Ukraina tìm kiếm ‘‘điểm chung’’ với Trung Quốc để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Nga

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba, trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên kể từ khi chiến tranh bùng nổ,  đã gặp lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay, 24/07/2024. Theo hãng tin AP, ngoại trưởng Ukraina cho biết đang tìm kiếm ‘‘điểm chung’’ với Bắc Kinh trong các thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh với Nga.

Đăng ngày: 24/07/2024

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tại Kiev, Ukraina, ngày 03/06/2024.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba tại Kiev, Ukraina, ngày 03/06/2024. REUTERS – Gleb Garanich

Trọng Thành

Trong phát biểu khai mạc cuộc hội đàm tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, ông Dmytro Kuleba nhấn mạnh: ‘‘Tôi tin rằng một nền hòa bình công bằng với Ukraina là nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc và vai trò của Trung Quốc với tư cách là thế lực toàn cầu duy trì hòa bình là rất quan trọng”. Trước đó, trên Instagram hôm qua, 23/07, trong ngày đầu tiên tại Trung Quốc, ngoại trưởng Ukraina khẳng định: Kiev và Bắc Kinh cần nỗ lực ‘‘đối thoại trực tiếp’’, đồng thời kêu gọi ‘‘tránh đối đầu giữa các kế hoạch hòa bình’’.

Theo AP, ngoại trưởng Kuleba dự kiến ​​sẽ vận động các quan chức Trung Quốc tham dự một hội nghị thứ hai về hòa bình cho Ukraina, được dự trù sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11, tiếp theo hội nghị đầu tiên tại Thụy Sĩ hồi tháng 6, mà cả Nga và Trung Quốc đều không tham gia. Chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Ukraina dự kiến kết thúc vào ngày thứ Sáu 26/07.

Cho đến nay, Matxcơva vẫn duy trì một quan điểm cứng rắn: Điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đàm phán là Ukraina phải thừa nhận chủ quyền của Nga đối với toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Matxcơva đòi hỏi và không gia nhập khối NATO. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Ukraina hôm nay sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng, chính quyền Kiev sẽ thương lượng với Nga chừng nào Nga ‘‘chứng tỏ thiện chí’’. Bộ Ngoại Giao Ukraina nhấn mạnh ‘‘hiện tại phía Nga chưa sẵn sàng cho việc này’’.

Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra là bên trung lập trong cuộc xung đột, trên thực tế Bắc Kinh bị phương Tây cáo buộc hậu thuẫn đắc lực cho cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, đặc biệt với việc cung cấp cho Matxcơva các mặt hàng ‘‘lưỡng dụng’’ (dùng cả cho mục tiêu dân sự và quân sự). AFP hôm qua, dẫn lời nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu, với chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng ‘‘mối quan tâm của Ukraina’’ đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.

Bài Liên Quan

Leave a Comment