Các hiệp hội chuyên ngành Pháp – Trung : Đầu mối để Bắc Kinh chiếm đoạt các công nghệ của Pháp

Bắc Kinh đã tìm cách tập hợp đông đảo các nhà khoa học và học giả tại Pháp, thiết lập thành các hiệp hội chuyên ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin và chuyển giao công nghệ của Pháp về Trung Quốc.

Đăng ngày: 18/07/2024

(Ảnh minh họa) - Chuyên cơ chở tổng thống Pháp Emmanuel Macron hạ cánh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 05/04/2023.
(Ảnh minh họa) – Chuyên cơ chở tổng thống Pháp Emmanuel Macron hạ cánh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 05/04/2023. REUTERS – GONZALO FUENTES

Thùy Dương

Theo báo cáo tóm lược của Sinopsis, trang mạng điều tra của CH Séc về Trung Quốc, được công bố ngày 14/07/2024, đúng ngày Quốc Khánh Pháp, chính quyền Bắc Kinh đã phát triển một chiến lược tinh vi nhằm chuyển giao kiến ​​thức và công nghệ của nước ngoài, trong đó có Pháp, về Trung Quốc. Chiến lược này được thực hiện thông qua việc tuyển dụng các học giả và doanh nhân nước ngoài vào các vị trí ngắn hạn hoặc thường trực ở Trung Quốc, hoặc ngay ở nước sở tại. Theo những ghi nhận khác, các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc thường gắn với các hành vi cố ý làm sai quy định trong công việc và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên của Sinopsis về chương trình Trung Quốc tuyển dụng nhân tài tại Pháp, xác định được các mạng lưới rộng lớn trong giới khoa học và công nghệ của Pháp, với những mối liên hệ chặt chẽ với chế độ Cộng Sản Trung Quốc và việc chuyển giao công nghệ. Mạng lưới chuyên ngành này có thể tạo dựng được nhiều kênh để Trung Quốc, thậm chí là để ngành quốc phòng của Bắc Kinh, chiếm được các công nghệ then chốt của Pháp về sáng chế, phát minh và an ninh quốc gia. Trong một số trường hợp, các kênh này có thể được dùng vào mục đích gây ảnh hưởng chính trị.

Nghiên cứu của Sinopsis tập trung vào 20 hiệp hội có trụ sở tại Pháp và hoạt động tích cực trong việc chuyển giao kiến ​​thức và công nghệ sang Trung Quốc. Thành viên của các hiệp hội này, được cho là có đến hơn 10.000 người, chuyên làm việc cho các công ty và tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Pháp.

Sinopsis cũng đã xác định được 71 cơ sở chuyên tuyển dụng nhân tài, do các đơn vị có trụ sở tại Pháp điều hành, phục vụ lợi ích của Mặt Trận Thống Nhất, bộ máy gây ảnh hưởng bên ngoài của chế độ Bắc Kinh, chính quyền cấp địa phương, công ty và trường đại học ở Trung Quốc. Lãnh đạo của một số hiệp hội đó là những người phục vụ cho các cơ quan của Trung Quốc, đồng thời có một vị trí thường trực trong các viện nghiên cứu của Pháp.

Các tổ chức này hỗ trợ cơ quan tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến ​​thức khoa học và công nghệ sang Trung Quốc, kể cả về hệ thống quốc phòng của nước sở tại, qua việc cách lách các chính sách an ninh kinh tế của chính quyền Pháp, chẳng hạn quy định giám sát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư nước ngoài. Một số hiệp hội còn nhắm đến các công nghệ lưỡng dụng. Chẳng hạn một hiệp hội đã kết nối chuyên gia laser Gérard Mourou, từng đoạt giải Nobel, với ủy ban cố vấn của Đại học Bắc Kinh, trong đó có He Xiantu, người đã thiết kế trái bom neutron đầu tiên của Trung Quốc.

Tất cả các hiệp hội mà Synopsis tìm hiểu đều duy trì nhiều mối liên hệ với chế độ Trung Quốc, đặc biệt là các cơ quan của Mặt Trận Thống Nhất. Nhìn bề ngoài thì tưởng chừng như vô hại, nhưng theo Le Point, các hiệp hội này đều là chi nhánh hoặc có liên hệ với các thực thể ở Trung Quốc, được các bộ hoặc bộ máy gây ảnh hưởng bên ngoài của đảng Cộng Sản Trung Quốc (Mặt Trận Thống Nhất) mua chuộc và duy trì quan hệ chặt chẽ với đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp.

Trên thực tế, nhờ được gắn nhãn hiệp hội của Pháp, họ được nhìn nhận như những đối tác hợp pháp của các định chế của Pháp và được tiếp cận với các quan chức cấp cao. Một hiệp hội thậm chí còn điều hành Station F, khu học xá về công nghệ tại Paris, trong khuôn khổ chương trình dành cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc quan tâm đến thị trường Pháp/châu Âu và ngược lại, vốn được xem là “vườn ươm các công ty khởi nghiệp” lớn nhất của Pháp từ một vài năm nay. Chủ tịch của hiệp hội này hồi năm 2018 đã được mời tháp tùng phái đoàn của thủ tướng Pháp khi đó là Edouard Philippe trong chuyến công du Trung Quốc.

Những nguy cơ bị phớt lờ

Trong bài viết “Mạng lưới bí mật của Trung Quốc để chiếm công nghệ Pháp”, Le Point ngày 15/07 cũng giới thiệu chi tiết báo cáo của Sinopsis. Điều đáng lo ngại là dù mạng lưới này có vai trò quan trọng trong việc đưa những người Pháp đoạt giải Nobel và nhà lãnh đạo các tổ chức nghiên cứu lớn của Pháp như CNRS, CNES, INSERM đến Trung Quốc, đẩy nhiều người vào vòng tay của các cơ quan nghiên cứu phục vụ riêng quân đội Trung Quốc, nhưng điều này lại ít được biết đến tại Pháp.

Tác giả báo cáo, với bút danh René Bigey, « cựu chuyên gia phân tích về Trung Quốc », cảnh báo những nguy cơ mà các hội này gây ra là rất rõ ràng. Đó là « sự rò rỉ ngoài mong muốn các thông tin và công nghệ cho các đối thủ cạnh tranh thương mại », « làm mất khả năng cạnh tranh theo hướng có lợi cho một đối thủ chính thức được xem là đối thủ chiến lược ».

Ngoài ra, với tư cách là đối tác của các cơ quan Trung Quốc, các hiệp hội này có thể được đảng Cộng Sản Trung Quốc dùng như một công cụ gây ảnh hưởng chính trị. Chẳng hạn, 4D China, một nhóm liên kết với các hiệp hội mà Synopsis tìm hiểu, đang tìm cách chống lại điều mà họ xem là “những quan niệm sai lầm” về Trung Quốc trong xã hội Pháp. Đồng sáng lập viên của nhóm này là một chuyên gia cấp cao của France Stratégie, một cơ quan tư vấn cho thủ tướng Pháp.

Tuy nhiên, may mắn là, theo Le Point, đường lối “không gây sóng” từng thịnh hành trong việc quản lý mối quan hệ với Trung Quốc nay không còn được chính quyền Pháp áp dụng. Paris nay thường xuyên công bố những hành động bị xem là gây vấn đề nhất của Trung Quốc.

Chẳng hạn, ngay trong đầu tháng 7 vừa qua, bản tin kinh tế của Tổng cục Tình báo và An ninh Quốc phòng (DRSD), cơ quan tình báo của bộ Quân Lực Pháp, đã chỉ ra rằng “Trung Quốc có một chiến dịch nhắm vào các nhà nghiên cứu người Pháp”, cho thấy là “kể từ tháng 11/2022, một văn phòng tư vấn của Trung Quốc tiến hành một chiến dịch “săn” nhân lực trái phép (débauchage) quy mô lớn trong giới nghiên cứu khoa học Pháp”, với 650 vụ tiếp cận, chủ yếu là qua mạng xã hội, trong năm 2023, để dụ các nhà nghiên cứu thiếu cảnh giác đến các cuộc phỏng vấn tuyển dụng giả mạo.

Mạng lưới hiệp hội Trung Quốc thường nhắm đến những nhà khoa học danh tiếng, thường là đang ở cuối sự nghiệp hoặc đã nghỉ hưu, cũng như những định chế mang tính chiến lược để phát triển rầm rộ các công nghệ tương lai. Không chỉ thúc đẩy “hợp tác khoa học mạnh mẽ và minh bạch nhằm nâng cao tri ​​thức toàn cầu”, sứ mệnh của các hiệp hội này còn được nêu rõ là thu hút nhân tài và công nghệ đến Trung Quốc.

Điều đáng lưu ý là, bất chấp sự bất cân xứng trong mục tiêu nói trên của các hiệp hội Pháp – Trung, họ cũng vẫn được ưu ái trong các dự án lớn dưới nhiệm kỳ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sinopsis đặc biệt lo ngại về trường hợp Vườn ươm khởi nghiệp OuiCrea, dù được các thành phố Hàng Châu, Đông Quan và Ôn Châu của Trung Quốc giới thiệu như trạm tuyển dụng nhân tài cho họ, nhưng vai trò của OuiCrea trong các nỗ lực chuyển giao công nghệ do đảng Cộng Sản Trung Quốc dẫn dắt dường như đã bị chính quyền Pháp làm ngơ hoặc bác bỏ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment