Một trong những câu hỏi được đặt ra mỗi khi có một lãnh tụ qua đời là di sản người đó để lại cho đất nước là gì. Điều này không ngoại lệ đối với trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn lại sự nghiệp ông Nguyễn Phú Trọng trong gần ba nhiệm kỳ ở vị trí quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, giới quan sát nhận định rằng một trong các di sản đáng chú ý của ông phải kể đến công cuộc “Đốt lò” mà ông bắt đầu thực hiện từ năm 2013.
Nỗ lực này thành công hay thất bại?
Về con số, có 167.700 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự trong giai đoạn 2012-2022, theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024) chắc hẳn còn cao hơn nữa.
Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong giai đoạn 2021-2023 trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.
Chỉ riêng trong hai năm 2023 và 2024, hàng loạt lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã mất chức, trong đó phải kể đến hai chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc (bị miễn nhiệm tháng 1/2023) và ông Võ Văn Thưởng (bị miễn nhiệm tháng 3/2024), hai phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam (tháng 1/2023), và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm ngày 2/5/2024.
Tiếp đó, vào giữa tháng 5, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng mất chức.
Đây được coi là các cơn địa chấn trong chính trường Việt Nam.
Nền kinh tế cũng chịu tác dụng phụ của các chiến dịch này. Hồi tháng 5/2024, Reuters ghi nhận các nhà đầu tư đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương gần 2 tỷ USD kể từ năm 2023, trong đó lượng bán ra nhiều nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị vào đầu năm 2024.
Ngày 16/5, Reuters trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam, trong đó nêu rõ rằng Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.
‘Người cộng sản kiên định cuối cùng’
Một số nhà quan sát cho rằng, khi nhìn vào tập thể nhân sự trong Bộ Chính trị hiện nay, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng từng không thấy ai có vóc dáng và tư tưởng lãnh đạo – nhất là niềm tin vững chắc vào Đảng và chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nhận thức được tình trạng rất bấp bênh và nguy khốn mà con tàu Đảng Cộng sản đang trải qua, ông Trọng đã nóng ruột và cương quyết tiếp tục cương vị nhiệm kỳ ba, dù việc đó có thể gây ra tai tiếng về tham vọng quyền lực trong bối cảnh sức khỏe ông suy giảm.
Dù di sản ông để lại là thành công hay thất bại thì ông Trọng vẫn được đánh giá là “người cộng sản kiên định cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Quang A.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với BBC:
“Ông Nguyễn Phú Trọng là một lãnh đạo bảo thủ, theo đường lối cứng rắn, kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin trong khi thực tế ở Việt Nam thì không còn có gì là Mác-Lênin nữa.
“Ví dụ, chủ nghĩa Mác-Lênin có nghĩa trong kinh tế thì quốc doanh là chính. Trong khi đó, hiện tất cả các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chiếm một phần tương đối nhỏ trong đóng góp cho GDP và trong tạo công ăn việc làm cho người dân.
“Không những thế, các tập đoàn kinh tế nhà nước từ 2006 đã làm cho đất nước này thụt lùi. Thế thì thực sự về kinh tế Việt Nam không có gì Mácxít-Lêninít cả.
“Bên cạnh đó, Việt Nam có Tổng Liên đoàn Lao động nhưng tất cả đình công ở Việt Nam đều bị coi là bất hợp pháp. Trong khi lẽ ra công đoàn phải bảo vệ công nhân khi họ đấu tranh với chủ tư bản, thì công đoàn Vệt Nam bảo vệ giới chủ tư bản. Cái này hoàn toàn không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin.”
Cùng chung nhận định với ông Quang A, GS Carl Thayer từ ĐH New South Wale của Úc nói rằng “ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được biết đến là người bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội.”
“Đó là xây dựng đảng thông qua các quy định, cải cách để lựa chọn cán bộ chiến lược, cử đi các tỉnh, đề bạt, rồi sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ những người suy thoái,” GS Thayer phân tích.
Nhìn vào kinh nghiệm 30 năm ở Tạp chí Cộng sản, 5 năm làm tổng biên tập của tạp chí lý luận hàng đầu của đảng này, rồi làm chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College thuộc Đại học National Defense (Mỹ) nhận định ông Nguyễn Phú Trọng “là một nhà tư tưởng cộng sản trọn đời”.
GS Abuza nói với BBC rằng do các vị trí này đều mang tính lý thuyết nên ông Trọng là “người hầu như không có kinh nghiệm về mặt thực tiễn”.
Chiến dịch đốt lò ‘thất bại’
Bàn về một trong những di sản nổi bật nhất của ông Nguyễn Phú Trọng – chiến dịch chống tham nhũng hay còn gọi là “Đốt lò” – TS Nguyễn Quang A cho rằng nó đã “thất bại hoàn toàn”.
Ông phân tích:
“Quan trọng nhất là ông ấy không nhận ra bản thân ông ấy và hệ thống của ông ấy sinh ra tham nhũng. Như thế thì ông có đốt đến bao giờ cũng không hết củi.”
“Không giải quyết triệt để những vấn đề nội tại trong hệ thống thì không giải quyết được tham nhũng. Các vấn đề đó bao gồm thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, xã hội dân sự, thiếu một nhà nước pháp quyền với một hệ thống tư pháp độc lập, không có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực.
“Điều cơ bản là không ai có quyền ngồi xổm lên pháp luật.”
“Điều lệ Đảng quy định tổng bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, ông Nguyễn Phú Trọng đã làm tới ba nhiệm kỳ… chứng tỏ là ông ấy không tôn trọng chính điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Quang A cho rằng thực chất cách chống tham nhũng như vậy còn “có hại”.
“Nó cản trở bao nhiêu GDP của Việt Nam, cản trở bao nhiêu sáng kiến của từng địa phương, từng cá nhân.
“Vì mọi hoạt động của Việt Nam luôn cần thử nghiệm, được thì nhân rộng, sai thì chỉnh. Nhưng ai cũng sợ vào lò, không ai dám nói, không ai nêu sáng kiến. Thiệt hại này có thể đo lường bằng con số được.”
“Suốt từ mấy năm nay, bản thân ông Phạm Minh Chính và các lãnh đạo khác đều kêu là phải chống lại nạn trì trệ, không dám chịu trách nhiệm, không dám làm. Vì sao lại có nạn này? Vì họ sợ thành củi.”
Dù vậy, TS Nguyễn Quang A nói rằng theo quan điểm của chính ông Nguyễn Phú Trọng và của một bộ phận người dân Việt Nam thì chiến dịch đốt lò này đã thành công.
Theo TS Quang A, lý do là nhờ kỹ thuật tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Zachary Abuza thì nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng: “Chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng đã tàn phá và làm suy giảm tính chính danh của Đảng Cộng sản theo cách không thể ngờ đến, bởi vì đã phô bày nạn tham nhũng tràn lan ngay tại thượng tầng chính trị.”
Ông nói rằng chiến dịch này đã không chấm dứt tham nhũng vốn đã trở thành một nạn dịch tại Việt Nam.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam giấu tên cũng nói với BBC Tiếng Việt hôm 18/7 rằng theo ông, chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng là thất bại do chỉ giải quyết phần ngọn mà không giải quyết phần gốc và đã để lại một nền chính trị bất ổn định và một nền kinh tế trì trệ.
“Nếu những năm 1990, các vụ tham nhũng lớn nhất cũng chỉ tới vài trăm triệu đồng thì tới nay đã lên hàng ngàn tỷ đồng. Tham nhũng không hết, không bao giờ hết mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang mất đi các nhà đầu tư lớn. Trong nước xảy ra tình trạng không ai dám quyết, như vậy thì làm sao xã hội phát triển được.
“Mặc dù ông Trọng cũng để lại một số dấu ấn cá nhân như là người đầu tiên đưa được các quan chức hàng đầu Bộ Chính trị ‘vào lò’, hay việc ông đã đón Tổng thống Joe Biden và chứng kiến hai nước Việt-Mỹ nâng quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất, nhưng nhìn chung, di sản chống tham nhũng của ông là một đất nước đi xuống.”
Nhà nghiên cứu David Hutt từ Viện Nghiên cứu Trung Âu về châu Á (CEIAS) nhận định với BBC: “Trong nỗ lực cứu Đảng Cộng sản, ông Trọng đã để lại một di sản của việc phớt lờ tất cả các quy tắc và chuẩn mực vốn nhằm kiểm soát quyền lực và giới hạn nhiệm kỳ, tuổi nghỉ hưu, sự phân chia tứ trụ.
“Ông cũng đã giám sát việc tái tập trung quyền lực vào cơ quan trung ương đảng; làm suy yếu sự độc lập của bộ máy hành chính; thanh trừng các nhà kỹ trị và sự trỗi dậy của các lãnh đạo ngành công an.
“Tất cả nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng.
Ông để lại một Đảng Cộng sản ít hướng đến sự đồng thuận, ít cân bằng giữa các phe phái và mạng lưới quyền lực vùng miền, và ít có khả năng tự kiểm soát quyền lực của mình hơn – và dễ có nguy cơ bị một phe mạnh chiếm đoạt quyền lực hơn.”
‘Bài học cho các lãnh đạo mới’
“Sự ra đi của một lãnh đạo luôn là một dấu mốc trong lịch sử của một đất nước. Xấu đi hay tốt lên chưa biết, nhưng hi vọng những người mới lên sẽ học được bài học thất bại của ông Trọng để không lặp lại,” TS Nguyễn Quang A nhận định.
Về bức tranh một Việt Nam trong một kỷ nguyên mới với một lãnh đạo mới, ông Quang A nói với BBC rằng ông không võ đoán, nhưng dựa vào kinh nghiệm quốc tế thì ông thấy rằng “không có lý do gì để hi vọng nhưng cũng không có lý do gì để bi quan.”
Ông phân tích:
“Dựa trên những việc ông Tô Lâm đã làm ở Bộ Công an phóng chiếu ra, nếu ông ấy vẫn tiếp tục các hoạt động đàn áp khốc liệt, thì với cương vị chủ tịch nước, ông ấy sẽ tạo điều kiện cho những người thân cận ông ấy lên thì có thể suy ra tình hình không sáng sủa gì, rất ảm đạm.
“Nhưng tôi hi vọng với cương vị mới, và học kinh nghiệm của thế giới và của bản thân ông Trọng, chưa biết chừng sẽ có sự thay đổi.
“Vì những trường hợp như thế từng xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa.
“Chẳng hạn, vào những năm cuối của chế độ XHCN ở Ba Lan, Đại tướng Wojciech Jaruzelski, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Ba Lan từng là người đàn áp phong trào công đoàn đoàn kết rất mạnh mẽ nhưng ông ấy cũng chính là người tích cực tham gia vào việc chuyển đổi dân chủ của Ba Lan.
“Cũng vậy, ông Tô Lâm, khi đã củng cố được quyền lực, dưới sức ép của quốc tế và người dân, và suy nghĩ riêng của chính ông, hoặc những quân sư của ông ấy có thể khuyên ông ấy, thì rất có thể lại có một sự tiến bộ nào đó trong dân chủ hoá, như nới lỏng đàn áp, cho tự do báo chí, trả tự do cho tù nhân lương tâm, một cách từ từ, có lộ trình.
“Vấn đề là quản trị tốt, phải có sự minh bạch, thượng tôn pháp luật, kiểm soát và cân bằng quyền lực, và quan trọng nhất là tư pháp phải độc lập.
Lý do để không bi quan, theo ông Quang A, là do ông tin rằng người dân Việt Nam “biết quyền của mình”. Đó là các quyền hiến định mà “họ chỉ cần thực hiện một cách xây dựng chứ không cần ai ban cho”.
“Việt Nam đã ký tham gia công ước của Liên Hiệp Quốc về Các quyền dân sự và chính trị từ 1982.
“Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ việc tôn trọng quyền con người. Nếu chúng ta cứ chủ động lên tiếng thực hiện – không cần ai ban cho – quyền của mình một cách xây xựng – chúng ta sẽ tạo ra một rào cản, buộc lãnh đạo phải đi theo một hướng mà chính lãnh đạo đã tuyên bố, đó là phục vụ nhân dân,” Tiến sĩ Quang A nói.