Donald Trump giành được sự ủng hộ của Silicon Valley như thế nào?

Kể từ sau vụ ám sát hụt Donald Trump, ngày càng có nhiều tên tuổi lớn ở Silicon Valley tuyên bố có ý định ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Cộng Hòa. Sự chuyển hướng sang cánh hữu của một khu vực vốn là cứ địa của phe Dân Chủ có thể sẽ là một trong những thách thức lớn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kỳ này.  RFI Việt ngữ tóm lược những phân tích của các chuyên gia chính trị.

Đăng ngày: 19/07/2024

Ảnh ghép do Studio đồ họa France Médias Monde thực hiện: Donald Trump cùng các ông chủ lớn về công nghệ của Silicon Valey.
Ảnh ghép do Studio đồ họa France Médias Monde thực hiện: Donald Trump cùng các ông chủ lớn về công nghệ của Silicon Valey. © France Médias Monde

Anh Vũ

Elon Musk không phải lần đầu tỏ ủng hộ Trump. Sự ủng hộ của ông, được thể hiện rõ kể từ sau vụ mưu ám sát ứng cử viên Cộng Hòa hôm 13/07, không làm ai ngạc nhiên. Nhưng còn sự ủng hộ của các nhà đầu tư tỷ phú Marc Andreessen, Joe Lonsdale, hay thậm chí là anh em sinh đôi nhà Winklevoss, rất có ảnh hưởng trong thế giới tiền điện tử thì sao? Lập trường ủng hộ Trump của họ có vẻ bất ngờ, trong một giới công nghệ được cho là cấp tiến và được phe Dân Chủ chinh phục.

Nhật báo Financial Times đã nêu chi tiết danh sách ngày càng đông các ông trùm ở Silicon Valley ủng hộ Trump và tiết lộ kế hoạch quyên góp hàng triệu đô la cho America Pac, một tổ chức gây quỹ được thành lập vào tháng 6 để hỗ trợ ứng cử viên của Donald Trump.

Các lãnh đạo công nghệ « cực đoan hơn »

Marc Andreessen,  đồng sáng lập viên quỹ đầu tư rất có thế lực Andreessen Horowitz, là một trong những nhà tài trợ nổi bật nhất cho America Pac. Tuy nhiên, ông thừa nhận từ trước tới giờ luôn bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân Chủ  trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Cộng sự viên của ông, Ben Horowitz, dường như cũng đã chuyển từ phe Dân Chủ sang phe của Trump.

Christine Harlen, một chuyên gia về Hoa Kỳ và kinh tế chính trị tại Đại học Leeds, khẳng định hiện tượng ủng hộ Trump ngày càng tăng của những nhân vật từ Silicon Valley “không có gì đáng ngạc nhiên”. Nikos Smyrnaios, chuyên gia về khoa học thông tin và truyền thông tại Đại học Toulouse 3, người đã nghiên cứu về sự chuyển biến chính trị trong giới tinh hoa công nghệ tại Hoa Kỳ, giải thích: “Đây là một tiến triển đang diễn ra trong vài năm nay, dẫn đến việc một số nhà lãnh đạo ở Silicon Valley trở nên cực đoan hóa”.

Hình ảnh một Silicon Valley thiên tả từ những năm 1970 đang phai nhạt. Lỗi là do những biến động kinh tế và chính trị từ cuối những năm 2000 đến giữa những năm 2010.  “Hoàn cảnh trở nên khó khăn hơn đối với họ, do cuộc khủng hoảng kinh tế [năm 2008] và những hậu quả của việc  thiếu điều tiết trong lĩnh vực này từ những năm 1990“,  chuyên gia Nikos Smyrnaios nhấn mạnh.

Công chúng phát hiện ra dữ liệu của mình bị các nền tảng internet khai thác ra sao, đồng thời không thấy có biện pháp tối thiểu nào để chống lại tình trạng phổ biến các nội dung thù nghịch.

Ông Nikos Smyrnaios nhấn mạnh : « Lãnh đạo các công ty đó trở nên trơ tráo và họ bỏ mặc hình ảnh tích cực mà họ đã cố  gắng áp đặt với một công chúng, những người đang ngày càng ngờ vực họ ». Họ công khai thừa nhận lợi ích kinh tế là trên hết.

Từ  “Mafia PayPal”  đến sự ủng hộ Trump rộng hơn

Theo chiều hướng đó, việc các nhân vật công nghệ giàu có ủng hộ Donald Trump chỉ là kết quả của sự phát triển này. Laura von Daniels, chuyên gia về chính sách kinh tế Bắc Mỹ tại Stiftung Wissenschaft und Politik, viện nghiên cứu các vấn đề kinh tế và chính trị của Berlin, nhận định các chủ doanh nghiệp đó cho rằng ứng cử viên Cộng Hòa “phù hợp hơn với các lợi ích kinh tế hiện đang đặt lên trước các nguyên tắc của họ”.

Chuyên gia Christine Harlen ghi nhận : “Có nguy cơ thực sự là kỳ bầu cử này sẽ chứng kiến ​​đại đa số các ông chủ ở Silicon Valley lần đầu tiên chuyển hướng sang phe Cộng Hòa”. Về cơ bản, đây là trường hợp của một bộ phận trong “Mafia PayPal”, một nhóm không chính thức gồm các nhân viên cũ của nền tảng thanh toán qua mạng nổi tiếng, chẳng hạn như Peter Thiel, David Sacks hay Elon Musk.

Vào năm 2024, phạm vi đó mở rộng vì Donald Trump có được những hoàn cảnh thuận lợi hơn. Đầu tiên, “không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những người ủng hộ mới của ứng cử viên Cộng Hòa đều là các nhà đầu tư công nghệ,” Christine Harlen khẳng định. Họ lao sang ủng hộ Donald Trump vì sau khi nghe Joe Biden thông báo hồi tháng 3/2023 dự định áp mức thuế 25% đối với lợi nhuận không được tái đầu tư của các triệu phú.

Đó là biện pháp nhằm đánh mạnh hơn nữa vào những người giàu, có nhiều cổ phần lớn. Christine Harlen chỉ rõ: “Một số lượng lớn các nhà đầu tư công nghệ có và cất giữ các cổ phần. Biện pháp này dự trù đánh thuế họ vào thời điểm giá cổ phiếu tăng, chứ không còn chỉ khi họ kiếm được lời từ việc bán lại cổ phần của họ”.

Nói rộng hơn, “có cảm giác nhiệm kỳ tổng thống của Biden không phải là điều tốt cho các chủ công ty công nghệ và nhiệm kỳ thứ hai thậm chí còn tồi tệ hơn,” Laura von Daniels giải thích. Theo bà, điều này thật đáng ngạc nhiên, vì một số biện pháp được chính quyền Biden thực hiện – chẳng hạn như trợ cấp cho ngành bán dẫn của Mỹ – rất có lợi cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Joe Biden, người « điều tiết”

Nỗi lo của các chủ doanh nghiệp ở Silicon Valley là đảng Dân Chủ, trong trường hợp Biden tái đắc cử, sẽ cứng rắn hơn để áp đặt nhiều quy định hơn.

Laura von Daniels phân tích: “Đối với họ, Joe Biden muốn lấy ví dụ từ từ cách tiếp cận của Châu Âu là kiểm soát chặt hơn để tạo điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân”.

Họ còn sợ các định chế như  Ủy ban Thương mại Liên bang ( Federal Trade Commission), một kiểu cảnh sát trong thương mại, hành động mạnh hơn. Ông Michael Plouffe, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Đại học London College, phân tích: « Họ nhận thấy bà Linda Khan, chủ tịch hiện tại của Ủy ban, có thể sẽ khắt khe hơn với tình trạng độc quyền trong công nghệ tại Silicon Valley, trong trường hợp Joe Biden tái đắc cử ».

Bỏ phiếu cho Trump sẽ có thể là các để loại bỏ bà chủ tịch, bởi tổng thống là người chỉ định lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang.

Ứng viên Cộng Hòa cũng đã phát động một chiến dịch vận động lớn trong lĩnh vực này. Việc chọn liên danh phó tổng thống J.D. Vance, từng có thời gian làm việc trong một quỹ đầu tư tại Silicon Valley, được nhìn nhận như là cách Donald Trump đang giang tay với giới công ty khởi nghiệp (start-up).

Trước đó, Donald Trump đã quay ngoắt 180° về vấn đề tiền ảo bitcoin. Sau một thời gian dài coi tiền ảo là thứ «  lừa đảo », ứng viên Cộng Hòa giờ là người bảo vệ quyết liệt đồng tiền mã hóa này. Dự định vào ngày 27/07 tới, ông sẽ tới phát biểu tại một hội nghị về bitcoin.

Chiến dịch quyến rũ này của phe Trump không nhằm thu hút tài trợ cửa các tỷ phú công nghệ. «  Các chủ công ty trong Silicon Valley rất được trân trọng ở Hoa Kỳ, nếu Trump có được sự ủng hộ của họ, điều đó sẽ tạo ra sự tin cậy cho chương trình kinh tế của ông ta », chuyên gia Laura von Daniels nhấn mạnh.

Cuối cùng, có lẽ vụ mưu sát Donald Trump đã thúc đẩy sự việc nhanh hơn. « Vị thế ứng viên có triển vọng thắng cử của ông càng được củng cố. Sự việc có thể thuyết phục một số nhân vật có tiếng tăm trong giới công nghệ tỏ lập trường một cách công khai hơn », ông Nikos Smyrnaios nhận định. Chuyên gia này cho rằng đây là một đòn nặng nề đánh vào phe Dân Chủ. Ông cũng lưu ý : « Không nên quên chính là dưới thời Bill Clinton và Barack Obama mà Silicon Vallley đã phát triển thịnh vượng ».  Chính hai đời tổng thống đó đã giúp cho khu vực này lớn mạnh với việc áp dụng ít nhất có thể các quy định để hy vọng mua chuộc được mãi mãi sự trung thành chính trị của khu vực này.

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment