5 tháng 7 2024
Sau khi ông Đinh Tiến Dũng ra đi, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam càng trở nên “hồng” hơn “chuyên”. Theo nhiều nhà phân tích, điều này phản ánh nỗi lo của Đảng Cộng sản.
Theo diễn giải của chính Đảng Cộng sản Việt Nam, “hồng” là khái niệm dùng để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản.
Ngày nay, “hồng” thường được hiểu là một người có học vấn và quá trình công tác tập trung chủ yếu trong mảng đảng, đoàn, hội, hoặc những chức vụ trong chính quyền nhưng tập trung vào công tác chính trị.
“Chuyên” là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó, theo một bài viết trên cổng điện tử của Đảng bộ TP HCM.
Một bài viết của Tiến sĩ Phạm Ngọc Hùng trên Tạp chí Cộng sản nêu rõ: “Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa ‘hồng’, vừa ‘chuyên’, chính là vừa phải có đạo đức, vừa phải có trình độ chuyên môn. Nói cụ thể là phải có đức và tài.”
Hiểu một cách đơn giản, “hồng” để chỉ những người có chuyên môn về “đảng”, còn chuyên là chỉ những người có học vấn và công tác liên quan đến các chuyên môn cụ thể, chẳng hạn như tài chính, công nghệ.
Tất nhiên, do bản chất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện và độc quyền trong công tác cán bộ, một người được coi là “kỹ trị” thì bắt buộc phải “hồng”. Các tiêu chuẩn về chính trị luôn được xem xét đầu tiên trong quá trình xác minh, thẩm tra lý lịch cán bộ. Đòi hỏi, về mặt lý thuyết, là một người phải “vừa hồng vừa chuyên”. Trên thực tế, “chuyên” có thể tính sau, nhưng “hồng” là điều bắt buộc phải có trước.
Từ lâu nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên” luôn là định hướng, kim chỉ nam của Đảng, kế thừa từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, tiêu chuẩn còn được thêm một yếu tố là “sạch” – tức không tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Chính trị ‘hồng’ hơn ‘chuyên’?
Sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Chính trị hiện còn 15 người. Trong đó, có bốn gương mặt được bầu mới hồi 16/5 gồm:
- Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương;
- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
- Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, trong bài viết trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS, cho rằng trong số những gương mặt được bầu mới này, chỉ có ông Lê Minh Hưng, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, được coi là nhà kỹ trị.
Ông Khắc Giang định nghĩa nhà kỹ trị là người có chuyên môn kỹ thuật hoặc kinh tế và trước khi rời chính trường, ông Đinh Tiến Dũng cũng được xếp vào nhóm này.
Như vậy, theo cách nói của ông Giang, Bộ Chính trị 13 chỉ còn duy nhất ông Lê Minh Hưng là nhà kỹ trị.
Trong khi đầu khóa, cũng theo ông Giang, con số này là năm người nhưng đều đã “xin thôi” gồm: ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Tuấn Anh, ông Vương Đình Huệ, ông Đinh Tiến Dũng.
Trong khi đó, Bộ Chính trị khóa 12 có tới bảy người được cho là nhà kỹ trị.
Đánh giá về vấn đề “hồng” và “chuyên” trong khóa 13, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang viết: “Đây là tỷ lệ kỹ trị thấp nhất trong Bộ Chính trị kể từ năm 1997. Đảng thường tuân thủ nguyên tắc ‘vừa hồng vừa chuyên’ – nghĩa là vừa có sự trung thành với ý thức hệ cộng sản, vừa xuất sắc về mặt kỹ thuật – khi chọn lựa lãnh đạo. Tầm quan trọng này hiện đã lệch hẳn sang vế đầu.”
Tiến sĩ Giang chỉ ra rằng, chất kỹ trị ngày càng suy giảm của các nhà lãnh đạo hàng đầu làm “dấy lên mối lo ngại về khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức nhiều mặt, từ các vấn đề kinh tế đến chuyển đổi năng lượng và chính sách đối ngoại”.
Theo ông Giang, điều này củng cố niềm tin rằng: Trong bối cảnh không chắc chắn của chiến dịch chống tham nhũng, sẽ khôn ngoan hơn nếu các quan chức giữ an toàn bằng cách làm ít hơn để tồn tại thay vì chấp nhận rủi ro. Thực tế này khó mà khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm” (lời ông Trọng) để giải quyết tình trạng tê liệt quan liêu hiện nay.
Về tính chất “hồng” hơn “chuyên”, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, bình luận với BBC rằng, để hiểu thấu đáo thì cần làm rõ sự khác biệt giữa người có chuyên môn về lĩnh vực nào đó so với nhà kỹ trị.
Nếu xét về mặt có chuyên môn thì Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người trưởng thành và kinh qua qua nhiều chức vụ trong quân đội trước khi trở thành người đứng đầu Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, Giáo sư Thayer cũng nêu trường hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính:
“Khi ông Chính được bổ nhiệm làm thủ tướng vào năm 2016, đã có nhiều lời chỉ trích rằng ông thiếu kiến thức chuyên môn về kinh tế. Ông ấy trước đó là bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Theo quan sát của tôi lúc đó, có lẽ ông ấy rất giỏi lắng nghe tư vấn chuyên môn và giỏi về mặt quản lý,” Giáo sư Thayer đánh giá.
Ngoài Thủ tướng Chính thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây cũng có thời gian làm việc trong Bộ Công an trước khi trở thành người đứng đầu chính phủ.
Đồng thời, ông Thayer cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc xét đến các thành viên của chính phủ vì ông cho rằng, trình độ của các bộ trưởng hiện nay là “nguồn chuyên môn kỹ thuật chính để lãnh đạo Việt Nam”.
Đúng như lời Giáo sư Thayer, chính phủ trực tiếp điều hành các hoạt động hằng ngày của đất nước, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Tuy nhiên, do đặc thù Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi sự điều hành của chính phủ đều phải tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, thông qua các nghị quyết. Do đó, hàm lượng “chuyên” trong Bộ Chính trị, nhóm lãnh đạo quyền lực nhất của Đảng Cộng sản, được nhiều nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam quan tâm, phân tích.
‘Hồng’ có thật là ‘hồng’?
Theo diễn giải của những nhà lý luận Đảng Cộng sản Việt Nam như đã trích dẫn ở đầu bài viết này, “hồng” được hiểu là có đạo đức tốt.
Mà theo lập trường của Đảng Cộng sản Việt Nam, đạo đức tốt phải được hiểu là người có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng. Những phẩm chất đạo đức kiểu yêu nước, thương dân chung chung là chưa đủ. Theo lập luận của Đảng, yêu nước phải gắn liền với yêu chế độ mới thực sự là “hồng”.
Khi xét công tác nhân sự của Đảng trong thời gian gần đây, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể thấy yếu tố “hồng” ngày càng được nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sau những biến động dữ dội về nhân sự ở nhóm lãnh đạo cao nhất, với hàng loạt lãnh đạo được xem là “hồng hơn cả hồng” phải rời cương vị do liên quan đến vi phạm kỷ luật, một số nhà quan sát nhận định với BBC rằng công tác nhân sự mà ông Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt đã thất bại. Điều này có nghĩa là ngay cả yếu tố “hồng” cũng không được đảm bảo.
Vào giữa tháng 3, trong buổi họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, ông Trọng cho biết chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (tới thời điểm phát ngôn), Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật “gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý”.
Từ thực tế này, ông Trọng nhấn mạnh “nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề.”
Khi nói những điều này, chưa có việc hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị mất chức liên tiếp, mở đầu là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (vào tháng 3), tiếp đó là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 4), rồi Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (tháng 5) và mới đây nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 6).
Từ đầu khóa tới nay, Bộ Chính trị đã mất bảy ủy viên, trong đó có năm người mất chức trong năm 2024.
Trong số những nhân vật lớn mất chức, có những người suốt sự nghiệp chỉ làm công tác đảng, trong các diễn ngôn luôn nêu cao lập trường giai cấp, nhấn mạnh sự ưu việt của chế độ, tức là những người mà về mặt phân loại có thể coi là “hồng của hồng”, “hồng hơn cả hồng”, như ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai.
Trong khóa 13, hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng cũng đã vướng vào lao lý như: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (18 năm tù) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, (3 năm tù) liên quan đến vụ test kit Việt Á.
Một số ủy viên khác bị khởi tố về các nhóm tội tham nhũng gồm: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn); Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái (vụ Thuận An); Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận (vụ án Đại Ninh)…
Việc nhiều ủy viên Bộ Chính trị, có cả “Tứ Trụ”, bị mất chức và các ủy viên Trung ương Đảng chịu tù tội cho thấy “công tác nhân sự rất yếu kém”, theo nhận định Giáo sư Carl Thayer với BBC trước đây.
Trong khi đó, công tác nhân sự luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và “liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước”.
Việc có quá nhiều cán bộ “cấp trung ương quản lý” bị kỷ luật, bị truy tố… khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng nhấn mạnh yếu tố “hồng” trong công tác nhân sự. Ba trong số bốn người mới vào Bộ Chính trị gần đây đến từ Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc, những cơ quan, tổ chức phụ trách công tác chính trị.
Giáo sư Abuza đánh giá rằng ba người này đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế và điều này có thể cho thấy nỗi lo của Đảng:
“Họ đưa người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương bà Bùi Thị Minh Hoài vào, họ đưa người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ông Đỗ Văn Chiến vào, rồi họ đưa cả trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào. Bản thân ông Nghĩa là một cựu sĩ quan quân đội từ Tổng cục Chính trị.
“Nếu nhìn vào bốn thành viên mới, ta sẽ thấy Đảng đang thực sự quan ngại về công tác huy động quần chúng và sự kiểm soát của Đảng,” Giáo sư Abuza bình luận với BBC.
Người còn lại là ông Lê Minh Hưng, từng làm ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm rồi làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào năm 2016.
Sau đó, ông lại sang làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2016-2020 và rồi trở lại làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho đến khi được bầu vào Bộ Chính trị.
Nhìn vào quá trình công tác của ông Lê Minh Hưng có thể thấy ông có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế ở Ngân hàng Nhà nước lẫn quốc tế. Đồng thời, ông cũng kinh qua chức vụ chuyên về công tác đảng nên ông hội đủ tiêu chuẩn vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt sau sự ra đi của ông Đinh Tiến Dũng, một nhà phân tích chính trị giấu tên từ Hà Nội đánh giá rằng, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt nhiều thách thức về kinh tế ở trong nước, cũng như đứng trước các cơ hội và thách thức trong hợp tác kinh tế quốc tế, việc Bộ Chính trị thiếu người có chuyên môn về kinh tế là điều rất đáng lo.
“Rõ ràng, sự phát triển về tư duy, nhận thức của Đảng trong thời gian qua đã không theo kịp đòi hỏi thực tiễn. Điều này khiến các nghị quyết chính trị, các quyết định ở cấp lãnh đạo, chỉ đạo không bắt kịp với nhịp độ phát triển của thế giới. Việt Nam đã và sẽ còn đánh mất nhiều cơ hội,” nhà phân tích này bày tỏ.