Hungary mới đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) được nửa tháng thì đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của Ủy Ban Châu Âu để trừng phạt việc thủ tướng Victor Orban tự quyết định tới Nga gặp tổng thống Vladimir Putin thảo luận vấn đề Ukraina mà không hề có bàn bạc trong khối.
Đăng ngày: 16/07/2024
Tối qua, 15/07/2024, Ủy Ban Châu Âu thông báo, « sau những diễn tiến mới », các ủy viên châu Âu sẽ không dự nhiều cuộc họp dự trù tại Hungary trong 6 tháng tới, tức trong thời gian nước này đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Trên mạng X, ông Eric Mamer, phát ngôn viên của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cho biết bà Ursula von der Leyen đã quyết định rằng các cuộc họp không chính thức của Hội Đồng Châu Âu dự trù tại Hungary từ nay đến cuối năm sẽ chỉ là ở cấp quan chức cấp cao. Ngoài ra, các chuyến công tác của các ủy viên, vẫn thường được tổ chức ở nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên, sẽ bị hủy.
Alberto Alemanno, giáo sư luật châu Âu tại Trường Cao đẳng Thương mại (HEC) Paris, trên mạng X, nhận định sự việc « chưa từng có », khi đề cập đến việc Ủy Ban Châu Âu “tẩy chay” nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary.
Tuy nhiên, phản ứng của EU là có lý do. Vừa nhậm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu được vài ngày, hôm 05/07, thủ tướng Viktor Orban đã công du Nga gặp tổng thống Vladimir Putin, khiến các nước thành viên EU vừa khó hiểu vừa bực mình. “Sáng kiến hòa bình” của ông Orban không được các lãnh đạo trong khối đồng tình.
Kể từ ngày 1/7, Hungary giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu trong sáu tháng với chức năng điều phối các công việc liên quan đến lập pháp. Tuy nhiên, chức chủ tịch này không cho phép Hungary thay mặt các nước Liên Âu bày tỏ quan điểm trên trường quốc tế. Thế mà ông Orban bị cáo buộc đã lạm dụng vị thế của mình để thảo luận về kế hoạch “ngừng bắn” ở Ukraina, đi ngược lại lập trường của Liên Âu là hoàn toàn ủng hộ Kiev và cô lập Nga.
Ngay sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Hungary tới Nga, các lãnh đạo châu Âu, từ chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, đến lãnh đạo ngoại giao EU Josep Borrell đều đã mạnh mẽ chỉ trích ông Victor Orban.
Ông Michel cảnh báo rằng “chủ tịch luân phiên EU không có quyền thay mặt khối để liên hệ với Nga “. Lãnh đạo nhiều nước thành viên đã lần lượt lên tiếng chỉ trích chuyến thăm gây tổn hại đến lợi ích của Liên Âu.
Nhiều cuộc họp đã được tổ chức ở các cấp độ khác nhau trong EU và một số người ủng hộ ý tưởng tước quyền chủ tịch luân phiên EU của Hungary và chuyển giao cho Ba Lan. Đại sứ của các quốc gia thành viên EU hôm 10/07 đã họp tại Bruxelles để thảo luận về chuyến thăm Nga và Trung Quốc của ông Orban, cũng như tương lai nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary.
Đại diện ngoại giao các nước đều tố cáo lãnh đạo Hungary đã “phá hoại sự đoàn kết của 27 quốc gia bằng cách sử dụng chức vụ chủ tịch luân phiên và các biểu tượng của EU trong chuyến thăm của ông và hành động trái với các hiệp ước” của Liên Hiệp.
Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic là những quốc gia đã kêu gọi xem xét việc rút tư cách chủ tịch luân phiên của Hungary. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi thủ tục, tồn tại trên lý thuyết, có thể áp dụng được trên thực tế. Theo giới chuyên gia, việc rút tư cách chủ tịch luân phiên EU của một quốc gia thành viên trước khi kết thúc nhiệm kỳ không chỉ là việc làm bất thường mà còn phức tạp và khó khăn, vì không có cơ chế pháp lý nào trong các hiệp ước của Liên Âu để giải quyết tình huống này.
Chức chủ tịch luân phiên được coi là một yếu tố cơ bản trong thể chế của Liên Hiệp, một thủ tục ưu đãi bảo đảm sự bình đẳng và cân bằng giữa các quốc gia thành viên. Mặt khác, một số quy định pháp lý nhất định có thể được áp dụng nếu có những lo ngại lớn về cách thức mà một quốc gia thành viên thực thi vai trò chủ tịch luân phiên.
Lựa chọn đầu tiên có thể là gây áp lực chính trị thông qua các kênh ngoại giao, có thể dẫn đến việc nước liên quan tự nguyện rút lui. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra với nước Hungary của ông Orban, trong nhiều năm qua vẫn nổi tiếng không chấp nhận thỏa hiệp, bất chấp những bất đồng dai dẳng với EU. Ngoài ra, Liên Âu còn có thể trừng phạt bằng cách đình chỉ một số quyền của quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng các giá trị chung của Liên Hiệp. Tuy nhiên, cơ chế này không loại bỏ tư cách chủ tịch, mà lại có thể gây ra những hậu quả chính trị ảnh hưởng đến vai trò của quốc gia liên quan trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định chung.
Cho dù có nhiều khả năng xử lý Hungary, nhưng giới quan sát hy vọng Bruxelles sẽ theo đuổi một chủ trương cân bằng hơn, thay vì sử dụng các biện pháp cưỡng chế, chỉ làm suy yếu thêm các định chế và gây mất lòng tin trong Liên Hiệp.