022, số vụ vượt biên trái phép vào Hungary đã tăng bùng nổ. Trong chiến dịch tranh cử, đảng Fidesz giương khẩu hiệu : « Nếu quý vị đến Hungary, quý vị sẽ không thể cướp công ăn việc làm của người Hungary », nhưng thực tế là đất nước này thiếu lao động vì nhiều người di cư sang Tây Âu vì mức lương cao hơn. Hồi tháng 06/2023, Quốc Hội Hungary đã phải thông qua đạo luật cho phép một loại giấy phép lao động và cư trú mới cho nhân công ngoại quốc đến từ các nước ngoài Liên Âu.

Trong khi đó, tại Ý, « lệnh phong tỏa đường biển » mà thủ tướng Giorgia Meloni hứa hẹn nhằm ngăn cản các chuyến tàu chở di dân đến Ý cũng khó được áp dụng. Sử gia Marc Lazar, chuyên gia về nước Ý, cho biết : « Chưa bao giờ có nhiều di dân như trong năm 2023, trong năm đầu tiên Meloni cầm quyền ». Tuy nhiên, những số liệu đầu tiên của năm 2024 dường như cho thấy số người vượt biển đã giảm. Lý do : thủ tướng Ý Giorgia Meloni đang làm mọi cách để chuyển giao vấn đề di dân cho các nước thứ ba : bà đã ký các thỏa thuận với Tunisia và Ai Cập để các nước này giữ lại di dân càng nhiều càng tốt. Tại Albanie, các trại tiếp nhận di dân là cơ quan xử lý yêu cầu xin tị nạn của những người được chính quyền Ý giải cứu. Vẫn theo sử gia Marc Lazar, « nếu số liệu của năm 2024 được xác nhận, thủ tướng Meloni có thể sẽ khoe khoang « thành công » của mình »Trái lại, bà đã che giấu việc có hơn 450.000 người nhập cư vào Ý để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng của giới chủ Ý, vốn cần đội ngũ nhân công này ».

Chính sách đối ngoại và sự chia rẽ về Ukraina

Angelos Chryssogelos, giáo sư Đại học London Metropolitan, giải thích là những nước dân túy cực hữu không có chung quan điểm về chính sách đối ngoại, cho dù họ thống nhất quan điểm về kiểm soát di dân. Chính sách đối ngoại cho phép nhận diện hai trường phái cực hữu rất khác nhau : một bên chú trọng xác định thế nào là châu Âu và bên kia quan tâm đến vai trò của châu Âu trên thế giới. Chiến tranh Ukraina làm lộ rõ điều này, trở thành một lằn ranh chia cắt lớn và một trong những trở ngại lớn để các đảng cực hữu lập được một nhóm chung tại Nghị Viện Châu Âu.

Lãnh đạo phe cực hữu Ba Lan ủng hộ NATO, thân phương Tây và bài Nga. Nước láng giềng hậu cộng sản của Ukraina là một trong những quốc gia chính ở châu Âu ủng hộ Kiev kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraina. Vacxava đã viện trợ quân sự 3 tỷ euro cho Kiev (vũ khí, vật liệu, thiết bị), đứng thứ 6 thế giới, theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Trong khi đó, L’Express nhắc lại là Hungary của Orban chưa chi một xu nào cho Ukraina. Lý do : vị thủ tướng chuyên quyền Orban là một đồng minh trung thành của tổng thống Nga Vladimir Putin. Orban là thủ tướng duy nhất ở Liên Âu chúc mừng tổng thống Nga tái đắc cử hồi tháng 03/2024. Tệ hơn nữa, một cách có hệ thống, Viktor Orban đã kìm hãm việc thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, cản trở các thỏa thuận viện trợ Ukraina, trì hoãn việc mở các cuộc đàm phán để Ukraina gia nhập Liên Âu. Thủ tướng Hung từng tuyên bố hôm 17/10/2023 : « Hungary chưa bao giờ tìm cách đối đầu với Nga ». Đây quả đúng là « miếng bánh thánh ban phép lành » cho điện Kremlin.

Giáo sư Angelos Chryssogelos của Đại học London Metropolitan nói thêm : « (…) Thông thường, các đảng cực hữu chuyển từ tầm nhìn thế giới đa cực sang chủ nghĩa hội nhập châu Âu (Européisme) khi họ muốn được tôn trọng. Hiện nay, thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã chuyển từ cánh cực hữu Ý truyền thống, rất thân Nga, sang ủng hộ Ukraina ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment