Hôm qua, 15/07/2024, trong cuộc họp báo ở Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tuyên bố muốn Matxcơva tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraina vào tháng 11 tới. Nhưng phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ về đề xuất của ông Zelensky.
Đăng ngày: 16/07/2024
Trước đó, hội nghị đầu tiên đã được tổ chức vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ, với sự tham dự của hàng chục quốc gia, nhưng Nga đã không được mời.
Ông Zelensky cho biết : “Tôi nghĩ rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này.” Sau gần hai năm rưỡi chiến tranh, đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina thể hiện mong muốn đàm phán với Matxcơva mà không đặt điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina. Trước đây, ông từng tuyên bố không muốn thảo luận với Matxcơva chừng nào Vladimir Putin còn nắm quyền và thậm chí còn ký sắc lệnh xem việc đàm phán với Nga là “bất hợp pháp”.
Tổng thống Zelensky cũng khẳng định đặt mục tiêu là đến tháng 11 tới, Kiev sẽ đưa ra “một kế hoạch đầy đủ” cho “một nền hòa bình công bằng”. Nguyên thủ Ukraina không nói đến việc chấm dứt chiến sự, mà chỉ đề cập đến việc thiết lập kế hoạch về ba lĩnh vực chính : an ninh năng lượng, sau khi các cơ sở hạ tầng của Ukraina bị tàn phá do các vụ ném bom của Nga, tự do hàng hải ở Hắc Hải, một vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraina và cuối cùng là trao đổi tù binh. Theo AFP, Nga hiện vẫn chiếm đóng gần 20% lãnh thổ Ukraina và triển vọng về một lệnh ngừng bắn hay hòa bình lâu dài giữa Kiev và Matxcơva sẽ khó có thể xảy ra ở giai đoạn hiện nay.
Đáp lại đề xuất của tổng thống Zelensky, phía Nga tỏ vẻ nghi ngờ và cho biết trước tiên họ cần hiểu hội nghị hòa bình mà Kiev nhắc tới là gì, trước khi chấp nhận tham gia đàm phán. Trên kênh truyền hình Nga Zvezda, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay trả lời: “Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên hoàn toàn không phải là hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Vì vậy, có lẽ trước hết cần phải hiểu ý của ông ấy (Zelensky) là gì“.
Cũng trong ngày hôm qua, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder tái khẳng định rằng Hoa Kỳ không cho phép Ukraina sử dụng tên lửa tầm xa mà Mỹ đã cấp cho quân đội Kiev để oanh kích vào lãnh thổ Nga. Ông nói : “Gần đây chúng tôi đã cho phép Ukraina sử dụng đạn pháo của Mỹ ở phía bên kia biên giới để đáp trả và phòng thủ. Nhưng chính sách của chúng tôi về tên lửa tầm xa vẫn không thay đổi (…) Chúng tôi muốn tránh những hậu quả không lường trước được, như một sự leo thang căng thẳng có thể biến cuộc xung đột này thành một cuộc đối đầu rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Ukraina”.
Về tình hình chiến sự, Ukraina cho biết máy bay Nga hôm qua đã thả hai quả bom nặng 250 kg xuống tỉnh Donetsk khiến 5 người bị thương, ba cơ sở kinh doanh, một cơ sở hạ tầng và một ngôi nhà đã bị hư hại nặng.