- Viết Dũng – 19 tháng 7, 2024
(Hình: Vietnamnet)
Báo chí tại Việt Nam chiều ngày 19 Tháng Bảy đồng loạt đăng tải thông tin giống nhau về việc “Do phải ưu tiên dành thời gian để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung điều trị, trước mắt Bộ Chính trị phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.” Như vậy, tính đến hôm nay, Tô Lâm đã nắm trọn quyền hành cả trực tiếp lẫn gián tiếp về mặt đảng (chủ trì mọi công việc quan trọng), về mặt người đứng đầu của đất nước theo Hiến pháp (chức vụ chủ tịch nước), và về mặt “thanh gươm và lá chắn” (khi cất nhắc thành công ông Lương Tam Quang lên vị trí Bộ trưởng Công an trước đó).
Ván bài ‘không thể lặp lại’ của tổng Trọng
Theo một nguồn tin nội bộ trước, do yếu thế hơn phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng, là Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam thời đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã liên kết với ông Trần Đại Quang, với giao ước ngầm là nếu thành công, thì ông Trọng sẽ giữ ghế Tổng bí thư nửa đầu nhiệm kỳ, còn ông Quang sẽ làm người đứng đầu nhà nước một cách hình thức (tức chức vụ Chủ tịch nước) nửa đầu nhiệm kỳ. Sau đó sẽ có màn đổi vai, ông Quang sẽ làm Tổng bí thư, còn ông Trọng sẽ giữ cương vị Chủ tịch nước.
Với những ai quen thuộc với nền chính trị VN, đều biết rằng trong các chức vị chủ chốt của Bộ Chính trị Cộng sản, thì chức vị Chủ tịch nước chỉ là một chức vụ “hữu danh vô thực”, là đại diện cho đất nước về mặt hình thức nhưng có ít quyền lực thực tế. Có lẽ chính bởi vậy mà sau khi đã “say mùi” quyền lực, ông Trọng không muốn nhả ghế cho ông Quang. Chuyện gì đến đã phải đến, ông Quang đã bị thông báo là đã qua đời vào ngày 21 tháng Chín năm 2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với một mô-típ quen thuộc: “mắc bệnh hiểm nghèo, đã được các giáo sư bác sĩ trong và ngoài nước cứu chữa, lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhưng không qua khỏi.” Trong khi chỉ trước đó mấy ngày, ông còn tham gia một loạt các hoạt động như tham gia một cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 19 Tháng Chín, tiếp Tổng thống Indonesia thăm Việt Nam ngày 11 Tháng Chín, đánh trống khai giảng năm học mới 2018-2019… và không có biểu hiện gì của bệnh tật.
Sau khi hạ được đối thủ chính trị, ông Trọng đã có thời gian học tập theo ông Tập Cận Bình, khi cùng lúc nắm giữ 2 chức vụ: Chủ tịch nước (để có quyền hành về mặt hình thức trong các nghi lễ tiếp đón cấp Quốc gia), và Tổng bí thư đảng CSVN (để nắm quyền lực thực tế). Nhưng có lẽ sau khi cầm song quyền gần ba năm, ông Trọng cũng tự nhận thấy rằng chức vụ Chủ tịch nước ‘hữu danh vô thực’ đã làm ông mệt mỏi với lịch tiếp đón và làm việc dày đặc, trong khi sức khỏe ông ta lại không thể so sánh với người mà ông ta học theo trẻ hơn ông nhiều lần – Tập Cận Bình, nên ông đã nhả bỏ vị trí trên.
Kể từ đó, chức vụ về Chủ tịch nước đã nhiều lần đổi chủ, và mỗi khi có gì liên quan đến “trách nhiệm người đứng đầu”, lại là nơi bị ông Trọng nhắc đến đầu tiên, thay vì chính bản thân ông ta. Bởi nếu suy luận theo logic thông thường thì Hiến pháp VN ghi đảng cộng sản lãnh đạo, vậy người phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu phải là bản thân ông ta mới đúng. Ông Nguyễn Xuân Phúc và sau đó là ông Võ Văn Thưởng đã phải từ chức trong những trường hợp như vậy
Nhưng việc cất nhắc ông Tô Lâm vào vị trí chủ tịch nước lại hoàn toàn không giống với hai trường hợp trên. Khi diễn ra đấu đá nội bộ, thật hoàn hảo hếu nhấc được đối thủ chính trị vào vị trí “hữu danh vô thực” đó. Bởi vậy, sau khi đẩy được Tô Lâm vào vị trí trên, đồng thời tước bỏ chức vụ Bộ trưởng Công an của ông Lâm, ông Trọng có thể đã nghĩ rằng mình thắng.
Tuy nhiên những gì Tô Lâm đã làm cho thấy ông ta là người quyết đoán, có những hành động táo bạo và quyết liệt, khiến cho chiêu bài quen thuộc của ông Trọng không thể được đem ra tái sử dụng.
Thể chế công an toàn trị – Gorbachov phiên bản Việt Nam – hay sự khởi đầu của ‘ngàn năm tăm tối’?
Sau khi bị tước bỏ chức vụ Bộ trưởng Công an, Tô Lâm đã có bước đi táo bạo không ngờ: Triệu tập các Giám đốc Công an của 63 tỉnh thành cả nước về Hà Nội vào sáng 28 tháng Năm tại Hà Nội dưới vỏ bọc “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”. Tại đây, ông Lương Tam Quang, một người thân cận với ông Lâm, đã được hội nghị bầu vào nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Công An, đặt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN vào cái thế ‘sự đã rồi’, khi lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, người nắm giữ chức vụ này không phải là Ủy viên Bộ Chính trị mà chỉ là Ủy viên Trung ương đảng. Không còn cách nào khác, chỉ một tuần sau đó, Quốc hội VN đã phải phê chuẩn chức danh này, đánh dấu cột mốc thế cờ lật ngược ngoạn mục của Tô Lâm.
Sau khi loại bỏ thành công ông Phan Đình Trạc và nhấc được người thân cận của mình vào vị trí Bộ trưởng Công an, ông Lâm đã có động thái vỗ mặt với ông Trọng và phe cánh của ông: Bắt nhà báo Trương Huy San (còn được biết đến với tên gọi Osin Huy Đức). Huy Đức tuy không có vai trò gì to lớn trong Đảng cộng sản VN, nhưng nhiều người biết ông là người một mực trung thành với TBT Nguyễn Phú Trọng. Bằng việc bắt Huy Đức, Tô Lâm đã phát ra 1 thông điệp mạnh để dằn mặt phe đối lập trong cuộc thanh trừng nội bộ. Vậy là những gì mà ông Huy Đức đã từng viết, “(…) bộ chính trị trở thành con tin của công an”, đã trở nên hiện hữu rõ ràng trong chính trường VN hiện nay.
Đứng trước tin ông Lâm thâu tóm mọi quyền hành, giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng có một số chiều hướng nhận định khác nhau. Một số người lạc quan cho rằng ông Tô Lâm lên sẽ là một “Gorbachov của Việt Nam”. Nhưng đại đa số đều cho rằng dưới thể chế độc tài toàn trị từ trước đến nay, thì ông nào lên cầm quyền lực cũng vậy thôi. Thậm chí sẽ tối màu hơn cho tình hình nhân quyền Việt Nam, khi mà một đại tướng công an khét tiếng với ‘bề dày thành tích’ đàn áp các hoạt động nhân quyền của Việt Nam lên cầm quyền. Bức tranh đó còn ảm đạm hơn, khi mà vừa rồi, một loạt các quyền hành của Chính phủ vừa được chuyển giao cho ông Bộ trưởng Công an. Theo phân tích của Luật sư Đặng Đình Mạnh, thì sau Quyết định số 613/QĐ-TTg của ông Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Công an từ nay còn có các quyền lực của các ông Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ trưởng Bộ Khoa Học, Bộ trưởng Bộ Công Nghệ và Môi Trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương và còn kiêm luôn cả quyền lực của Thanh Tra Chính Phủ! Điều này dường như là để đảm bảo không một dự án kinh tế nước ngoài nào có thể “cài cắm” các điều khoản nhân quyền khi đầu tư vào Việt Nam, làm ‘rắc rối’ thêm và ‘gây đau đầu’ cho cơ quan quyền lực lớn nhất Việt Nam hiện nay: Bộ Công an.
Do vậy, dựa đoán bức tranh về nhân quyền Việt Nam trong vòng ít nhất 5 năm tới sẽ khá ảm đạm.