Cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp trước kỳ hạn, với kết quả liên minh cầm quyền của tổng thống Emmanuel Macron mất đa số tương đối, gây lo ngại cho Ukraina và các đồng minh NATO. Hôm qua, 10/07/2024, tại thượng đỉnh của NATO ở Washington, tổng thống Macron tuyên bố nước Pháp “có đủ phương tiện” để thực thi các cam kết hỗ trợ Ukraina chống xâm lược.
Đăng ngày: 12/07/2024
Tại cuộc họp Hội đồng Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tổng thống Macron khẳng định cử tri Pháp “đã loại trừ các đảng phái cực đoan, có khả năng phản đối các cam kết của nước Pháp với Ukraina và với NATO”, theo một nguồn tin ngoại giao Pháp. Reuters cho hay, ba nguồn tin châu Âu xác nhận phát biểu này.
Trả lời báo giới sau cuộc hội kiến với tổng thống Pháp, thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin tưởng là “nước Pháp có một tổng thống mạnh”, và tiếp tục là “một đối tác quan trọng trên trường quốc tế, một đối tác đáng tin cậy đối với tất cả các đồng minh, và đặc biệt với nước Đức”. Thủ tướng Scholz hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp, với việc đảng cựu hữu dân túy không giành được thắng lợi và bày tỏ hy vọng là các lãnh đạo chính trị Pháp sẽ tìm ra được “một giải pháp” lập chính phủ mới.
Theo Reuters, trong giới lãnh đạo châu Âu, nhiều người hy vọng tân thủ tướng Pháp sẽ tiếp tục thực thi các chủ trương hỗ trợ Ukraina của tổng thống Macron, như việc viện trợ chiến đấu cơ Mirage.
Pháp, Đức, Ý và Ba Lan thỏa thuận phát triển tên lửa tầm xa hơn 500 km
Bên lề thượng đỉnh NATO ngày hôm qua, 11/07, theo sáng kiến của Paris, bốn nước Pháp, Đức, Ý và Ba Lan đã ký một biên bản ghi nhớ về dự án phát triển tên lửa hành trình tầm xa hơn 500 km và radar khó phát hiện được loại tên lửa này vì bay ở tầm thấp.
Cho đến nay, châu Âu mới có các tên lửa hành trình với tầm bắn tối đa 500 km, như Storm Shadow của Anh, Scalp của Pháp và Taurus của Đức.
Theo bộ Quân Lực Pháp, mục tiêu của dự án là xây dựng một lực lượng “răn đe” mới của châu Âu và các nước châu Âu khác có thể tham gia. Dự án có thể dựa một phần vào các tài trợ của châu Âu.
Theo một nguồn tin quân sự, loại tên lửa mới mà Pháp, Đức, Ý và Ba Lan dự định phát triển sẽ có tầm bắn từ 1.000 đến 2.000 km, vốn bị cấm theo thỏa thuận kiểm soát tên lửa hạt nhân tầm trung INF, hết hiệu lực vào năm 2019.