Câu ca dao của người xưa, thật là sâu sắc
“Ruột Đau Chín Chiều”: đó là những chiều nào?
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
Ta thường nghe câu ca dao:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Hoặc:
Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Thực ra nói đến chín chiều là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, người xưa thường dùng “cửu tự cù lao – chín chữ cù lao” là 09 điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là:
1 – Sinh (sanh đẻ)
2 – Cúc (nâng đỡ)
3 – Phủ (vuốt ve, trìu mến)
4 – Súc (cho bú mớm)
5 – Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)
6 – Dục (dạy dỗ)
7 – Cố (trông nom)
8 – Phục (xem tính nết mà uốn nắn)
9 – Phúc (bảo vệ)
Vì vậy mới có câu: ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình…
Nhân những ngày cuối năm tìm hiểu và tự nhắc nhở mình đôi điều về chín chữ cù lao để gọi là xin đền đáp trong muôn một thâm ân cha mẹ.
Theo: vanhoaphatgiao
Ảnh: Mẹ ngồi ngóng con về !