29 tháng 7 2024
Nhận bó hoa đầu tiên sau khi được minh oan hồi cuối tháng 5, ông Lâm Hồng Sơn đã dành cho người cha gần 100 tuổi của mình vào những ngày cuối đời trên giường bệnh.
Ông Lâm Hồng Sơn, 68 tuổi, không bao giờ quên buổi chiều ngày 16/1/1990 khi công an đến đọc lệnh bắt tạm giam ngay tại công ty mà ông cùng các đồng nghiệp đã dày công gầy dựng.
“Khi đó tôi ăn mặc chỉnh tề vì mình là giám đốc mà. Công an đến công ty, tôi cũng mời nước họ, rồi thủ trưởng cơ quan điều tra công an Long An yêu cầu tôi đứng lên,” ông bồi hồi nhớ lại biến cố lúc ông mới ngoài 30 tuổi.
Vị cán bộ công an nói: “Xin mời ông Lâm Hồng Sơn đứng lên. Đây là lệnh bắt tạm giam đối với ông Lâm Hồng Sơn. Yêu cầu ông Lâm Hồng Sơn nghiêm chỉnh chấp hành.”
“Con người tôi khi đó chết đứng, cho đến khi họ còng tay tôi thì tôi mới tỉnh lại,” ông kể với BBC News Tiếng Việt vào tháng 7/2024, hai tháng sau khi được công khai xin lỗi vì bị bắt oan.https://flo.uri.sh/visualisation/18748665/embed?auto=1
‘Nếu tôi chết đi, con tôi sẽ kiện tiếp’
Trong buổi xin lỗi và cải chính công khai vào ngày 28/5/2024 tại Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, đại diện viện kiểm sát nhân dân hai tỉnh An Giang và Long An thừa nhận những thiệt hại về sức khỏe và tinh thần từ việc khởi tố, bắt giam oan đối với ông Lâm Hồng Sơn là “khó có thể bù đắp được”, theo tường thuật của truyền thông Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An, đã công khai xin lỗi ông Lâm Hồng Sơn như sau:
“Chúng tôi chưa xác minh kỹ mà đã vội vàng khởi tố, sau đó đã đình chỉ vụ án. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Long An thẳng thắn nhận trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc, thận trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi rất mong ông Sơn và gia đình chấp nhận lời xin lỗi này.”
Ông Lâm Hồng Sơn chấp nhận lời xin lỗi, rồi cảm ơn cơ quan công an và viện kiểm sát nhân dân hai tỉnh.
Kể lại câu chuyện với BBC vào tháng 7/2024, ông Lâm Hồng Sơn như thấy lại từng ngày gian khổ, oan ức, những khát vọng làm giàu mãnh liệt của một thuở thanh xuân lụi tàn và bao nhiêu cơ hội bị bỏ lỡ.
“Khi bị bắt lần hai, tôi đã quyết tâm, dù tôi có chết thì sẽ có di chúc để lại cho con tôi tiếp tục khiếu kiện để lấy lại danh dự,” ông nói.
Ông Lâm Hồng Sơn bị bắt và khởi tố oan sai hai lần, lần thứ nhất là vào tháng 1/1990 và lần hai là từ ngày 14/12/1990 đến 13/11/1991 với các cáo buộc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.
“Tội trốn thuế có thể dựa cột [bị tử hình]”, ông Lâm Hồng Sơn nhớ lại nỗi lo sợ ngày xưa khi chia sẻ với BBC với khát vọng kinh doanh to lớn của mình.
Những năm đầu của công cuộc Đổi mới, kinh tế tư nhân bắt đầu đâm chồi khi nhà nước có những lời kêu gọi và các biện pháp để khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời vào năm 1987 và có hiệu lực vào đầu năm 1988, sau đó được bổ sung, sửa đổi liên tục.
Trong bối cảnh đó, những con người có khát vọng làm giàu như ông Lâm Hồng Sơn đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh to lớn.
Nhưng trong thuở ban sơ ấy, khi mà khung pháp lý chưa hoàn thiện, khi mà cái nhìn của chính quyền và xã hội đối với kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế, những người như ông Sơn khi dấn thân vào thương trường cũng đồng nghĩa chấp nhận bước vào vùng tranh tối tranh sáng, với nhiều rủi ro rình rập.
Những vụ đại án như Epco-Minh Phụng dẫn tới bản án tử hình đối với các doanh nhân nổi tiếng lúc bấy giờ diễn ra trong bối cảnh đó. Về sau này, khi có đủ độ lùi về thời gian, khi khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện và nhận thức pháp lý được nâng cao, đã có những nhìn nhận khác về cách xử lý các vụ như Epco-Minh Phụng. Tuy nhiên, không gian của chính trị, xã hội và thương trường vào thời thập niên 1990 rất khác so với hiện nay.
Cho nên, nỗi sợ “dựa cột” của ông Lâm Hồng Sơn là có cơ sở.
Ông Lâm Hồng Sơn cho biết trong 34 năm qua, ông đã không ngừng theo đuổi vụ kiện với hơn 100 lá đơn được gửi đi khắp nơi. Ở địa phương thì ông gửi tới tòa án các tỉnh An Giang và Long An, ở cấp trung ương thì ông gửi tới Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quốc hội, Chính phủ, thậm chí gửi thẳng tới thủ tướng, tổng bí thư.
Ông nói điều thôi thúc ông theo đuổi đến cùng không chỉ là việc “tài sản bị mất hết và quá đau khổ” mà, quan trọng hơn, là danh dự của ông và tình thương đối với những người con phải mang tiếng cha từng bị tù tội.
Ông khẳng định với BBC News Tiếng Việt rằng những gì mình đã đeo đuổi và đấu tranh trong 34 năm qua là “hoàn toàn hợp đạo lý, hợp luật pháp Việt Nam”.
“Đây là vụ khiếu kiện đòi tài sản trong 34 năm. Tôi là một thương gia đang làm ăn ở Việt Nam, lúc đó trong tay tôi đang nắm hàng triệu đô la, có tàu biển vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Thái Lan và Hong Kong,” ông hồi tưởng lại thời hoàng kim.
Sau năm 1975, sau những ngày sục sôi với chiến dịch đánh tư sản mại bản ở Sài Gòn hay còn gọi là “Cải tạo Công Thương nghiệp Tư doanh” được cố Tổng Bí thư Đỗ Mười triển khai, các lãnh đạo Việt Nam đã sửa sai bằng các cải cách được biết đến với tên gọi Đổi mới.
Đại hội lần thứ 6 của Đảng nhấn mạnh việc cải cách này là “vấn đề có ý nghĩa sống còn”.
“Ngày 19/2/1986, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu trong một phiên họp của Bộ Chính trị: ‘Sức mạnh của chủ nghĩa xã hội và sức mạnh của nền chuyên chính vô sản cũng không thể đi ngược lại với những quy luật kinh tế…’,” tác giả Huy Đức viết trong sách Bên Thắng Cuộc.
Nhà báo Huy Đức viết về thời kỳ này trong sách Bên Thắng Cuộc:
“Từ chỗ tập trung vào tay nhà nước ruộng đất, nhà máy và tất cả các quyền sản xuất, kinh doanh, từ tháng 12/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu cho phép ‘các thành phần kinh tế’ được làm ăn một cách có giới hạn. Đồng thời, nhà nước cũng từng bước cho tự do lưu thông hàng hóa trong nước, để thị trường điều tiết giá cả thay vì lên kế hoạch và quyết định bằng các mệnh lệnh hành chánh. Việc chấp nhận nền kinh tế vận hành theo các quy luật gần giống như nó vốn có được Đảng gọi là ‘đổi mới’. Để đi tới quyết định đó, các nhà khởi xướng cũng đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các đồng chí trong Đảng và thuyết phục chính mình”.
Ông Lâm Hồng Sơn cho biết ông nằm trong số những doanh nhân được khuyến khích đầu tư vào thời điểm Việt Nam mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, mọi chuyện không êm xuôi như ông dự tính.
“Tôi nhập hàng về theo luật pháp về đầu tư của Việt Nam. Trong lúc tôi làm việc như thế thì tôi bị vu khống, bị bắt giam vào ngày 16/1/1990. Hàng hóa của tôi được nhập về cảng Mỹ Thới (An Giang), khi đó mới được thành lập, chưa có tàu hàng về. Tỉnh An Giang mời đưa tàu về để khai trương cảng. Thế rồi khi hàng hóa tôi được nhập về thì bị niêm phong hết.”
Vào năm 1967, siêu thị đầu tiên tại Việt Nam mang tên Nguyễn Du được mở tại góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Quận 1 (Sài Gòn).
Sau năm 1975, các siêu thị bị dừng hoạt động, Tổng cuộc Thực phẩm Quốc gia trở thành Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Siêu thị Nguyễn Du hiện đại của những năm 1967 bị chuyển thành hội trường và nhà ăn tập thể.
Vào năm 1992, siêu thị Co.opmart được mở, đánh dấu hình thức bán lẻ mới sau năm 1975.
Ông Lâm Hồng Sơn cho biết hồi đó mục tiêu lớn hơn của ông khi đưa hàng hóa từ Thái Lan về là muốn mở siêu thị vì Việt Nam thời điểm đó không có siêu thị, chỉ có công ty thương nghiệp bách hóa thôi.
“Chúng tôi về hai tàu hàng đủ các loại, kim khí điện máy, ti vi, máy lạnh, bách hóa đủ loại luôn, giá trị khoảng hơn 200.000 USD.”
Theo lời kể của Lâm Hồng Sơn, hồi đó ông sở hữu một xí nghiệp ở Sài Gòn, một xí nghiệp ở Châu Đốc, một văn phòng ở Long Xuyên, còn nhà thì ở đường Trần Hưng Đạo, TP HCM.
Mọi việc đang thuận lợi thì tai họa ập tới.
“Khi bị vu khống, bắt giam oan, tài sản của tôi bị tịch thu hết. Từ những bức xúc, những uất ức đó, tôi quyết đấu tranh kiên trì từ 16/1/1990 cho đến nay,” ông Lâm Hồng Sơn chia sẻ.
‘Hãy kiên trì và đủ hồ sơ’
“Tôi nhớ nhất cảnh đào móng xây tường, xây xí nghiệp thức ăn chăn nuôi gia súc, và mở văn phòng. Ban đầu chỉ là một văn phòng nhỏ, chuyển máy móc từ Sài Gòn về,” ông kể về những ngày đầy sôi nổi, với bao dự định lớn lao.
Rồi giọng ông trầm xuống: “Tôi thương nhất là nhân sự của tôi bị tan đàn xẻ nghé hết. Đến nay có người mất, người còn. Tôi cũng chưa gặp lại đầy đủ để tạ ơn người ta. Tôi nhớ nhất là cảnh trở về sau khi bị giam, nhìn lại công ty bị đóng cửa, nhìn lại xí nghiệp thức ăn gia súc điêu tàn. Đó là ký ức tôi không thể nào quên.”
“Sau khi được thả, tôi đi xe đò 54 cây số từ Long Xuyên về Châu Đốc, tới nơi thấy xí nghiệp tan hoang. Công ty tôi khi đó đã bị niêm phong, tôi chỉ đứng nhìn thôi, nước mắt cứ thế trào ra.”
Ông Lâm Hồng Sơn nói rằng lúc bấy giờ tràn ngập trong ông là sự xót xa, tiếc nuối, căm hận.
“Tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ bị bắt giam. Tôi cũng không nghĩ công ty, xí nghiệp tôi tan hoang hết. Không có từ ngữ nào diễn tả được,” giọng ông trầm lắng khi nhớ về một đoạn đời đầy phong ba.
Mọi chuyện không dừng lại tại đó. Những ngày tiếp theo, ông đã phải bán nhà cửa để trả nợ, vừa phải lo cha mẹ già cùng đàn con thơ.
“Sau đó công nợ đòi tôi, công an tỉnh An Giang lại truy đuổi tôi nữa, buộc tôi phải bán căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn với giá hơn 600 lượng vàng để chi trả công nợ và nuôi dưỡng mấy đứa con với ông bà cụ.”
Từ một doanh nhân với cơ sở làm ăn tại nhiều nơi, ông Lâm Hồng Sơn mất hết sản nghiệp. Tới năm 2010, ông được em bảo lãnh nhập quốc tịch Mỹ.
Nhà cửa phải bán đi để lo kiện tụng nhưng ông Sơn cho biết mình may mắn vì bên cạnh luôn có gia đình và có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi ông nhập quốc tịch Mỹ từ năm 2010.
Dù ở Mỹ, nhưng ông vẫn không bỏ dở cuộc chiến đòi công lý. Ông kể rằng tòa án tỉnh An Giang đã liên tục gây khó dễ, rồi sau đó đại dịch Covid ập tới, mọi việc càng khó khăn hơn.
“Tòa án An Giang không chấp nhận những gì tôi khiếu nại, cho đến đầu năm 2019. Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang làm khó tôi đủ điều, tôi phải bốn lần hợp thức hóa đơn kiện, rồi tôi phải từ Mỹ bay về Việt Nam nộp đơn.”
“Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang nói tôi phải đóng tiền án phí, yêu cầu tôi làm đơn phải được Lãnh sự quán Hoa Kỳ hợp thức hóa. Mỗi lần hợp thức hóa tôi phải từ Việt Nam bay qua Mỹ và từ Mỹ bay về Việt Nam, nhờ luật sư bên Mỹ… rất tốn kém, cả 10.000 USD cho mỗi lần đi về Việt Nam.”
“Công an tỉnh An Giang và Tòa án tỉnh An Giang làm khó tôi đủ điều hết, tôi hợp thức hóa xong thì Tòa án tỉnh An Giang mới thụ lý. Đến năm 2020, trong mùa dịch Covid thì tôi phải bay về với giá vé 6.000 đến 7.000 USD, xong hết thủ tục đó, bốn lần như vậy thì tòa án mới thụ lý.”
Dù mùa dịch đi lại rất khó khăn, nhưng vì Tòa án An Giang triệu tập, ông vẫn quyết tâm đi về Việt Nam để hoàn tất mọi thủ tục và kiên trì đến lúc giành được chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn ba thập niên.
Ngày 25/6/2024, tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An, đại diện viện kiểm sát hai tỉnh Long An và An Giang đã trao quyết định bồi thường thiệt hại cho ông Lâm Hồng Sơn.
Theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng thiệt hại tinh thần, thu nhập thực tế bị mất và chi phí khác, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An bồi thường tổng cộng hơn 209 triệu đồng.
Trước đó, ông Sơn đã gửi đơn yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang bồi thường hơn 3,1 tỷ đồng, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng, tổng là hơn 5,9 tỷ đồng.
Ông Sơn hiện đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện Công an tỉnh An Giang, yêu cầu được bồi thường gần 4 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng) cho những thiệt hại do bị bắt giam oan.
Ông Lâm Hồng Sơn nói thêm bản thân đã chứng kiến hàng trăm người dân Việt Nam đi khiếu kiện vì oan sai, có người đã nhờ ông gửi đơn cầu cứu.
“Tôi chỉ muốn nhắn gửi với những người dân oan là hãy kiên trì, và phải đủ hồ sơ, phải có đủ chứng cứ, tôi được bồi thường vì có đủ chứng cứ, kể cả vé máy bay. Tôi đề nghị tất cả bà con nên lưu giữ bằng chứng cẩn thận và kiên trì như quá trình tôi đã trải qua.”
Tóm tắt vụ kiện
Tháng 4/1988, ông Lâm Hồng Sơn có hợp đồng với Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân tỉnh An Giang mở xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc và ông làm giám đốc.
Trong khoảng thời gian từ năm 1990 và 1991, ông bị các cơ quan tố tụng tỉnh An Giang và Long An hai lần tiến hành khởi tố, bắt tạm giam với các cáo buộc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.
Cụ thể, vào tháng 1/1990, Công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Trong thời gian ông Sơn bị công an tỉnh Long An bắt tạm giam, hàng hóa, nhà xưởng của xí nghiệp tại An Giang đã bị tịch thu.
Sau khi Công an tỉnh Long An trả tự do, ông Sơn khởi kiện Công an tỉnh An Giang để đòi lại tài sản.
Qua 5 tháng điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Sơn nên Công an tỉnh Long An đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Sơn.
Tới tháng 12/1990, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Sơn để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang sau đó chuyển sang truy tố ông Sơn về tội “Trốn thuế” với số tiền hơn 36 triệu đồng vì nhập 13 xe du lịch khi bán xong không nộp thuế.
Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang xác định ông Sơn không có dấu hiệu chiếm đoạt, số nợ của ông Sơn với một số ngành tại An Giang là quan hệ dân sự và số tiền nợ thuế chưa đủ căn cứ để xử lý ông Sơn về tội trốn thuế.
Ngày 19/11/1991, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn.
Từ ngày được trả tự do, ông Sơn bắt đầu hành trình kêu oan kéo dài gần 34 năm, yêu cầu bồi thường cho những tổn thất về vật chất và tinh thần.
Ngày 28/5/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh An Giang phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An tổ chức phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi, và cải chính công khai đối với ông Lâm Hồng Sơn.
Ngày 25/6/2024, ông Lâm Hồng Sơn được Viện kiểm Sát Nhân dân Long An bồi thường hơn 209 triệu đồng, còn Viện Kiểm sát Nhân dân An Giang bồi thường hơn 2,737 tỷ đồng.
Kể lại câu chuyện cùng BBC Tiếng Việt, ông Lâm Hồng Sơn như sống lại từng phút, từng giờ, từng ngày trong hành trình gian nan và dài đằng đẵng của mình. Hành trình ấy có mất mát, đau thương, uất ức, căm hận, và có cả sự an ủi khi danh dự được phục hồi, sau chừng ấy thời gian.
Ông Lâm Hồng Sơn cho biết ông đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện công an, đòi bồi thường gần 4 triệu USD, khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Sau khi đã đi qua quãng đường hơn ba thập niên kiện tụng, không có gì cản trở ông đi tiếp hành trình đòi công lý của mình.
Chỉ khác là, hành trình sắp tới đây sẽ không còn sự chứng kiến của cha ông, người vừa qua đời hơn một tuần trước.
Nhưng dù sao trước khi qua đời, cha ông cũng đã kịp thấy được công lý cho con trai.