30 tháng 7 2024
Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam khi liên tiếp làm tổng bí thư ba nhiệm kỳ chưa từng có tiền lệ thì cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng được coi là nhân vật quyền lực số 1 trước thềm Đại hội 12.
Một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội nói với BBC rằng, từ sau Đại hội 12 vào tháng 1 năm 2016, quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng gia tăng khi loại trừ thành công đối thủ chính trị lớn nhất – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Việc loại trừ Thủ tướng Dũng không chỉ giúp Đảng giành lại quyền lực từ tay chính phủ mà còn là phát súng khai hỏa chiến dịch chống tham nhũng, chống xa rời lý tưởng và chống diễn biến trong nội bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một cơ quan mà ông Dũng đã thao túng suốt nhiều năm.”
Thời kỳ Đảng Cộng sản suy yếu
Trước Đại hội Đảng 2016, bức tranh chính trị Việt Nam dường như có dấu hiệu ly khai khi quyền lực của chính phủ trở nên mạnh hơn, từ thời ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải và đỉnh điểm là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền từ năm 2006-2016 và ông thực sự được giới quan sát chính trị, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là nhân vật quyền lực số 1.
Năm 2015, trước thềm Đại hội 12, trên trang Nghiên cứu quốc tế, tác giả Lê Hồng Hiệp từng nói về sức ảnh hưởng của ông Dũng đến Ban chấp hành Trung ương là rất lớn, khi mô tả cơ quan này “phần đông bao gồm các quan chức thuộc chính phủ và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh thành, những người mà quyết định bổ nhiệm của họ đều được đưa ra hoặc chịu nhiều tác động bởi ông Dũng”.
“Ông Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước đến các chính quyền địa phương cũng như mối quan hệ tốt giữa ông và giới doanh nghiệp. Ông còn có ưu thế đối với Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông từng giữ chức thứ trưởng),” Tiến sĩ Hiệp viết.
Còn ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), từng nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Văn phòng Chính phủ, bao gồm cả cố vấn cho thủ tướng, đã trở nên quyền lực hơn phe đảng về mặt chính sách, ngân sách và nguồn nhân lực.
“Trước Đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiều Ban Đảng song song với các bộ trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Theo thời gian, số lượng các ban này phải giải thể và sáp nhập. Quyền lực của thủ tướng mở rộng đến các tỉnh do ông kiểm soát ngân sách của họ và Đảng thất thế.”
Nhiều ban Đảng đã phải giải thể hoặc sáp nhập và nhiều ứng cử viên do Trung ương Đảng sắp xếp về làm bí thư thành ủy các thành phố lớn đều thất cử.
Trong cuốn hồi ký mang tên Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam (Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2017 Ted Osius viết về cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2015 và nhận định ông Dũng là người “đứng trên chóp kim tự tháp chính trị của Việt Nam được một thập niên, là nhân vật quyền lực thực thụ tại Việt Nam sau Tổng Bí thư Lê Duẩn”.
Một nhà quan sát chính trị giấu tên nhận định với BBC:
“Nền chính trị Việt Nam có dấu hiệu ly khai của các phe phái khi Đảng suy yếu: phe chính phủ, phe quân đội, phe công an và thế lực chính quyền địa phương. Mô hình xã hội chủ nghĩa bị đe dọa, có nguy cơ sụp đổ nên ông Trọng – người mang sứ mệnh then chốt là xây dựng Đảng – phải có nhiệm vụ thâu tóm quyền lực về lại tay Đảng.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Ngoài vấn đề quyền lực nằm trong tay chính phủ thì cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó cũng là một mối lo ngại.
Theo lời nhận định của Giáo sư Carl Thayer, cựu Thủ tướng Dũng là chính trị gia “Việt Nam là trên hết” chứ không phải “Đảng là trên hết” như ông Trọng.
Cựu nhân viên ngoại giao David Brown nói với BBC rằng, ông Dũng có “tính cách và nhân sinh quan rất khác biệt với ông Trọng và ông Trọng đã từng cảnh báo: chính ông Dũng và những thân hữu vô kỷ cương của ông ta đang làm suy yếu tính chính danh của Đảng”.
Tính chính danh ở đây tức là niềm tin của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, rằng Đảng xứng đáng cầm quyền vì Đảng có câu trả lời chính xác cho những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt thời điểm đó.
“Ông Trọng, lúc bấy giờ đang trong nhiệm kỳ tổng bí thư đầu tiên, đã rất tức giận trước thái độ bàng quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các thông tin về chuyện lem nhem của thuộc cấp. Ông Dũng đáp lại bằng cách phớt lờ các chỉ thị của Bộ Chính trị mà ông không ưa và vào năm 2015 đã vận động để thay thế ông Trọng ở vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông David Brown viết trên tờ Asia Sentinel.
Một nhà quan sát chính trị giấu tên nói với BBC rằng ông Trọng là một lãnh đạo quan liêu cộng sản điển hình, “tức ngoài Đảng ra, không có trời, không có đất”. Đảng thống lĩnh, lãnh đạo tuyệt đối với ông Trọng là một hằng số không thể thay đổi nên ông ta luôn nỗ lực loại bỏ những mối đe dọa làm xói mòn quyền lực của Đảng.
Theo người này, mối đe dọa trước hết ở đây là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhất là khi ông Dũng – người có sức hút và phong thái của một lãnh đạo – đã thể hiện chủ nghĩa cá nhân quá mức giữa hệ thống chính trị mà cốt lõi là tập thể lãnh đạo.
Ngoài ra, các chuyên gia, trong đó có Giáo sư Carl Thayer, còn cho rằng ông Dũng đã phớt lờ nạn tham nhũng và để các doanh nghiệp bành trướng. Ông Dũng còn tỏ ra thân Mỹ và chống Trung Quốc.
Tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở Biển Đông, Thủ tướng Dũng đã phát biểu: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” – một câu nói đã làm phật lòng “người anh em cộng sản”.
“Và việc ông Dũng để cho con gái mình là bà Nguyễn Thanh Phượng lấy doanh nhân Việt kiều Nguyễn Bảo Hoàng, con trai một sĩ quan chế độ cũ, cũng gây nhiều lo ngại. Những đồng chí trong Đảng sợ ông Dũng thân Mỹ, gây căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc sẽ dẫn đến bất ổn chính trị cho Việt Nam,” một nhà quan sát chính trị nói với BBC.
Đại sứ Ted Osius viết trong hồi ký của mình với sự đánh giá cao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những đổi mới:
“Vị thủ tướng này đã từng sẵn sàng mạo hiểm trong quá khứ khi xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với Hoa Kỳ và những ván bài đó đã cho kết quả, nhất là vào năm 2014 khi Trung Quốc uy hiếp Việt Nam bằng cách đặt một giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam. Những ủy viên Bộ Chính trị chống một mối quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ hiện đang ngày một lép vế.
“Ông Dũng chứng minh rằng ông đã đúng trong việc phát triển quan hệ với một cường quốc ở xa để cân bằng với kẻ sát kề biên giới Việt Nam,” ông Osius viết trong hồi ký.
Vị đại sứ cũng viết rằng ông Dũng khao khát đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên đầu tiên của TPP, vì theo ông Dũng, TPP tốt cho các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vì nó sẽ ngăn Trung Quốc khóa cứng tương lai nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, trong đó có ông David Brown, nhận định rằng có lẽ chính những đổi mới và việc xích lại gần Mỹ của ông Dũng khiến nhiều người trong Trung ương Đảng e ngại:
“Hơn nữa, ông Dũng là một người có đầu óc thực dụng khi nói đến những mục tiêu của Trung Quốc, tôi cho rằng, ông ta ít ôm mộng về chủ nghĩa cộng sản và thiên về chủ nghĩa thực dụng hơn (điều mà ông Trọng gọi là ‘tự diễn biến’).”
Nhà quan sát giấu tên nói với BBC rằng, với việc chính phủ cầm quyền và Thủ tướng Dũng trở thành nhân vật quá quyền lực, ông Trọng đã khai hỏa chiến dịch đốt lò và nhiều người cho rằng, đây không chỉ là cuộc chiến thanh lọc những quan tham, những người (đa phần dưới trướng ông Dũng) chệch khỏi đường lối mà nó một phần trong chiến dịch lớn hơn – để xây dựng Đảng theo khuôn mẫu mà ông Trọng cho là lý tưởng.
“Chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi các cơ cấu như chính phủ, quân đội, công an và chính quyền địa phương có xu hướng ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng.”
Nước cờ của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng
Nhiều học giả, nhà báo, giới quan sát phương Tây cũng nhận định rằng kết quả của Đại hội 12 thực sự là một màn “lật ngược thế cờ” khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vị trí quyền lực của mình.
Sự “cao tay” của vị giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng lại không chỉ nằm trong những ngôn từ phừng phực lửa về chiến dịch đốt lò mà còn nằm ở những quy định mà ông đã khôn khéo lồng ghép để Ban Chấp hành Trung ương Đảng duyệt.
Để hiểu về ông Trọng, không thể bỏ qua việc ông là giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng và ông thực sự đã dùng chính thế mạnh của mình để loại đối thủ số 1 trước Đại hội 12 năm 2016 là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cụ thể, ông Trọng đã lồng ghép vào Quyết định 244-QĐ/TW những điều để có thể gạt ông Dũng ra ngoài. Quyết định 244 do chính ông ký vào năm 2014 và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng. Trong đó, Điều 13 nêu rằng:
“Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”
Giáo sư Carl Thayer giải thích với BBC vào thời điểm đó:
“Ông Trọng đã thắng thế nhờ vào việc thay đổi các nghị quyết khiến cho ông Dũng không thể nào tự ứng cử vào chức vụ cao hơn. Với quy định mới, ông Dũng phải chấp nhận danh sách các ứng cử viên được Ban Chấp hành Trung ương Đảng duyệt và được Bộ Chính trị thông qua.”
Nhà quan sát chính trị giấu tên thì kiến giải thêm với BBC rằng ông Trọng khi đó đã thuyết phục thành công Bộ Chính trị để loại ông Dũng khỏi danh sách đề cử, như cách ông đã làm khi cố gắng kỷ luật ông Dũng vào Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2012.
Thời điểm đó, ông Trọng đã thông báo Bộ Chính trị bỏ phiếu nhất trí kỷ luật “một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”, không nêu đích danh.
Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng – đã quyết định không kỷ luật người này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi nhân vật này là “đồng chí X” và sau đó công chúng biết được đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Quay trở lại Đại hội Đảng 12 – kỳ bầu cử được đánh giá là kịch tính nhất. Thủ tướng Dũng đã không nằm trong danh sách do Trung ương đề cử nhưng ông Dũng lại được đoàn đại biểu “giới thiệu thêm” ngoài danh sách và là người nhận được nhiều đề cử nhất.
Tuy nhiên, Quy chế bầu cử 244 mà ông Trọng đã ký thì ghi rõ rằng, tất cả ủy viên trung ương khóa 11, nếu không được Trung ương Đảng giới thiệu tái cử, thì tới Đại hội 12, dù được đại biểu các đoàn giới thiệu tiếp, thì cũng phải từ chối.
Cuối cùng, ông Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung. Không rõ lý do ông Dũng rút tên vào phút 89 nhưng trong hồi ký của mình, Đại sứ Ted Osius viết rằng ông Dũng đã xoay xở để có được những lời đảm bảo rằng gia đình ông không phải lãnh hậu quả:
“Ngay trước Đại hội Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị phế truất, bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị trong một loạt thủ đoạn hậu trường. Vị tổng bí thư lặng lẽ và ít tiếng tăm Nguyễn Phú Trọng gây ngạc nhiên cho hầu hết các nhà quan sát với các nước đi của ông.
“Ông Dũng hẳn cũng ngạc nhiên như mọi người. Là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, ông đã xoay xở để có được những sự đảm bảo rằng gia đình của ông sẽ không phải lãnh hậu quả. Ông thoái về miền Nam và ông Trọng bắt đầu loại ra khỏi Đảng bất kỳ ai mà ông coi là quá trung thành với ông Dũng.
“Một sự xoay chuyển chính trị chấn động đã diễn ra, và một lần nữa Đảng, chứ không phải chính phủ, nắm quyền kiểm soát một cách vững chắc tại Việt Nam,” ông Osius viết.
Đại hội 12 đã chính thức kết thúc sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và quyền lực lần nữa về tay Đảng.
Trong phiên họp Quốc hội cuối cùng, phát biểu với tư cách là thủ tướng trước khi về hưu vào tháng 4/2016, ông Dũng đã nhắn nhủ: “Chúc các đồng chí và chúc tôi luôn, kỳ này nghỉ chính sách ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế.”