2024.07.27
Lính Philippines đứng nhìn tàu tuần duyên Philippines gần đảo Thị Tứ ở Biển Đông hôm 1/12/2023 (minh hoạ)
Tuần duyên Philippines và cảnh sát biển Việt Nam đang thảo luận cho những cuộc diễn tập chung đầu tiên giữa hai nước vào khi vẫn còn những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông.
Truyền thông Philippines cho biết, đoàn công tác của cảnh sát biển Việt Nam và một tàu trọng tải 2.400 tấn sẽ đến Philippines trong tháng 8 để lên kế hoạch cho cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn và ngăn ngừa cháy nổ.
Thảo luận giữa hai nước diễn ra vào khi hai bên vẫn còn có những bất đồng liên quan đến hồ sơ thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông mà cả hai nước đều đã nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc. Việt Nam đệ trình hồ sơ của mình vào ngày 17/7 chỉ khoảng một tháng sau khi Philippines nộp hồ sơ của mình.
Việt Nam cũng đã gửi công hàm phản đối đệ trình của Philippines vì cho rằng một phần trong đệ trình của Philippines đã xâm lấn vào thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.
Manila sau đó tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hà Nội về những khác biệt giữa hai phía.
Theo các nhà quan sát quốc tế, đối thoại hoà bình giữa Hà Nội và Manila có thể ảnh hưởng đến những hành động lấn lướt của Trung quốc ở Biển Đông thời gian qua.
Hồi tháng 1 vừa qua. Philippines và Việt Nam cũng đã ký một thoả thuận về ngăn ngừa các vụ việc trên Biển Đông, mở rộng hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước.
Những thoả thuận và thảo luận về hợp tác huấn luyện và chia sẻ thông tin giữa quân đội hai nước được thúc đẩy nhân chuyến thăm của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Hà Nội.
Trong khi đó, Bắc Kinh hồi tuần trước đã lên tiếng phản đối đệ trình về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam lên LHQ, cho rằng Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài quốc tế vào năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lệ của đường này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.