Vào lúc chiến tranh Ukraina tiếp tục diễn ra ác liệt, các đồng minh phương Tây vẫn đồng lòng yểm trợ Kiev chống Nga xâm lược. Nhưng ý thức được rằng mối đe dọa từ Matxcơva sẽ không chỉ dừng ở Ukraina, nhân thượng đỉnh khối NATO ở Washington, hôm 10/07/2024, Hoa Kỳ thông báo một kế hoạch triển khai vũ khí chưa từng có ở châu Âu.
Đăng ngày: 12/07/2024
Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các tên lửa của Mỹ vẫn tiếp tục được bố trí ở châu Âu, nhưng Washington đã dần dần cắt giảm đáng kể số lượng vũ khí này, vì vào thời gian đó, mối đe dọa từ Matxcơva đã bớt đi. Giờ đây, tình hình đã thay đổi với việc Nga xâm lược Ukraina. Các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương phải gấp rút tăng cường khả năng phòng thủ ở châu Âu.
Theo chiều hướng này, kể từ năm 2026, quân đội Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tầm xa trên lãnh thổ nước Đức. Đó là tên lửa địa đối không SM-6 có tầm bắn lên tới 400 km, tên lửa hành trình Tomahawk được thiết kế để có thể gắn đầu đạn hạt nhân, và các loại tên lửa siêu thanh, hiện đang được chế tạo. Những vũ khí này có thể bắn tới các mục tiêu xa hơn so với các hệ thống đang được bố trí ở châu Âu. Các bước chuẩn bị cho việc bố trí tên lửa đã bắt đầu. Các tên lửa mới sẽ được triển khai một cách tạm thời, mục tiêu là sau đó sẽ phát triển khả năng phòng thủ tên lửa một cách dài hạn hơn cho châu Âu.
Hoa Kỳ có thể triển khai loại vũ khí này là bởi vì hiệp ước về vũ khí hạt nhân ký kết giữa Washington và Matxcơva năm 1987 không còn giá trị nữa. Từ năm 2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước, bởi vì theo ông từ nhiều năm qua trên thực tế Nga đã không còn tuân thủ nữa. Sau đó, tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố nước Nga chính thức rút khỏi hiệp ước.
Kể từ khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ những vũ khí mạnh như thế lại được Hoa Kỳ triển khai ở châu Âu. Đây được coi là một lời cảnh cáo gởi tới Matxcơva. Để biện minh cho quyết định đó, các nước thành viên NATO khẳng định không thể nào loại trừ khả năng lãnh thổ nước họ bị Nga tấn công, cho nên phải triển khai các tên lửa có khả năng bắn chận từ xa.
Theo hãng tin AFP, thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua đã hoan nghênh quyết định của Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ nước ông, vì đây là nhằm mục đích “răn đe” và “bảo đảm cho hòa bình”. Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius, việc triển khai tên lửa mới của Mỹ sẽ bù đắp cho khả năng rất yếu kém của nước này về phòng thủ. Hiện giờ quân đội Đức không có những tên lửa có thể được bắn đi từ mặt đất, mà chỉ có các tên lửa hành trình được bắn đi từ các phi cơ. Theo lời ông Pistorius, các tên lửa sắp được triển khai của Mỹ chỉ là giải pháp tạm thời cho đến nào nước Đức phát triển đủ khả năng phòng thủ.
Không chỉ có Đức mà toàn bộ các nước châu Âu khác nay đều bị chậm trễ rất nhiều so với Nga về các vũ khí tấn công tầm xa, sau nhiều thập niên cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Cho nên, kế hoạch của Mỹ đến rất đúng lúc cho các nước ở châu lục này, nhất là những nước nằm sát bên Nga như Ba Lan hay các nước vùng Baltic.
Dĩ nhiên là Nga đã có phản ứng rất mạnh trước kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ mà họ xem là sẽ đưa châu Âu trở lại thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Hôm qua, điện Kremlin đã tuyên bố sẽ thi hành “các biện pháp trả đũa” để ngăn chận “mối đe dọa rất nghiêm trọng” từ khối NATO.