“Di sản” kinh tế của Biden có lợi hay không cho Kamala Harris ?

Đăng ngày: 30/07/2024

Từ khi thay Joe Biden ra tranh cử tổng thống, Kamala Harris từng bước định hình chính sách kinh tế. Dưới chính quyền Biden, kinh tế Hoa Kỳ đang trong một chu kỳ « thịnh vượng » sau đại dịch Covid, thất nghiệp đang ở mức thấp nhất, nhưng phần lớn trong công luận Mỹ « có cảm tưởng » là tình hình đang xấu đi và tin rằng Donald Trump mới là vị cứu tinh.

Kamala Harris bước vào cuộc vận động tranh cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 24/07/2024 tại Indianapolis, Hoa Kỳ.
Kamala Harris bước vào cuộc vận động tranh cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 24/07/2024 tại Indianapolis, Hoa Kỳ. AP – Darron Cummings

Chưa chính thức được đảng Dân Chủ chỉ định ra tranh cử tổng thống, nhưng gần như chắc chắn đương kim phó tổng thống Kamala Harris là người thay Joe Biden lao vào cuộc chạy đua giành chìa khóa Nhà Trắng. Bà sẽ đọ sức với ông Donald Trump bên đảng Cộng Hòa.

« Tất cả tùy thuộc vào thành quả kinh tế »,  đó là câu nói để đời của James Carville hồi 1992 khi ứng viên tổng thống Bill Clinton bên đảng Dân Chủ bất ngờ đánh bại tổng thống mãn nhiệm, một chính khách dày dặn kinh nghiệm bên đảng Cộng Hòa là George H. Bush, chỉ vì một năm trước bầu cử, thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã tăng mạnh. Khẩu hiệu của Carville năm xưa có còn tính thời sự nữa hay không và kinh tế có còn là ưu tiên hàng đầu khi cử tri Mỹ tháng 11/2024 chọn người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tới?

Bất mãn vì lạm phát

Nếu tranh cử tổng thống Hoa Kỳ là một cuộc chạy tiếp tức, thì ngày 21/07/2024, ông Biden đã chuyền « tín gậy » lại cho Kamala Harris vào lúc thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp nhất từ gần nửa thế kỷ nay. Lạm phát đang từ 9 % năm 2022 dưới tác động chiến tranh Ukraina đã được khống chế ở mức 3 %. Tổng sản phẩm nội địa tăng 3 %, cao gấp đôi so với của châu Âu. Chỉ số chứng khoán Wall Street đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác.

Dù vậy, từ hơn một năm nay, các thăm dò đều cho thấy dân Mỹ vẫn không hài lòng với những thành quả kinh tế dưới thời Biden: 45 % những người được hỏi « bất mãn vì chính sách nhập cư » của cặp bài trùng Biden–Harris ; 58 % « không tán đồng » chính sách kinh tế mang tên ông Biden. Tệ hơn nữa, 2/3 cử tri « nghĩ rằng » kinh tế Mỹ « tồi tệ hơn », đời sống của họ « chật vật hơn » so với thời tổng thống Trump, vì vật giá leo thang.

Năm 2022, giá nhu yếu phẩm đã tăng gần 11 % trước khi được khống chế còn 2,2 %.  Dân Mỹ cũng cảm thấy sức mua của họ bị sụt giảm: so với thời điểm ông Biden lên cầm quyền hồi tháng 1/2021, chỉ số giá cả tại Mỹ tăng 19,2 % trong khi lương trung bình chỉ tăng có 17%.

Chênh lệnh không nhiều, nhưng công luận vẫn cảm thấy bất công.

Trả lời tuần báo Express cuối tháng 2/2024, kinh tế trưởng quỹ đầu tư Carmignac của Pháp, ông Raphael Gallardo, nêu lên một nghịch lý của cử tri Hoa Kỳ:  Từ 2021 đến nay, thế giới phải đối mặt với ba cuộc xung đột vũ trang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, đó là chiến tranh Ukraina, xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza và những đợt tấn công của lực lượng Yemen Houthi  tại Hồng Hải, một trong những trục giao thương chủ yếu của thế giới… Nhưng dân Mỹ vẫn muốn « giá một lon Coca Cola phải được giữ nguyên như hồi năm 2020 », cho dù lương trung bình trong cùng thời kỳ đã tăng thêm 17 %.

Thêm một điểm lạ trong cách nhìn của dân Mỹ về kinh tế và quyền lợi,  được giới phân tích ghi nhận, là cho dù lạm phát tại Hoa Kỳ giờ đây đã rơi xuống còn 3 %, đối với đại đa số những người được hỏi, tỷ lệ đó vẫn là « từ 8 đến 10 % » tức là cao gấp đôi, gấp ba so với thực tế.

Mối lo « bị người nhập cư cướp việc làm »

Một yếu tố khác cho thấy chưa chắc kinh tế đã là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Hoa Kỳ. Theo nhiều cuộc thăm dò, chính sách nhập cư của tổng thống Biden là chủ đề số một gây bất mãn, trước cả những lo lắng của dân chúng về tăng trưởng kinh tế, lạm phát hay thất nghiệp.

Cũng kinh tế gia Gallardo lưu ý, công luận Mỹ không quan tâm đến việc nhờ có nguồn lực lao động nhập cư mà Hoa Kỳ tránh được tình trạng khan hiếm nhân công, để rồi giới chủ phải tăng lương cho nhân viên, qua đó gây lạm phát. Những nạn nhân chính, người lao động Mỹ, bị thiệt thòi.

Công luận chỉ trông thấy người nhập cư là một mối đe dọa « cướp » mất việc làm của người Mỹ. Phe ủng hộ ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa trông đợi rất nhiều vào hứa hẹn của Donald Trump, cắt giảm số người nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ và mạnh tay trục xuất các thành phần « bất hợp pháp » để bảo vệ 11 triệu công việc làm cho người Mỹ.

Năm 2016 nhà tỷ phú Donald Trump từng đắc cử nhờ 2 khẩu hiệu « America First » và « Make America Great Again », thuyết phục được những người bị tiến trình toàn cầu hóa bỏ rơi, những nạn nhân của hiện tượng « phi công nghiệp hóa ».

Bốn năm sau, đối thủ của ông bên đảng Dân Chủ Joe Biden chủ trương xây dựng lại một nền tảng công nghiệp mới cho nước Mỹ để thu hút trở lại thành phần cử tri đã dồn phiếu cho Trump. Thông tín viên của hãng tin Anh Reuters tại Nhà Trắng, Trevor Honeycut điểm lại một trong những vế quan trọng nhất trong chính sách kinh tế được gọi là Bidenomics :

« Joe Biden đã gây ngạc nhiên khi ông huy động một số người từng cộng tác với thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những đối thủ của ông trong các vòng bầu cử sơ bộ. Bà Warren có nhiều ý tưởng cấp tiến và trong nhóm làm việc với ông Biden cũng đã có không ít người muốn đem lại một số thay đổi, thí dự như trong chính sách cạnh tranh và cả về chính sách công nghiệp của Mỹ. Đội ngũ các cộng tác viên và cố vấn của ông Biden tin rằng Mỹ cần phát triển công nghệ bán dẫn, thúc đẩy ngành chế tạo bình điện cho xe hơi … Nhiều người đã phấn khởi trước viễn cảnh chính quyền Biden sẽ mang lại phúc lợi cho tầng lớp công nhân ».

Trong mục tiêu xây dựng lại một nền công nghiệp cho nước Mỹ với đạo luật IRA (Inflation Reduction Act), chính quyền Biden dành ưu tiên cho ngành sản xuất xe hơi và các tập đoàn trong ngành chế tạo chip điện tử, linh kiện bán dẫn. Thế nhưng, theo các thống kê của Washington, lực lượng lao động trong ngành công nghiệp tại Hoa Kỳ hiện là 13 triệu và tỷ lệ này vẫn không thay đổi so với hồi 2022.

Một chính xách xã hội quá xa lạ với công luận Mỹ

Vế thứ nhì quan trọng không kém trong chiến lược kinh tế của tổng thống Biden mang tính xã hội và thường được ví như một « New Deal » đời tổng thống Franklin Roosevelt.

Howard Schneider cũng của Reuters bên cạnh Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tán đồng tầm nhìn táo bạo của tổng thống Biden nhưng phóng viên này lấy làm tiếc là, do không có được đa số ở Hạ Viện, tổng thống Mỹ thứ 46 đã không áp dụng được chương trình của mình : 

«Về mặt chiến lược, thì rõ ràng là đã có quyết tâm đẩy mạnh mảng công nghiệp. Về phương diện xã hội, tôi thấy tổng thống Biden nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ nần cho sinh viên… tiếc là những nỗ lực đó không hoàn toàn thành công. Thế rồi, ông Biden cũng đã cố gắng giúp đỡ tầng lớp trung lưu. Chính sách đó không chỉ là bảo đảm cho những bà mẹ đơn thân có thu nhập thấp vẫn có điều kiện chu cấp cho con cái, hay tạo điều kiện để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các sinh viên phải đi vay để đóng tiền học, mà còn rộng hơn thế  nữa. Chính quyền Biden muốn đầu tư cho tương lại để những thế hệ trẻ không phải mang nợ suốt đời mà có thể yên tâm xây dựng cuộc sống một khi tốt nghiệp đại học » . 

Cho đến tận 100 ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ, biện pháp giảm thuế cho sinh viên Hoa Kỳ của chính quyền Biden vẫn là mục tiêu tấn công. Một phần chương trình mang tính xã hội của chính quyền Biden-Harris ngay từ đầu đã bị Hạ Viện bác bỏ, vì cho là quá tốn kém.

Ngân sách dự trù 1000 tỷ đô la để thay đổi bộ mặt của Mỹ đã bị giảm mất gần một nửa. Nửa còn lại, 500 tỷ đô la chủ yếu là để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong khitheo Laurence Nardon, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ bất mãn vì những bất bình đẳng quá lớn trong xã hội. Pierre André Chiappori giáo sư kinh tế đại học Columbia, cũng cho rằng đầu tư vào giáo dục là cần thiết vì đây là một nguyên nhân lớn dẫn tới bất bình đẳng xã hội.

Chính sách bảo hộ : Khác lọ cùng nước

Về chính sách ngoại thương, tổng thống Dân Chủ Joe Biden thực sự tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm. Samy Chaar kinh tế gia thuộc ngân hàng Lombard Odier nhắc lại : Biden tuy có những lời lẽ ngoại giao hơn với Bắc Kinh và đã tỏ thái độ « hợp tác với các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, nhưng ông không hề hủy các biện pháp đánh thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc mà chính quyền Trump đã ban hành ». Trái lại chính quyền Biden có những bộ luật bảo vệ người lao động Mỹ, để bảo đảm rằng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ phải được đối xử công bằng. 

Áp dụng một chính sách bảo hộ là một trong những mẫu số chung hiếm hoi giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Khác biệt duy nhất, theo chuyên gia kinh tế ngân hàng Lombard Odier là, như Biden, trong cương vị tổng thống, bà Kamala Harris sẽ không hành xử thô bạo như Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã không chỉ « trừng phạt » Trung Quốc đánh cắp việc làm của người lao động Mỹ, mà còn không nương nhẹ các đồng minh, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu.

Trước Đại Hội đảng Dân Chủ Chicago từ 19-22/08/2024, Kamala Harris đã lao vào cuộc vận động tranh cử và đang hé lộ dần chính sách kinh tế và xã hội.

Một số nhà quan sát ghi nhận: Harris tiếp tục con đường mà tổng thống Biden đã vạch ra, nhưng bà sẽ nhấn mạnh thêm một số điểm: trợ cấp gia đình để mỗi đứa trẻ ở Hoa Kỳ được nuôi dưỡng trong điều kiện tử tế, đó là điểm khởi đầu cho việc chấm dứt những bất bình đẳng và bất công trong xã hội.

Tạo điều kiện để người Mỹ được chăm sóc về y tế tốt hơn, đẩy mạnh vai trò của các công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động … sẽ là một vài mục tiêu mà ban vận động tranh cử của bà Harris đang nhắm tới. Đó là những mục tiêu khó hoàn thành. Kinh tế gia Raphael Gallardo trong bài trả lời phỏng vấn trên tuần báo l’Express nói đến mâu thuẫn của cử tri Hoa Kỳ : người Mỹ bất mãn vì bất công xã hội, nhưng dân biểu Mỹ thì lại liên tục chống đối các biện pháp về y tế hay giáo dục để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi người cùng thăng tiến. 

Trevor Honeycut

« Joe Biden đã gây ngạc nhiên khi ông huy động một số người từng cộng tác với thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong những đối thủ của ông trong các vòng bầu cử sơ bộ. Bà Warren có nhiều ý tưởng cấp tiến và trong nhóm làm việc với ông Biden cũng đã có không ít người muốn đem lại một số thay đổi, thí dự như trong chính sách cạnh tranh và cả về chính sách công nghiệp của Mỹ. Đội ngũ các cộng tác viên và cố vấn của ông Biden tin rằng Mỹ cần phát triển công nghệ bán dẫn, thúc đẩy ngành chế tạo bình điện sử dụng trong công nghiệp xe hơi … Nhiều người đã phấn khởi trước viễn cảnh chính quyền Biden sẽ mang lại phúc lợi cho tầng lớp công nhân ».

Howard Schneider :

« Về mặt chiến lược, thì rõ ràng là đã có quyết tâm đẩy mạnh mảng công nghiệp. Về phương diện xã hội, thì tôi thấy là tổng thống Biden nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ nần cho sinh viên… tiếc là những nỗ lực đó không hoàn toàn thành công. Thế rồi ông Biden cũng đã cố gắng giúp đỡ tầng lớp trung lưu. Chính sách đó không chỉ đơn thuần là bảo đảm cho những bà mẹ độc thân có thu nhập thấp vẫn có điều kiện chu cấp cho con cái hay tạo điều kiện để giảm nhẹ gắng nặng tài chính cho các sinh viên đã phải đi vay để đóng tiền học mà còn rộng hơn thế  nữa. Chính quyền Biden muốn đầu tư cho tương lại để những thế hệ trẻ không phải mang nợ suốt đời mà có thể yên tâm xây dựng cuộc sống một khi tốt nghiệp đại học » . 

Thanh Hà

Bài Liên Quan

Leave a Comment