Đằng sau việc Trung Quốc truy tố hai cựu bộ trưởng quốc phòng là gì?

Đằng sau việc Trung Quốc truy tố hai cựu bộ trưởng quốc phòng là gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 12/06/2022. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP qua Getty Images)

Jon Sun

Xin Ning

Thứ bảy, 13/7/2024

Theo truyền thông nhà nước, hai cựu bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc truy tố quân sự với cáo buộc lạm dụng quyền lực, hối lộ, và “phản bội” ​​Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như nhiệm vụ quân sự.

Các chuyên gia cho rằng việc lật đổ hai vị quan lớn này có thể được xem là đặt nền móng cho các cuộc thanh trừng tiếp theo trong quân đội.

Hôm 27/06, Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã chấp thuận hai báo cáo trừng phạt của Quân ủy Trung ương đối với hai cựu bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) và Lý Thượng Phúc (Li Shangfu). Hai ông hiện đang bị giam giữ, chờ điều tra, và phải đối mặt với cuộc truy tố quân sự.

Theo ủy ban quân sự này, trường hợp của họ được xác định là “có tính chất vô cùng nghiêm trọng, có tác động hết sức bất lợi, và gây thiệt hại đặc biệt lớn.”

Cơ quan giám sát hàng đầu của quân đội đã tước quân hàm cấp tướng của cả hai ông và khai trừ họ khỏi đảng cùng với hàng loạt cáo buộc, trong đó có “lạm dụng quyền lực,” “hối lộ,” “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị,” “không tuân thủ sự giám sát của tổ chức,” và “không trung thành” với đảng và nhiệm vụ quân sự.

Ông Ngụy giữ chức bộ trưởng quốc phòng thứ 12 từ tháng 03/2018 đến tháng 03/2023, trong khi ông Lý nhậm chức bộ trưởng quốc phòng thứ 13 từ tháng 03/2023 đến tháng 10/2023, chỉ hơn nửa năm một chút.

Hôm 28/06, ký giả Nhật Bản kỳ cựu Akio Yaita, một người nắm rõ tình hình ở Trung Quốc, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng các báo cáo trừng phạt đồng loạt đối với hai cựu bộ trưởng quốc phòng này đã khiến những người trong quân đội “cảm thấy bất an và lo lắng.”

Ông Yaita nói: “Cuộc thanh trừng này báo hiệu ông Tập Cận Bình đã loại bỏ quân đội thân cận trong quá khứ của mình,” đồng thời viện dẫn việc hai vị bộ trưởng quốc phòng đều đã được ông Tập Cận Bình lựa chọn kỹ càng. Ví dụ, một tuần sau khi nắm giữ vai trò lãnh đạo đảng, vào ngày 23/11/2012, ông Tập đã vội vàng phong hàm tướng cho ông Ngụy.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Vương Hách (Wang He) cũng chia sẻ quan điểm tương tự rằng “hành động này cho thấy một thực tế là hầu hết những người trong quân đội ĐCSTQ, trong đó có cả những người được chính ông Tập thăng chức, đều là người hai mặt. Quân tâm bất ổn, ông Tập không thể thu phục được họ.”

“Có rất nhiều sự bất đồng tồn tại trong nội bộ các tướng lĩnh cấp cao về chính sách và chiến lược quân sự hiện hữu đối với Đài Loan và Hoa Kỳ,” ông Vương nhận định, “sự bất mãn trong quân đội Trung Quốc đang tăng lên.”

Ông Vương lưu ý rằng Quân ủy đã đệ trình báo cáo về việc trừng phạt hai quan chức cấp bộ này trước hội nghị toàn thể lần thứ ba, “mà có thể là một nỗ lực của ông Tập nhằm răn đe các thế lực đối lập trong quân đội và bảo đảm an toàn cho đại hội đảng.”

Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20, lẽ ra phải được tổ chức vào mùa thu năm ngoái như thông lệ trong gần bốn thập niên qua, đã bị hoãn lại đến ngày 15/07-18/07 tại Bắc Kinh.

ĐCSTQ đã gia cường an ninh ở thủ đô, nơi đặt trung tâm quyền lực của đảng này. Hôm 06/06, ông Chu Quân (Zhu Jun), chính ủy mới được thăng cấp của quân khu Bắc Kinh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng khi ông chủ trì một cuộc họp về quản lý lực lượng vũ trang của đảng ở Bắc Kinh.

Đại tu chính trị quân sự

Từ ngày 17/06 đến ngày 19/06, ông Tập Cận Bình đã triệu tập hội nghị công tác chính trị của Quân ủy Trung ương tại Diên An, tỉnh Thiểm Tây. Tại cuộc họp, ông Tập nhấn mạnh mục đích triệu tập hội nghị công tác chính trị toàn quân là để nêu rõ “nòng súng luôn nằm trong tay những người trung thành và đáng tin cậy với Đảng.”

Nhà lãnh đạo Trung Quốc so sánh hội nghị này với hội nghị được tổ chức tại thị trấn Cổ Điền, huyện Thượng Hàng, tỉnh Phúc Kiến, diễn ra từ ngày 28/12 đến ngày 29/12/1929. Tại hội nghị đó, ĐCSTQ đã thiết lập nguyên tắc tuyệt đối “Đảng chỉ huy nòng súng” và quan điểm của Mao Trạch Đông ở cương vị là nhà lãnh đạo Hồng Quân.

Ông Vương cho biết: “Đây có thể là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang noi gương ông Mao, khi ông ấy gửi tín hiệu răn đe nghiêm túc tới toàn quân, đặc biệt là các tướng lĩnh hàng đầu.”

“Tập cần phải thanh lọc ‘những gì ông ấy xem là thế lực chống Tập;’ ông ấy muốn hạ thủ trước và loại trừ những hiểm họa tiềm ẩn.”

Thượng tướng Trương Hựu Hiệp

Theo ông Yaita, ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch cấp cao nhất của Quân ủy Trung ương, có thể là một mục tiêu khác trong cuộc thanh trừng quân sự khi ông Tập đang mở đường để làm suy yếu tầm ảnh hưởng của nhân vật đứng thứ hai của quân đội.

Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, (ở giữa bên phải), đi cùng những người tham dự khác sau khi chụp ảnh nhóm trước khi khai mạc Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, hôm 22/04/2024, tại Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, (ở giữa bên phải), đi cùng những người tham dự khác sau khi chụp ảnh nhóm trước khi khai mạc Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, hôm 22/04/2024, tại Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Báo cáo trừng phạt ông Lý Thượng Phúc gồm có hành vi phạm tội về hối lộ. Ông Yaita cho biết Thượng tướng Trương là một trong những cấp trên đáng chú ý của ông Lý.

Thượng tướng Trương từng là người đứng đầu Tổng cục Vũ khí Quân Giải phóng Nhân dân từ tháng 11/2015 đến tháng 08/2017. Theo ông Yaita, ông Lý là cấp dưới của ông và sau đó đã đảm nhiệm chức vụ của Thượng tướng Trương khi ông này được thăng chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Theo ông Vương, ngoài bản thân hành vi hối lộ, những bất ổn chính trị khác trong các cấp cao nhất của quân đội xoay quanh lòng trung thành của quân đội với ông Tập, trong đó có Thượng tướng Trương, là những lý do chính cho sự leo thang của cuộc đại tu quân sự của ĐCSTQ.

Báo cáo về hình phạt dành cho ông Ngụy và ông Lý đều có nội dung giống nhau: “Trong quá trình điều tra, đã phát hiện các manh mối khác về hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.” Ông Vương cho rằng mặc dù không có mô tả cụ thể, nhưng mức độ nghiêm trọng của hình phạt mà Văn phòng Công tố Quân đội đưa ra cho hai quan chức này là rất linh động.

Tuệ Chân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment