28 tháng 7 2024
Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên bàn về “khả năng răn đe mở rộng” – thuật ngữ mô tả việc Mỹ cam kết sử dụng năng lực hạt nhân để ngăn chặn nỗ lực tấn công vào các đồng minh của mình.
Hôm 28/7, Mỹ cho biết sẽ cải tổ bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp với đồng minh, sau khi hai nước gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” trong khu vực.
Thông báo được đưa ra sau các cuộc hội đàm an ninh ở Tokyo (Nhật Bản) giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với những người đồng nhiệm Nhật Bản là bà Yoko Kamikawa và ông Minoru Kihara.
Bản tuyên bố sau cuộc họp cho biết “bộ chỉ huy lực lượng chung” mới sẽ giúp Mỹ có thể tương tác sâu hơn với lực lượng vũ trang Nhật Bản và sẽ được triển khai song song với kế hoạch riêng của Tokyo về thành lập một bộ chỉ huy hỗn hợp để giám sát lực lượng của mình vào tháng 3/2025.
Việc nâng cấp bộ chỉ huy của Mỹ tại Nhật Bản là “một trong bước tiến đáng kể nhất trong lịch sử liên minh hai nước,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với báo giới trước cuộc hội đàm.
Cuộc cải tổ lần này là một trong nhiều biện pháp nhằm đối phó với cái mà nhiều quốc gia gọi là “môi trường an ninh biến động”, nhấn mạnh vào các mối đe dọa khác nhau đến từ Trung Quốc.
“Chúng tôi tiếp tục thấy Trung Quốc có hành vi cưỡng chế và cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, xung quanh Đài Loan và trên khắp khu vực,” ông Austin nói.
Bản tuyên bố chỉ trích việc Bắc Kinh có những hành động khiêu khích trên biển, tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với Nga và nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Chiếc dù hạt nhân của Mỹ
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc “có mục đích tái cấu trúc trật tự thế giới để phục vụ lợi ích riêng của mình trong khi gây tổn hại cho các nước khác”, bộ trưởng hai nước nói.
“Hành vi này là mối quan ngại sâu sắc đối với Liên minh và cộng đồng quốc tế, đồng thời là thách thức chiến lược lớn nhất cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các khu vực khác”.
Lần đầu tiên, bộ trưởng hai nước thảo luận về “khả năng răn đe mở rộng” – một thuật ngữ mô tả việc Mỹ cam kết sử dụng năng lực hạt nhân để ngăn chặn nỗ lực tấn công vào các đồng minh của mình.
Đây là một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản, quốc gia vốn vẫn luôn vận động hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Theo một thông cáo chính thức khá ít chi tiết, hai nước đã thảo luận về việc tăng cường khả năng răn đe mở rộng nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và ngăn chặn sự bùng phát xung đột.
“Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Để bảo vệ trật tự quốc tế hiện tại một cách toàn vẹn, chúng ta cần liên tục củng cố liên minh và tăng cường sức mạnh răn đe,” Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa nói với báo giới khi bắt đầu cuộc đàm phán.
Nhật Bản cho phép Mỹ lập căn cứ để triển khai sức mạnh quân sự ở châu Á, với sự hiện diện của 54.000 lính, hàng trăm máy bay và nhóm tác chiến tàu sân bay tiền phương duy nhất của Washington.
Thúc đẩy bởi sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc và các vụ thử tên lửa thường xuyên của Bắc Hàn – một quốc gia có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản đã thay đổi đáng kể sau nhiều thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến tranh.
Năm 2022, Nhật Bản từng công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bộ chỉ huy mới của Mỹ tại Nhật Bản sẽ do một tướng ba sao đảm nhiệm, thay vì một tướng bốn sao như Nhật Bản từng yêu cầu, một quan chức Mỹ cho biết trước cuộc hội đàm.
Thông báo sau cuộc họp không đề cập tới vấn đề này.
Hợp tác với Hàn Quốc
Hai nước đồng minh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Nga mua tên lửa đạn đạo từ Bắc Hàn để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine và khả năng Moscow chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc công nghệ liên quan đến tên lửa cho Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn vừa tuyên bố sẽ “hủy diệt hoàn toàn” các kẻ thù nếu chiến tranh xảy ra, hãng thông tấn nhà nước KNCA đưa tin ngày 28/7.
Hôm nay 28/7, ông Austin và ông Kihara cũng đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik.
Trong cuộc họp, ba nước đã ký kết một thỏa thuận nhằm “thể chế hóa” hợp tác ba bên thông qua các nỗ lực như chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Bắc Hàn theo thời gian thực và các cuộc tập trận quân sự chung.
Chính quyền ông Biden đã thúc đẩy nâng cao hợp tác giữa Tokyo và Seoul. Mối quan hệ Nhật-Hàn vốn có nhiều căng thẳng, khởi nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc thời điểm 1910-1945.
“Bản ghi nhớ này củng cố hợp tác giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, giúp mối quan hệ đối tác của ba nước không thể bị lay chuyển, dù tình hình quốc tế biến chuyển thế nào,” ông Kihara nói với các phóng viên sau cuộc họp ba bên.
Washington cũng muốn tận dụng ngành công nghiệp Nhật Bản để giảm áp lực lên các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ vốn đang chịu căng thẳng do nhu cầu từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
Tokyo và Washington đang hợp tác trên nhiều phương diện trong lĩnh vực này, bao gồm nâng cao nỗ lực hợp tác sản xuất tên lửa, thiết lập khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và hỗ trợ sửa chữa tàu và máy bay.
Tuy nhiên, dự án hàng đầu – kế hoạch sử dụng các nhà máy của Nhật Bản để tăng sản lượng tên lửa phòng không Patriot – đang bị trì hoãn do thiếu một thành phần quan trọng do Boeing sản xuất, Reuters từng đưa tin trước đó trong tháng.
Sau khi rời Tokyo, ông Blinken và ông Austin sẽ có các cuộc đàm phán an ninh với một đồng minh châu Á khác của Mỹ – Philippines, trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách đối phó một Trung Quốc ngày càng táo tợn.
Thứ Bảy 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Lào.
Tại đây, ông Blinken một lần nữa nhắc lại việc Washington và các đối tác muốn duy trì một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, theo thông cáo của Mỹ về cuộc họp.