Từ ngày 09 đến 11/07, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO họp thượng đỉnh tại Washington. Cuộc họp diễn ra sau hơn hai năm NATO huy động mọi nguồn lực hậu thuẫn cho Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ukraina đang ở phòng chờ gia nhập Liên minh và đặc biệt đang mong đợi được tiếp thêm vũ khí, có thể sẽ lại thất vọng về các đồng minh.
Đăng ngày: 09/07/2024
Hoa Kỳ, nước chủ nhà của kỳ thượng đỉnh lần thứ 75 của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã hứa làm thỏa mãn Ukraina cũng như tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước khi tới Washington tham dự thượng đỉnh theo lời mời của khối, tổng thống Ukraina đã được nghe những tuyên bố đầy an tâm. Tuần trước, đại sứ Mỹ tại NATO, bà Julianne Smith đã nói : « Tôi cho rằng Ukraina sẽ thỏa mãn về những gì chúng tôi sẽ đặt lên bàn hội nghị ». Về phần mình tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, hôm 05/07 vừa qua tuyên bố : « Tôi hy vọng các nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ thông qua một tổng thể các biện pháp cốt yếu cho Ukraina ». Ông xác nhận « Ukraina đang xích gần NATO » đồng thời liệt kê danh sách các biện pháp cần phải quyết tại thượng đỉnh Washington.
Đang nôn nóng được ra nhập Liên minh nhanh nhất có thể, mặc dù vậy, đến nay Ukraina mới chỉ nhận được những hứa hẹn mà chưa có văn bản chính thức nào được Liên minh đưa ra.
Giới quan sát vẫn còn nhớ cách đây một năm, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva đã được ghi nhận như là một thất bại đối với lãnh đạo Ukraina. Ông Zelensky khi đó đã không giấu nỗi thất vọng và mô tả việc các nước NATO từ chối chính thức cam kết để Ukraina gia nhập liên minh là « điều phi lý ».
Một năm đã trôi qua, Ukraina vẫn phải đối mặt với Nga, Matxcơva tiếp tục giành ưu thế trên chiến trường, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Từ đó đến nay, Kiev chỉ còn đành hài lòng với cách diễn đạt giàu hình ảnh của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng sẽ có một loạt các biện pháp tạo thành « cầu nối hướng tới kết nạp ».
Chuyện mời Ukraina nhập vào NATO không còn mang tính thời sự nữa do không có sự đồng ý của Washington hay Berlin.
Cuối tháng 6, một nguồn từ ngoại giao Ukraina cho AFP hay : « Chúng tôi thực sự không thích ý tưởng về một cầu nối hướng tới kết nạp, chúng tôi cần được gia nhập ». Nguồn tin này cũng thừa nhận, « các cơ hội để có được lời mời chính thức gia nhập NATO đang tiến gần tới con số không ».
Tổng thống Volodymyr Zelensky, đến giờ chắc hẳn cũng đã hiểu sự ủng hộ Ukraina gia nhập Liên minh chỉ là lời nói. Trái lại Kiev có thể kỳ vọng nhiều hơn vào việc các đồng minh trong NATO sẽ cung cấp thêm vũ khí đạn dược để đối phó với các cuộc tấn công của Nga ngày càng khốc liệt, đặc biệt vào Kharkiv, trong những tuần gần đây.
Kiev đề nghị được cấp các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng, hiện là mục tiêu oanh kích thường xuyên của Nga. Hồi cuối tháng trước, ông Zelensky có lần đã nói đến một nửa công suất năng lượng của Ukraina đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga.
“Tôi hy vọng các đồng minh sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng không và đạn dược”, tổng thư ký NATO bảo đảm hôm thứ Sáu tuần trước.
Nếu không có các nước NATO cung cấp gần như toàn bộ viện trợ quân sự, Ukraina sẽ bị đánh bại trên chiến trường. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng nguồn viện trợ này sẽ được duy trì lâu dài..
Do đó, ông Jens Stoltenberg đã đề xuất với đồng minh cam kết cung cấp mức viện trợ quân sự tối thiểu, trong lâu dài, là khoảng 40 tỷ euro mỗi năm. Tổng thư ký NATO, hy vọng, vẫn lại hy vọng, thượng đỉnh Washington sẽ ra tuyên bố theo hướng trên.
Ian Lesser, chuyên gia văn phòng tư vấn Mỹ, German Marshall Fund nhận định: “Không thể tránh được sẽ có sự khác biệt giữa khát vọng của Ukraina với NATO và những gì NATO có thể thực sự mang lại ».
Tóm lại, ông Volodymyr Zelensky, « sẽ không có sự lựa chọn nào khác là chấp nhận những gì người ta đề nghị với ông, cho dù vấn đề đặt ra trên bàn hội nghị là gì », một nhà ngoại giao của NATO bình luận, đồng thời ông cũng không nghĩ tổng thống Ukraina sẽ thất vọng vì lần này ông Zelensky đã được chuẩn bị tốt hơn.