Không thể tin tưởng cam kết của Bắc Kinh

Bài bình luận của Hà Lệ Chi
29-07-2024

Không thể tin tưởng cam kết của Bắc Kinh

Bản đồ thềm lục địa tại Biển Đông

CLCS

Thoả thuận giữa Philippines và Trung Quốc 

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Mây đã kéo dài từ lâu, đặc biệt từ đầu năm 2023 cho tới nay, tình trạng đối đầu giữa lực lượng của hai bên đã dâng cao cùng với việc Philippines ngả sang Mỹ. 

Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần dùng chiến thuật đâm tàu, phun vòi rồng, thậm chí chiếu tia laser vào mắt các thuỷ thủ của Philippines để ngăn cản việc tiếp tế và sửa chữa con tàu Sierra Madre đã rỉ sét, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trên Bãi Cỏ Mây. Gần đây, hành động của Hải cảnh Trung Quốc đã đến mức táo tợn hơn khi họ cầm rìu, dao, gậy tấn công lên tàu của Cảnh sát biển Philippines, khiến một thuỷ thủ Philippines đã bị chém đứt ngón tay cái. 

Sau những căng thẳng tột độ như vậy, hy vọng về hoà hoãn đã nhen nhóm khi cả hai bên cùng tuyên bố là đã đạt được thoả thuận nhằm giảm nhiệt căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây.[1]

Tuy vậy, những hy vọng này có thể sớm chấm dứt khi Bắc Kinh và Manila đều đưa ra thông điệp cho thấy cả hai bên vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình và họ giải thích các điều khoản của thỏa thuận theo những cách khác nhau. 

Cả Manila và Bắc Kinh đều chưa công bố văn bản thỏa thuận tạm thời đạt được hôm 21/7 nhằm xoa dịu căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây, được Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km. 

Ngày 22/7, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng Bắc Kinh đã đồng ý cho phép Manila tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhân sự của họ trên tàu Sierra Madre “với tinh thần nhân đạo”. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh cho biết các nhiệm vụ tiếp tế đó chỉ có thể diễn ra “nếu Philippines thông báo trước cho Trung Quốc và sau khi tiến hành xác minh tại chỗ”. Bà nói thêm: “Trung Quốc sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiếp tế”.[2]

Nhưng những phát biểu đó đã vấp phải sự phản đối ở Manila. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết nước này sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của nước này ở Biển Đông và lưu ý rằng Manila đạt được thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh mà “không phải nhượng bộ lập trường quốc gia”.[3]

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định rằng do đó tuyên bố của Trung Quốc “về việc phải thông báo trước và xác nhận tại chỗ là không chính xác”.[4] Tuyên bố còn nói thêm rằng Philippines đã thiện chí khí ký kết thỏa thuận này, sẵn sàng thực hiện và thúc giục Trung Quốc cũng làm như vậy.

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh dường như đang cố gắng định hình thỏa thuận theo hướng thể hiện rằng Philippines đã nhượng bộ các yêu cầu của họ – điều mà các quan chức Philippines kịch liệt phủ nhận.

Có lẽ Philippines trong suốt thời gian qua đã cảm thấy mệt mỏi với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc đối với không chỉ Bãi Cỏ Mây mà cả Bãi cạn Scarborough cùng Bãi Sabin, trong khi đó, đồng minh quan trọng là Mỹ thì vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ Philippines qua hành động, ngoài những tuyên bố. Thêm nữa, Mỹ đang tập trung vào cuộc bầu cử năm nay, cho nên khó mà có thể có hành động cứng rắn với Trung Quốc. Biết được giới hạn đó, cho nên Bắc Kinh đã liên tục thử giới hạn đỏ với cả Philippines và Mỹ trên Biển Đông.

chiến hạm cũ Sierra Madre.jpeg
Photo/Aaron Favila

Bài học từ Việt Nam

Liệu Trung Quốc có dễ dàng thoả hiệp với Philippines về Bãi Cỏ Mây trong điều kiện hiện nay, điều mà Philippines có lẽ đang hy vọng?

Thoả thuận giữa Philippines và Trung Quốc lần này khiến các nhà nghiên cứu nhớ đến một thoả thuận tương tự giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đây. Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng vừa sau khi đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên đã có chuyến thăm Bắc Kinh.[5]

Trong chuyến thăm đó, Bắc kinh và Hà Nội đã ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển.[6]

Thoả thuận này có nội dung:

 Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.”[7]

Trước đó không lâu, tàu Trung Quốc đã táo tợn cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.[8] Chính vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng khi sang Bắc kinh đã hy vọng với mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản, có thể làm dịu vấn đề căng thẳng trên biển.

Thoả thuận giữa Bắc kinh và Hà Nội năm 2011 nghe thì hay thế, nhưng năm 2014, Tập Cận Bình đã bất chấp tất cả, mà đặt ngay một giàn khoan khủng vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.[9] Cơ chế đường dây nóng liên lạc giữa hai đảng đã tắt lịm trong sự kiện này. Những lời hứa hay cam kết của Bắc Kinh và Tập đã bay theo gió. Và từ đó, Việt Nam đã tỉnh mộng trước dã tâm độc chiếm Biển Đông, như một phần trong “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Chính vì vậy, chính phủ Philippines cần thận trọng khi đàm phán và thoả thuận với Bắc Kinh. Dã tâm độc chiếm Biển Đông của họ là không khi nào thay đổi. Tập đã hứa rất nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều, như câu chuyện Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển vẫn còn đó, hay chuyện Tập hứa sẽ không quân sự hoá các thực thể trên Biển Đông nữa.

Không thể tin và không nên tin vào những cam kết của một kẻ bất chấp luật pháp quốc tế và cũng bất chấp uy tín như Trung Quốc dưới thời Tập. Philippines không cẩn thận sẽ lại lặp lại “thoả thuận giữa các quý ông” mà Tập đã giăng bẫy cho Duterte cách đây chưa lâu.

  • Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Bài Liên Quan

Leave a Comment