Cách thức pha và uống trà xanh của người Nhật Bản

Saigon Nhỏ

(Hình minh họa: 五玄土 ORIENTO/Unsplash)

Có thể nói không một người Nhật nào từ già đến trẻ, nam hay nữ mà không thích uống trà xanh của Nhật Bản. Dù là ngoại quốc hay Nhật, khi là khách đến nhà người Nhật, chắc chắn được người Nhật tiếp đãi trà xanh là chuyện không bao giờ không có rồi sau đó mới là chuyện khác . Vì vậy mục đích của bài viết này là nêu lên vài kiến thức về loại nước giải khát này.

Bài viết không đi sâu vào những dữ kiện, thể thức và dụng cụ khá phức tạp để uống trà có tính cách thưởng thức một nghệ thuật mà người ta gọi là Trà Đạo (Sadoo). Một dạng thức thưởng thức trà của nền văn hoá từ xưa của Nhật mà chúng ta thấy trong các những cuộc lễ hội hay trong những cuộc trình diễn dâng trà của các đoàn nhóm phu nhân, nữ sinh viên ở các đoàn thể, trường học chuyên môn về văn hoá. Đó không còn là cuộc uống trà bình thường nữa mà một nghệ thuật văn hoá với những thủ tục rất rườm rà, quý phái, đạt đến mức tối thượng của nền văn hoá cổ truyền Nhật bản. Ngoài hình thức rất phức tạp của người pha và dâng trà cũng như của người uống, thưởng thức trà trong đó phải có sự tĩnh lặng trầm lắng tâm hồn. Loại trà dùng trong lễ dâng trà này chắc chắn phải là một loại trà xanh rất cao cấp hơn dưới dạng bột.

Bài viết này chỉ thu nhỏ vào cách thức pha và uống trà xanh rất thông thường của bất cứ gia đình Nhật nào trong xã hội. Họ pha trà mời khách khi đến thăm gia đình họ hay tại nơi làm việc, cô thư ký, bà giúp việc pha trà cho ông giám đốc, ông chủ hãng hay để tiếp đãi nhưng vị khách trong các cuộc hội họp ở các văn phòng giao tế, các công ty. Ngay cả trong gia đình khi người vợ , người mẹ pha trà cho chồng, cho con trong những lúc uống trà hàng ngày, người ta cũng phải theo những nguyên tắc rất căn bản và cần thiết này để không làm mất cái ngon, cái đậm đà của trà.

Tóm lại đây chỉ là bài viết nêu lên những điều căn bản không thể thiếu, không thể bỏ qua được cho bất cứ ai muốn uống, muốn thưởng thức mùi vị đúng nghĩa của loại trà xanh Nhật bản. Một loại trà xanh hoàn toàn khác xa với loại trà xanh được sản xuất tại VN hay Trung Hoa. Loại trà xanh Nhật cho ra nước màu xanh từ đầu cho đến hết mùi trà, nước trắng trong. Nhưng trà xanh của Việt Nam hay Trung Hoa chỉ cho ra màu xanh lờ lợ màu nâu ở nước đầu tiên rồi biến nhanh sang màu nâu đậm ở các lần pha kế tiếp. Mùi vị cũng có thể nói là khác hoàn toàn.

Bài viết này cũng giúp người uống trà hiểu biết thêm về những tiêu chuẩn để lựa chọn, phân biệt được những loại trà xanh tốt hay xấu, ngon hay không ngon được bán trên thị trường (ở các cơ sở buôn bán của kiều dân Nhật Bản). Rồi dựa vào những tiêu chuẩn đó chúng ta sẽ hiểu được lý do tại sao cùng gọi là trà xanh nhưng khi uống thấy khác nhau quá rõ về phẩm chất.

Japanese Tea Garden. (Hình: saira ahmed/Unsplash)

2.Dụng cụ

Sau đây là những vật dụng cần thiết, phải có cần thiết cho việc pha trà xanh:

a.Một cái bình thủy: để chứa nước sôi. Thường loại dung tích khoảng 2 lít nếu dùng cho 4, 5 người uống trà.

b.Một bình pha trà: thường bằng đất nung màu đen hay nâu có cán cầm (khác với loại có quai, tuy nhiên đây cũng không phải là điều bắt buộc). Bình pha trà cũng có khi bằng kim khí rất nặng màu đen, có quai sách. Thường bình pha trà có dung tích khoảng 200 ml (bằng trái cam), nếu cỡ khoảng 400ml (bằng trái bưởi) đã được coi là to rồi. Rất hiếm có bình pha trà cỡ lớn hơn 500ml vì làm loãng, mất mùi vị trà và nhất là không đẹp mắt. Với những cỡ bình lớn người ta thường dùng để pha những loại trà hạ phẩm (loại nhiều cuống lá , lá già thô hay loại trà xanh pha trộn với gạo rang…). Loại trà này thường được pha để uống trong các restaurants hay cho nhân viên lao động trong giờ giải lao của hãng xưởng. Dùng cho gia đình hay tiếp khách thăm viếng bình thường , khoảng dưới 5 người, chiếc bình trà cỡ 300 ml được coi là tốt nhất. Tuy nhiên trong các cuộc tiếp khách có chút đặc biệt thì bình pha trà thường không quá 200 ml, nếu nhiều khách thì dùng nhiều bình, mỗi bình cho khoảng 3- 5 khách mà thôi ( trong các cuộc hội họp của công ty chẳng hạn).

Hầu hết các bình pha trà xanh của Nhật bản đều có một tấm lưới rất mịn bằng kim khí hay bằng lưới nilon bao phía trong vòi ấm để giữ lại không làm cho bã trà ra tách khi rót trà.

c.Một bộ ly tách uống trà: Thường cỡ khoảng 70ml đến 100 ml. Hình tròn, hay hình ống , đôi khi có hình dạng méo mó mang tính cách nghệ thuật . Thường màu nâu đậm hay nhiều màu in hình hoa trái hay viết những chữ Nhật bản dạng chữ thảo. Tuy nhiên màu sắc không diêm dúa như mầu đỏ gay gắt nhãn giới như trên các đồ sứ của Trung Hoa. Ly tách uống trà của Nhật bản có màu thanh thoát, êm dịu, dễ thương hơn. Tách uống trà có thể có nắp hay không, nhưng phải có một đĩa nhỏ để đỡ tách uống trà.

d.Hộp đựng trà: Trà xanh bán trên thị trường thường được đóng kín trong một bịch bằng alumin rất thanh nhã với chân không, hay bằng những hộp bằng kim khí rất kín. Sau khi mua về, bỏ bao bì , trà được đựng trong một chiếc hộp dung tích cỡ 100ml -300ml, bằng kim khí có 2 nắp. Nắp ở phía trong bằng plastic hay bằng kim khí, Nắp phía ngoài hộp, ngoài tác dụng dậy hộp trà cho kín, nhưng còn được dùng như một dụng cụ để đo lường trà chính xác trước khi cho trà vào bình. Người pha trà lấy một chiếc muỗng bằng tre gạt trà vào trong chiếc nắp, tùy theo số người uống để tránh tình trạng nhiều ít không đều.

Ðó là những dụng cụ mà mọi gia đình Nhật bản đều phải có và được coi như đồ dùng hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên trong trường hợp tiếp khách, họ còn mang ra thêm vài dụng cụ khác nữa để tạo vẻ lịch sự và đẹp mắt. Chẳng hạn:

-Một cái bình uống trà thứ hai dùng để điều chỉnh độ nóng của nước pha trà (hình thức cái chén Tống của lối uống trà của Việt Nam hay Trung Hoa).

-Một cái bình khá lớn bằng đất nung màu đen, thường có nhiều hình dạng khác nhau để đựng nước tráng tách uống trà, bình pha trà hay đựng trà cặn mỗi lần uống trà mới (giống như cái khay có nan bằng tre để trên một cái chậu để đổ nước dư thừa của Trung Hoa. Hình thức này người Nhật không bao giờ dùng, họ thà đựng vào một cái tách uống trà khá lớn rồi mang đi đổ chứ không dùng cách thô kệch và không đẹp mắt đó!).

-Một cái khay đựng tách và bình trà bằng gỗ (thường mầu nâu và hình vuông hay chữ nhật) được che phủ bởi một tấm khăn xinh xắn, sạch sẽ để người pha trà lau khô tách uống trà trước khi rót trà cho khách.

Ngoài ra còn rất nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh khác như muỗng lấy trà bằng tre. Cái máng nho nhỏ bằng tre hay gỗ để ước lượng số trà nhiều ít trước khi ruôn trà vào bình… tất cả tuỳ thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc uống trà và sự cầu kỳ tiếp khách của chủ nhân.

3.Cách pha trà

Dù chỉ là trà xanh uống hàng ngày hay đãi khách, khi pha trà đãi khách hay ngay trong gia đình cũng được mọi người Nhật kể cả đàn ông hay đàn bà phải theo những thủ tục cần thiết sau đây:

a.Nước pha trà: Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà , có nghĩa là không thể nào dùng nước đang sôi trong bình ruôn vào bình pha trà. Lý do trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật bản (trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà (Sadoo) không bao giờ dùng nước đang sôi! Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy (uống trà thông thường) hay nước được nấu trong một cái ấm kim khí không có nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90 độ celcius (dùng trong trà đạo).

b.Làm ấm dụng cụ: Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ , sau đó có thể dùng khăn lau khô trước khi sử dụng.

c.Cho trà vào ấm pha trà: Thường với loại trà ngon cỡ trung bình người ta thường tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà phê trà xanh. Tuy nhiên nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh quá nhạt. Dĩ nhiên với nhưng người ghiền trà, thích uống đậm lại là vấn đề khác!

d. Pha trà: Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau :

Lần thứ nhất: được pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút đồng hồ trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cái bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà (lý do tại sao sẽ được giải thích ở phần sau).

Lần thứ hai: pha với nước nóng khoảng 80 độ trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà, hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng mau lẹ hơn để có nhiệt độ mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nước thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà…)

Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 độ C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể ruôn trực tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90 độ C .

Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70- 80 độ, 2 phút), lần thứ hai (90 độ, khoảng 1- 2 phút) và không có lần thứ 3 vì hết mùi vị rồi .

e. Lượng nước pha trà: Người pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, Tuỳ thuộc số khách uống trà.  Không thể pha trà xanh Nhật bản bằng cách cứ cho nước vào đầy bình rồi rót cho khách theo lối pha trà của Tàu hay Việt Nam được. Người pha trà xanh phải biết dung tích của tách uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để  khi rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà và mọi người đều có cùng lương nước trà, không có chuyện người ít, kẻ nhiều khác nhau . Nghĩa là tất cả nước trong bình trà phải được rót hết, đó cũng là lý do người pha trà phải biết lượng độ trà và nước cho vào bình khi pha trà Nếu pha quá nhiều, nước trà còn sót lại trong bình sẽ làm giảm phẩm chất của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxy hoá làm mất màu xanh đẹp của trà…

4.Cách rót trà

Đây là một thủ tục mà hầu hết người Nhật Bản bắt buộc phải biết, dù là tiếp rót trà cho người trong gia đình vào bữa cơm hay uống trà bình thường. Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp cũng đầy tách ! Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên quá nhiều, tách cuối cùng rất ít và đậm hơn tách rót trước vi thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp)!

Vì vậy tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1,2,3,4… rót lần đầu khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70 ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2 ,1 mỗi lần khoảng 20ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình , nên co dãn để phân đều cho tất cả các tách . Nhờ cách rót này mà độ đậm của nước trà và lượng nước trà trong tất cả các tách đều giống nhau . Sau đó mới đưa mời khách. Chính vì lý do này, người pha tra phải căn làm sao cho đủ (không thiếu, không thừa) cho tất cả khách, mỗi người khoảng 50ml (với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml).

Chính vì lý do này, người pha tra phải căn làm sao cho đủ ( không thiếu, không thừa ) cho tất cả khách, mỗi người khoảng 50ml (với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml).

5.Cách uống trà

Khi uống trà xanh Nhật Bản (cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà) người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Các loại bánh này bán rất nhiều trên thị trường thường làm bằng đậu hay bột khoai, bột gạo … Chúng ta có thể thay thế bằng các bánh ngọt khác của Âu Mỹ như bánh ngọt, chocolate… nhưng vẫn không phải là hoàn hảo lắm. Ở Việt Nam có loại bánh đậu xanh (Bảo Hiên Rồng vàng, Hải Dương…) được coi là rất thích hợp cho việc uống trà xanh.

Trước khi uống trà, người ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Với cách này sẽ làm gia tăng hương vị của trà xanh một cách lạ kỳ.

Uống trà xanh Nhật bản hoàn toàn khác với lối uống nhâm nhi từng tí một trong lối uống trà Tàu của những vị nhà Nho Việt Nam. Người Nhật uống thành ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng.

Với những loại trà xanh hảo hạng hay trên trung bình, người Nhật cho rằng nước pha trà lần đầu tiên được coi là đậm đà nhất, mùi ngon của trà thấm vào vị giác nhiều nhất. Nước thứ hai, có một khoái cảm khác nhờ nhiệt độ nóng của lần pha này, nước trà mất đi khá nhiều vị đặc biệt của trà nhưng lại có mùi rất thơm bốc lên, kích xúc vào khứu giác. Cả hai lần pha trà này được coi là quan trọng nhất và độc đáo nhất của trà xanh Nhật bản. Với loại trà thượng hạng người ta có thể uống đến lần thứ 4 hay thứ 5 nước trà vẫn xanh và mùi vị vẫn còn. Tuy nhiên loại trà hạ phẩm, người ta bỏ qua lần thứ nhất và bước sang cách pha lần thứ hai (nước pha nhiệt độ cao hơn, ở khoảng 80 – 90 độ C)

6.Vài tiêu chuẩn để xếp hạng trà xanh

Rất nhiều người ngoại quốc khi uống trà xanh Nhật bản thường đưa ra những ý kiến khác biệt nhau, thậm chí có lúc họ thấy rất ngon, có lúc họ thấy rất nhạt nhẽo. Ðó là vì họ không biết cách pha và uống trà, chẳng hạn như lúc uống trà mà có bánh ngọt sẽ làm gia tăng mùi vị của trà . Nhưng điều quan trọng nhất, ít ai để ý đến đó là loại hạng của trà mà họ uống. Trên thị trường trà xanh Nhật bản có hàng trăm loại trà khác nhau tùy theo phẩm chất và giá cả . Từ loại rất rẻ được đóng gói cỡ 500 grams hay một kg có khi trộn với gạo lứt rang trong bao giấy kính trong suốt dùng cho việc uống trà hàng ngày hay trong giờ giải lao của hãng xưởng. Ðến những loại cao cấp rất mắc đựng trong những chiếc hộp bằng kim khí nhỏ nhắn cỡ 50ml rất trang nhã đựng trong một hộp bằng gỗ trình bày rất đẹp. Trong đó kèm theo một vài tờ giấy như lụa ghi xuất xứ, lịch sử của sản phẩm có dấu hiệu, ấn ký của nhà sản xuất…

Mục đích của bài viết này nhắm vào loại trà cỡ trung bình trở lên, còn những loại trà hạ phẩm không thể áp dụng được. Sau đây là những tiêu chuẩn để người uống trà xét đoán, lựa chọn một loại trà xanh Nhật bản để thưởng thức hợp với túi tiền và mục đích của mình.

Giá cả của trà xanh Nhật bản là một tiêu chuẩn rất ít sai (nếu không muốn nói là hoàn toàn chính xác) khi người ta bỏ tiền ra mua trà xanh Nhật bản. Với loại trà xanh rẻ tiền, đóng gói sơ sài với bao giấy bóng trong suốt, thường số lượng 500 grams hay một kilo với giá cả khoảng 100 yen- 200 yen (1-2 $US) cho 100 grams, đây là loại trà để uống giải khát trong gia đình, trong hãng xưởng hay trong các nhà hàng ăn bình dân mà thôi.Tuy nhiên để giúp người mua trà không lầm lẫn, có thể chia ra 3 hạng trà xanh Nhật bản như sau:

a. Loại trà hạ phẩm:Loại này có những đặc tính như sau:

Cánh trà thường to, dầy, thô vì được biến chế từ những lá trà già lấy ở phần dưới nhánh cây trà.

Là sản phẩm dư thừa của loại trà cao cấp, chẳng hạn như cuống của những lá non ( dùng cho trà cao cấp)

Có loại lại trộn thêm vào khoảng 20% gạo rang hay lúa mì rang, khi uống có mùi trà xanh hoà trộn với mùi hơi khét của gạo rang.

Loại trà xanh hạ phẩm này thường không có mùi thơm vì nhà sản xuất không cho vào trà bột vào . Loại này thường uống trong giờ giải lao của nhân viên lao động trong hãng xưởng hay uống hàng ngày trong những gia đình bình dân Nhật bản cũng như ở những tiệm ăn uống bình dân. Với loại trà này cách pha trà như đã tả ở trên.

b. Loại trà trung bình: Loại này thường được đựng trong các bao bằng alumin hay trong hộp bằng kim khí, có 2 nắp rất kín đáo. Hình thức trình bày rất trang nhã và hấp dẫn. Trọng lượng mỗi gói khoảng 50-100 grams. Loại này có đặc tính sau đây:

Có rất nhiều hạng khác nhau, thường giá cả từ 1000-6000 yen/100 grams (9- 50 $US giá cả vào năm  2000 ). Trên thị trường thường đóng gói cỡ 100 gram, nhưng nếu đóng gói cỡ cỡ 50 grams, thường là loại ngon của hạng này.

Khi mở gói trà hay hộp trà người ta nhận thấy ngay đặc tính của loại này như sau:

-Có mùi thơm rất dịu

-Cánh trà nhỏ cánh, xanh đậm

-Có trộn một phần trà bột , dễ nhận thấy màu xanh của bột trà bám trên thành bao alumin hay thành hộp trà, đó là loại trà bột (dùng trong lễ dâng trà) được nhà sản xuất cho vào để làm gia tăng phẩm chất . Càng nhiều trà bột cho vào càng ngon và càng mắc giá.Dĩ nhiên giá cả cũng như phẩm chất của loại trà này tuỳ theo địa phương của nơi sản xuất. Thí dụ như trà từ các tỉnh như Kagoshima, Fukuoka, Kyoto..v..v..là những địa phương trồng trà nổi tiếng.

Khi pha trà lần đầu (60 độ, 2 phút) chỉ để hoà tan loại trà bột và một phần nào hương vị của cánh trà mà thôi. Chính vì vậy lần uống đầu tiên này mang đến khẩu vị nhiều hơn là mùi vị của trà . Nhưng ở lần pha thứ 2 và thứ 3 lượng trà bột đã giảm sút nhưng nhờ nhiệt độ nước pha cao (80-90 độ) làm bốc hơi mùi vị thơm của cánh trà. Với loại trà trung bình hạng tốt , người ta có thể pha lần thứ tư vẫn còn mùi vị ngon của trà.Tóm lại lần pha trà đầu tiên để người ta thưởng thức “VỊ” của trà, từ lần thứ hai, thứ ba người ta thưởng thức “HƯƠNG” của trà.

Ðây là loại trà thường uống hàng ngày ở những gia đình khá giả hay để đãi khách cũng như ở các văn phòng của các vị lãnh đạo hãng. Loại này cũng để người ta cho tặng nhau trong giao tế bình thường.

(Hình minh họa: Dmitry Vechorko/Unsplash)

c.Loại trà hảo hạng:

Loại này là loại trà biến chế từ lá trà non (VN gọi là trà búp), sản xuất bởi những hãng trà và địa phương nổi tiếng. Được đựng trong hộp hay bao giấy bọc Alumine rất sang trọng, rất thường còn kèm theo những tờ giấy sang trọng nói đến lịch sử của nhà sản xuất hay loại trà, dĩ nhiên phải là những giống trà đặc biệt được sản xuất từ địa danh trồng trà nổi tiếng ở Nhật bản .

Các nhà sản xuất trà xanh ở Nhật cũng nhập cảng hay có các cơ sở biến chế sơ khởi ở ngoại quốc như từ Trung Hoa, Bắc VN, Tây tạng, Bắc Lào… Nhưng theo ý kiến của người Nhật thì những loại trà mà họ mang từ ngoại quốc vào Nhật bản chỉ để sản xuất loại trung bình hay hơn trung bình một tí mà thôi. Còn những loại trà hảo hạng hay loại trà bột đặc biệt dùng cho các lễ dâng trà đều được biến chế từ các vườn trà đặc biệt ở miền Nam và miền Trung Nhật bản .

Vơí loại trà hảo hạng,thường đóng gói rất nhỏ (35- 100 grams), thường 50 grams và được trộn vào rất nhiều trà bột . Người Nhật bản khi có dịp uống loại trà này họ tuân thủ phương pháp pha trà một cách tuyệt đối để không phí phạm và nhất là hưởng thụ được tất cả hương vị của loại trà xanh quý và mắc tiền, họ uống để thưởng thức cái ngon của trà chứ không phải để giải khát.  Loại trà này người ta có thể pha đến lần thứ 5 nước trà vẫn thơm ngon và mát dịu. Dĩ nhiên loại này chỉ dùng trong các trường hợp tiếp đãi khách quý và trong các trường hợp đặc biệt mà thôi. Giá cả cũng rất thay đổi tùy theo nguồn gốc của vật liệu và của nhà sản xuất, có thể khoảng 50$US cho một bịch trà khoảng 50 grams! Những người biết thưởng lãm loại trà này họ có nhiều dụng cụ phức tạp, cầu kỳ để cung ứng cho nhã khiếu uống trà của họ.

7.Vài chú ý căn bản

Khi chúng ta quen biết một gia đình người Nhật hay có dịp du lịch Nhật bản… Chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều dịp được các bạn bè Nhật bản mời về nhà họ. Chắc chắn món giải khát đầu tiên, gần như không thay đổi của người Nhật là mời chúng ta uống trà xanh và ăn một vài loại bánh ngọt đặc biệt để gia tăng hương vị của trà. Sau đây là vài điều ghi chú mà chúng ta nên chú ý:

-Ăn một vài miếng bánh ngọt trước khi uống trà.
-Khi chúng ta uống hết trà trong tách, không khi nào tự ý lấy bình trà rót vào tách của mình hay lấy bình thủy tự ý pha trà cho mình… Làm như vậy chúng ta đã vô tình làm sai lệch cách pha trà của chủ nhân ( vì chủ nhà , họ biết rõ loại trà mà họ đãi chúng ta phải pha như thế nào , đặc biệt theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất).

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ , giúp chủ nhà tự rót trà cho mình hay rót cho người khác (như người Việt) là lịch sự, là thân tình… Điều này hoàn toàn sai lầm, nhiều khi việc làm cu3 chúng ta tạo ra sự khó chịu của chủ nhà, nhất là người phụ nữ (vợ bạn hay các bà mẹ). Chúng ta không phải lo lắng vì nghĩ chủ nhà quên hay lơ là không biết khách đã uống hết. Ngược lại họ, nhất người phụ nữ Nhật bản họ rất kín đáo và chú ý khi họ nhìn thấy tách uống trà của chúng ta hết, họ tiếp cho chúng ta ngay. Trong trường hợp họ bị vướng bận điều gì mà họ quên, chúng ta chỉ cần khen trà ngon là họ sẽ hiểu ngay và tiếp cho chúng ta tức thì.

-Khi chúng ta pha trà xanh, tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi từ chiếc nồi ruôn vào bình trà. Ðây là một sai lầm rất nặng về nguyên tắc và cả về mỹ thuật nữa. Với người pha trà chuyên môn, người ta để ấm nước không đậy nắp trên bồn than rất nhỏ, nước nóng ở khoảng 90 độ C, rồi họ dùng một chiếc muỗng bằng tre nhỏ để múc nước pha trà. Tùy thuộc vào lượng nước họ múc ở trong nồi và thời gian họ rót nước nóng vào bình trà để điều chỉnh nhiệt độ của nước pha trà (đây là một trong nhiều xảo thuật trong trà đạo).

Chú ý: Giá cả theo thời giá của khoảng năm 2000 (Thời điểm viết bài)

(Switzerland, Zuerich July 2024)

Bài Liên Quan

Leave a Comment