Lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris trên sông Seine ngày 26/07/2024 vừa qua nhìn chung được đông đảo công chúng, có điều kiện theo dõi, đánh giá là thành công lớn. Tuy nhiên, việc một số màn trình diễn trọng tâm của sự kiện này gây sốc, gây phản cảm với không ít người, có thể phủ bóng lên sự kiện, trở thành cái cớ để bài bác, thậm chí phủ nhận hoàn toàn giá trị của chương trình nghệ thuật được coi là ‘‘chưa từng có’’ trong sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.
Đăng ngày: 30/07/2024
Ca ngợi việc chặt đầu nữ hoàng, bôi bác bức họa về Chúa Giê Su… ?
Lễ khai mạc gây phản ứng dữ dội trước hết trong nội bộ nước Pháp. Giới chính trị cực hữu là bên chỉ trích mạnh nhất. Tâm điểm bất bình là một hoạt cảnh bị lên án để bôi bác ‘‘Tiệc Ly’’ (Cène), bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê Su với các tông đồ. Nghị viên Châu Âu cực hữu Pháp Marion Maréchal khẳng định: ‘‘Tất cả những ai theo đạo Thiên Chúa trên thế giới khi xem lễ khai mạc này đều cảm thấy bị sỉ nhục bởi màn diễn lố bịch của các Drag Queen (các nghệ sĩ nam nhưng mang phong cách và ăn mặc nữ tính) với bức tranh Tiệc Ly, hãy biết rằng đây không phải là tiếng nói của nước Pháp, mà chỉ là của một thiểu số cực tả, đã không từ bất cứ hành động khiêu khích nào.’’
Ông Julien Odoul, phát ngôn viên Tập Hợp Dân Tộc (RN), đảng cực hữu lớn nhất nước Pháp, phẫn nộ coi lễ khai mạc là sự ‘‘hổ thẹn’’ đối với nước Pháp, và buổi khai mạc Thế Vận Hội đã ‘‘tàn phá văn hóa Pháp’’. Phát ngôn viên Tập Hợp Dân Tộc coi màn trình diễn của nữ danh ca Pháp Aya Nakamura, gốc Mali, với đội quân nhạc Vệ Binh Cộng Hòa là ‘‘thê thảm’’. Đích thân lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen trước lễ khai mạc đã lên án sự có mặt của nữ danh ca gốc Mali là một mưu đồ của tổng thống Emmanuel Macron nhằm ‘‘hạ nhục người Pháp’’.
Đông đảo chính giới và dân chúng hoan nghênh
Không chỉ phe cực hữu, mà cả trong hàng ngũ cánh hữu, cũng có những chỉ trích. Thượng nghị sĩ đảng Những Người Cộng Hòa LR Valérie Boyer tố cáo ‘‘việc dàn dựng lại cảnh chặt đầu hoàng hậu Marie-Antoinette, và nỗ lực bỉ báng người theo đạo Thiên Chúa’’.
Trên thực tế, đông đảo chính trị gia cánh hữu có tên tuổi hoan nghênh chương trình nghệ thuật của lễ khai mạc dưới sự chỉ đạo của Thomas Jolly. Chủ tịch vùng Hauts-de-France, Xavier Bertrand, khẳng định : Buổi lễ này ‘‘tái khẳng định lý tưởng nhân loại của nước Pháp, tính đa dạng và khả năng đoàn kết, điều làm nên sức mạnh của nước Pháp chúng ta.’’
Ngoài phe cực hữu và một bộ phận cánh hữu, tuyệt đại đa số các phe phái chính trị của nước Pháp đều hoan nghênh lễ khai mạc. Thủ tướng Gabriel Attal cùng tổng thống ca ngợi màn trình diễn ‘‘tay trong tay’’ của nữ danh ca gốc Mali với Vệ Binh Cộng Hòa trước cửa Viện Hàn Lâm Pháp như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết. Các chính trị gia cánh tả, như lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure, ca ngợi lễ khai mạc này là ‘‘câu trả lời phù hợp nhất đối với ảnh hưởng gia tăng của các lực lượng phát xít và cực hữu’’. Theo một thăm dò do Harris Interactive, tiến hành hôm 28/07, hơn 85% người Pháp coi lễ khai mạc là ‘‘thành công’’, chỉ có 5% cho là ‘‘thất bại hoàn toàn’’.
Tôn giáo và bài bác tôn giáo: Cuộc đối đầu không khoan nhượng ?
Màn trình diễn trong hoạt cảnh thứ tám ‘‘Festivité’’ (tạm dịch là Hoan lạc), được coi là có liên quan đến bức họa’ ‘Tiệc Ly” nổi tiếng về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê Su, với 12 vị thánh tông đồ, là tâm điểm của bất đồng. Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), ngay hôm sau đã ra một thông báo, một mặt khẳng định Lễ khai mạc đã thành công trong việc ‘‘mang lại cho toàn thế giới những khoảng khắc tuyệt mỹ, hân hoan, phong phú về cảm xúc và được tất cả hoan nghênh’’, nhưng đã cực lực chỉ trích những cảnh mà Hội đồng Giám mục cho rằng đã được dàn dựng với mục tiêu ‘‘nhạo báng và xúc phạm đạo Thiên Chúa’’, cho dù không nêu đích danh hoạt cảnh ‘‘Hoan lạc’’. Hội đồng Giám mục Pháp cũng bày tỏ lời cảm ơn ‘‘các tôn giáo bạn cùng tỏ tình đoàn kết’’ về vấn đề này.
Về phản ứng quốc tế, theo một số nhà quan sát, việc lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris đã bị kiểm duyệt một phần tại một số nước, và việc video về lễ khai mạc chỉ có thể được truy cập ở một số nơi rất có thể liên quan đến các bất bình do những màn trình diễn gây sốc, nhưng cũng có thể do vấn đề bản quyền.
Hội hè thời Hy Lạp cổ đại và tinh thần Olympic bất diệt
Việc một số màn trình diễn trong lễ khai mạc bị lên án, chỉ trích, cũng là một dịp để nhà chỉ đạo nghệ thuật Thomas Jolly lên tiếng. Trả lời BFMTV hôm 28/07, Thomas Jolly hoàn toàn bác bỏ việc hoạt cảnh ‘‘Hoan lạc’’ lấy cảm hứng từ bức họa về Chúa Giê Su của Leonardo da Vinci. Ông cũng không lấy ý tưởng từ bức tranh ‘‘Bữa tiệc Thần thánh’’ đầu thế kỷ 16 của danh họa Hà Lan Jan Harmensz van Biljart, như nhiều người khẳng định.
Đạo diễn lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris nhấn mạnh mục tiêu của toàn bộ sự kiện nghệ thuật này trước hết là nhằm ‘‘để sửa chữa, để hòa giải. Để tái khẳng định các giá trị của nền Cộng Hòa Pháp”, ‘‘không nhằm đả kích, hay phỉ báng bất cứ ai’’. Thomas Jolly vén lộ ý nghĩa của việc ca sĩ Philippie Katerine xuất hiện người phủ sắc xanh gần như khỏa thân trên bàn của ‘‘Bữa tiệc’’: Đó là hình tượng Dionysos, vị thần Hy Lạp thời cổ đại, biểu tượng của hội hè, của rượu vang. Hình tượng này được đưa ra để gắn chặt tinh thần hội hè dân dã với các vị thần của đỉnh Olympia huyền thoại, cội nguồn của tinh thần Thế Vận Hội, tinh thần Olympic.
Thomas Jolly cũng khẳng định hoàn toàn không có việc ngợi ca máy chém thời Cách mạng hành quyết vợ vua Louis XVI. Ông nói: ‘‘Thật rất đáng tiếc’’, nếu ai đó sử dụng các màn trình diễn trong lễ khai mạc này để ‘‘gây chia rẽ, gây thù hận’’. Theo một số nhà nghiên cứu nghệ thuật, màn trình diễn liên quan đến hoàng hậu Marie-Antoinnette đã được xử lý một cách tinh tế, vợ vua Louis XVI với chiếc thủ cấp trong tay có thể khiến người xem liên tưởng đến các vị thánh Công Giáo tử đạo.
Cảm hứng từ nữ thần sông Seine và thách thức tồn vong của nhân loại
Những tình tiết gây sốc, gây tranh luận dữ dội có phần che khuất một mạch ngầm đầy chất thơ trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Tiếp theo hoạt cảnh thứ tám ‘‘Hoan lạc’’ và hoạt cảnh thứ chín ‘‘Obscurité/ Đêm tối’’, hoạt cảnh thứ 10 mở đầu với cảnh một kỵ sĩ bí ẩn mang lá cờ Thế Vận Hội cưỡi trên ngựa trắng.
Theo Thomas Jolly, người kỵ sĩ bí ẩn mang cờ Thế Vận Hội chính là ”hóa thân của Sequana, nữ thần sông Seine”, con sông mẹ đối với người Gaulois, dân bản địa ở nước Pháp thời cổ đại. Sequana là con gái thần Dionysos. Để trốn khỏi sự truy đuổi của thần biển độc ác, cô đã biến thành nữ thần sông Seine. Sequana được người Gaulois tôn thờ như vị phúc thần mang lại may mắn.
Điểm nhấn của hoạt cảnh thứ 9 là những giai điệu toát lên nỗi lo hãi của giới trẻ trước đại thảm họa khí hậu cận kề. Ca khúc ‘‘Imagine’’ mang hy vọng, khát vọng hòa bình, của John Lennon được xướng lên trong màn đêm bịt bùng, trên một ốc đảo cô đơn. Kỵ sĩ mở đầu cho hoạt cảnh thứ 10 ‘‘Solidarité/Đoàn kết’’, vượt qua đêm tối, đe dọa trập trùng, để mang đến công chúng tinh thần Thế Vận Hội. Đây chính là thông điệp cốt lõi của lễ khai mạc Olympic Paris, mà các màn trình diễn gây sốc, gây phản đối dữ dội nói trên, có thể che khuất, nhưng ngược lại, cũng có thể giúp làm sáng tỏ hơn.