RFA
2024.07.31
Lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.
Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài trong bảy tháng đầu năm 2024 là 89.874 lao động, đạt gần 72% kế hoạch năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết tin trên trong ngày 30/7 tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ở Hà Nội. Truyền thông Nhà nước loan trong cùng ngày.
Theo ông Hoan, đây là điểm sáng bởi với số lượng lao động trên đã đưa kế hoạch năm của ngành lên con số trên 70%. Tuy nhiên, ông Hoan nói, vấn đề hết sức nhạy cảm đó là cuối năm 2023 có hơn 46.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài và hơn 3.000 lao động sang Hàn Quốc không về nước, mặc dù trước đó có tiền ký quỹ.
Nói về việc xử lý lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, ông Phạm Viết Hương – Phó cục trưởng Cục lao động ngoài nước, cho biết, hai chính chủ Việt Nam và Hàn Quốc đã họp và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục như tăng cường giáo dục nhận thức để người lao động hiểu quyền lợi và trách nhiệm của việc phải thực hiện đúng điều khoản trong hợp đồng lao động. Và thực hiện việc ký quỹ, trong trường hợp bỏ ngang hợp đồng thì bị xử lý khoản tiền ký quỹ đó.v.v.
Theo ông Phạm Viết Hương, cứ hai năm một lần, Việt Nam và Hàn Quốc nước lại ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS). Biên bản này nhằm rà soát và góp phần giảm thiểu số lượng lao động bỏ trốn xuống đáng kể qua các năm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Trong năm 2023, Việt Nam đã đưa được 11.626 lao động sang thị trường này. Với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 – 2.000 USD/tháng.
Tuy vậy, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, có hơn ba ngàn lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Với thị trường Nhật Bản, theo ông Hương, tỷ lệ lao động bỏ trốn đã giảm dần.