Vụ việc liên quan đến khoản viện trợ được cho là bị giấu kín từ Huawei, Taobao, và Alibaba.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 20/06/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Bill Pan
Thứ sáu, 19/7/2024
Đại học Maryland (UMD) sẽ phải nộp cho chính phủ liên bang 500,000 USD sau khi các nhà nghiên cứu của trường này bị cáo buộc không tiết lộ nguồn viện trợ từ các đại công ty công nghệ Trung Quốc đối với đề xướng của họ khi nộp đơn nhận tài trợ nghiên cứu liên bang.
Trong một thông cáo báo chí hôm 16/07, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận này là nhằm giải quyết các cáo buộc liên quan đến ba giảng viên tại đại học College Park hàng đầu của UMD.
Các công tố viên liên bang cáo buộc rằng ba nhà nghiên cứu này, những người đã cùng nhận 5 khoản viện trợ nghiên cứu liên bang từ năm 2015 đến năm 2020, cũng là những nhà điều tra nghiên cứu chính trong các dự án do ba công ty Trung Quốc tài trợ: Huawei, Taobao, và Alibaba.
Theo Bộ Tư pháp, về phần Huawei, nhà nghiên cứu của Đại học Maryland đang nghiên cứu “các vật liệu tích điện cực âm chuyển đổi FeF3 (sắt florua) mật độ năng lượng cao và cực dương kim loại Li (lithium).” Huawei là một nhà sản xuất điện thoại thông minh và xe điện có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc ngày càng bị giám sát chặt chẽ.
Đối với nhà bán lẻ trực tuyến Taobao và công ty mẹ Alibaba của Taobao, các dự án nghiên cứu là “học hỏi hành vi quy mô lớn cho đám đông dày đặc,” và “sản xuất quần áo tùy chỉnh bằng công nghệ mạng.”
Theo thông cáo, các đề xướng tài trợ nghiên cứu mà các giáo sư ở Đại học Maryland đệ trình lên Quỹ Khoa học Quốc gia và Bộ Lục quân Hoa Kỳ không đề cập đến khoản tài trợ từ ngoại quốc mà họ đã tìm kiếm và nhận được.
Cả hai cơ quan liên bang này đều yêu cầu người nộp đơn xin tài trợ phải tiết lộ tất cả các khoản tài trợ hiện tại và đang chờ giải quyết—cả trong và ngoài nước—mà tổ chức của họ nhận được. Họ dựa vào tính chính xác của những tiết lộ này, một phần để tránh tài trợ cho các dự án nghiên cứu trùng lặp, mặt khác là để bảo đảm rằng các khoản tài trợ có tính cạnh tranh cao của họ chỉ dành cho những người có năng lực thực hiện công việc theo kế hoạch.
“Việc tiết lộ đầy đủ và chính xác là điều cần thiết đối với các cơ quan liên bang đưa ra quyết định cấp các khoản trợ cấp liên bang,” biện lý Erek Barron của Địa hạt Maryland cho biết trong thông cáo. “Những cá nhân và trường đại học cố tình không làm như vậy sẽ làm sai lệch quá trình trao trợ cấp theo hướng có lợi cho họ và sẽ phải chịu trách nhiệm.”
Ông Gregory Ball, Phó Chủ tịch Nghiên cứu của UMD, cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này không phải là sự thừa nhận hành vi sai trái của trường đại học công lập này hoặc các giảng viên của trường.
Ông Ball nói: “Trường Đại học luôn khẳng định, dựa trên cuộc điều tra của chính mình và cuộc điều tra độc lập của luật sư bên ngoài, rằng việc không tiết lộ thông tin là kết quả của sự giải thích thiện chí về hướng dẫn tiết lộ của cơ quan hoặc các lỗi văn thư vô ý.”
Thỏa thuận này được đưa ra khi chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức độc lập tiếp tục theo dõi chặt chẽ hơn ba công ty công nghệ cao của Trung Quốc.
Taobao, trang thương mại điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc, vẫn nằm trong danh sách “Các Thị trường Khét tiếng” của Toà Bạch Ốc gồm các doanh nghiệp mà họ tin rằng đã dính líu đến “việc làm giả nhãn hiệu hoặc bảo mật bản quyền ở mức độ đáng kể.”
Hồi năm 2020, Chủ sở hữu của Alibaba cũng nhận lấy tai tiếng khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tính năng nhận dạng khuôn mặt trong dịch vụ Cloud Shield của Alibaba có thể được sử dụng để xác định người Duy Ngô Nhĩ, có thể giúp đỡ cho nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm củng cố quyền kiểm soát xã hội đối với cộng đồng Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.
IPVM, một công ty nghiên cứu tập trung vào ngành giám sát có trụ sở tại Pennsylvania, cho biết: “Người dùng Trung Quốc có thể chỉ cần gửi hình ảnh của mọi người, dù từ điện thoại hay video giám sát, đến dịch vụ này và nếu Alibaba nghi ngờ một người Duy Ngô Nhĩ, họ sẽ gắn cảnh báo đối với người đó.”
Alibaba tuyên bố rằng tính năng này chỉ được sử dụng “trong môi trường thử nghiệm,” nhưng chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ngay từ đầu họ lại thử nghiệm trên khuôn mặt của người Duy Ngô Nhĩ.
Trong khi đó, Huawei đã bị cấm tiến hành kinh doanh tại Hoa Kỳ kể từ năm 2022 vì lý do an ninh quốc gia.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times