Theo số liệu gần đây nhất của Phòng Thương mại Paris, thủ đô Pháp và vùng phụ cận hiện có khoảng 25.000 hàng quán, trong đó có gần 13.500 nhà hàng, 7.800 tiệm bán thức ăn nhanh và khoảng 3.200 quán cà phê. Tuy nhiên, trong một thập niên qua, số quán cà phê truyền thống đã giảm đi gần một nửa. Thay vào đó, đang có trào lưu mở các coffee shop với lối thiết kế trẻ trung, tân thời.
Đăng ngày: 01/08/2024
Theo báo kinh tế Les Echos, mặc dù vẫn còn khá đông tại Pháp các quán cà phê truyền thống (thường được gọi là café de quartier) hiện đang bị cạnh tranh gay gắt. Cũng như các tiệm bánh mì, các quán cà phê truyền thống thường nằm ở đầu ngõ phố và chuyên phục vụ khách hàng (đa phần là khách quen) sống trong cùng một khu vực.
Về phía coffee shop, dù hoạt động độc lập hay trực thuộc của một chuỗi cửa hàng nổi tiếng, các quán này chuyên bán nhiều loại cà phê và một số món ăn đi kèm. Trào lưu coffee shop đang phát triển mạnh ở Pháp : ban đầu ở trung tâm các vùng đô thị lớn rồi từ đó lan rộng ra nhiều thành phố khác.
Gần một nửa quán cà phê ở Paris là coffee shop
Bắt nguồn từ các nước Anh, Mỹ, các coffee shop phục vụ đủ loại cà phê, trong khi các quán truyền thống chỉ phục vụ vài loại thức uống thông dụng nhất như expresso, cà phê pha loãng (americano), cappuccino hay cà phê crème … Ngược lại, trên thực đơn của các coffee shop đôi khi có đến hàng chục loại cà phê nhập khẩu, với rất nhiều kiểu pha khác nhau (kể cả nóng và lạnh), từ cappuccino, macchiato, latte hay affogato, cho đến cà phê mocha, vani, hạt dẻ, cà phê Vienna, Ireland hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cà phê sữa flat white theo kiểu Úc.
Đó là trường hợp của chuỗi cửa hàng ”Terres de Café”, được thành lập tại Pháp vào năm 2009 và hiện có đến 9 cửa hàng ở Paris và vùng phụ cận. Mùa hè năm nay, ”Terres de Café” mở thêm một chi nhánh ở thành phố Lille, sau khi khánh thành trong năm qua hai cửa hàng ở Thụy Sĩ và Hàn Quốc. Theo anh Nicolas Nouchi, giám đốc điều hành công ty tư vấn ”Strateg’eat” (kết hợp hai chữ ”chiến lược” kinh doanh và cửa hàng ”ăn uống”), trước nhu cầu của người tiêu dùng, ngành coffee shop đang trên đà phát triển mạnh, có rất nhiều doanh nhân trẻ đang lao vào khai thác thị trường này. Từ những tiệm nhỏ chủ yếu bán hàng để mang đi, cho đến những cửa hàng sang trọng hơn, có lối trang trí ngoạn mục, cầu kỳ, thị trường vẫn còn nhiều chỗ để khai thác.
Về phần mình, các chuỗi tiệm cà phê nổi tiếng như Starbucks (480 cửa hiệu tại Pháp) hay Columbus Café (250 điểm bán hàng) có tham vọng nhân gấp đôi số cơ sở hoạt động trong vòng 5 năm tới. Doanh thu của hai công ty này đạt gần 400 triệu euro trong năm 2023, tăng 12% so với năm trước. Theo công ty tư vấn Food Service Vision, tỷ lệ tăng trưởng 12% cao hơn doanh thu của các chuỗi cửa hàng khác (thêm 8%) cũng chuyên về dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, hiện nay có đến 1.400 coffee shop tại Paris và vùng phụ cận, tức đã tăng thêm 20% so với cách đây 4 năm.
Nhu cầu tiêu dùng của thế hệ mới đã thay đổi
Theo Les Echos, các quán coffee shop đang trở nên thịnh hành là vì cung cách tiêu dùng của thế hệ mới đã thực sự thay đổi. Các quán coffee shop không chỉ là nơi hẹn hò, gặp nhau trò chuyện, không chỉ đơn thuần phuc vụ cà phê và thức giải khát, mà còn là một không gian để làm việc hay để thư giãn (đọc sách, nghe nhạc hay xem phim). Đi theo một trào lưu chung trên thế giới, cung cách làm việc đã thay đổi, ngoài các du mục thời công nghệ số (digital nomad) còn có chế độ làm việc từ xa, sự gia tăng của các nghề kinh doanh tự do.
Đối với những ai thích sự độc lập, làm việc không cần phải có một văn phòng cố định, các quán coffee shop mang đến cho họ một môi trường thuận lợi, hay vì một lý do nào đó họ không thể làm việc ở nhà. Cuối cùng và cũng quan trọng không kém là lối thiết kế thẩm mỹ, phù hợp với những bạn trẻ luôn kết nối với mạng Instagram: Các quán cà phê đời mới ở Paris thường nổi bật với lối trang trí tinh tế, trang nhã, trở thành những địa điểm ”ăn ảnh” được người dùng các mạng xã hội đặt biệt ưa chuộng.
Thế hệ thanh niên thời nay (ở lứa tuổi 18-35) có lối tiêu dùng khác hẳn với thế hệ cha chú. Giới trẻ ít lui tới các quán cà phê ”đầu ngõ” gần nhà, khác với những người lớn tuổi. Thanh niên Pháp thời nay thấm nhuần văn hóa Mỹ và thường hay mua đồ uống (kể cả cà phê) mang đi, trong khi thế hệ trước lại không có thói quen này. Chuyện bán đồ ăn thức uống mang đi làm tăng thêm doanh thu các coffee shop thay vì quán cà phê truyền thống.
Trước thành công ấy, nhiều cửa hiệu ban đầu không chuyên phục vụ cà phê (đủ loại) cũng lao vào cuộc chạy đua. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng bánh mì và bánh ngọt Paul đang đa dạng hóa các dịch vụ ăn uống, tăng thêm số điểm bán hàng với bảng hiệu ”Paul Le Café”. Tại thành phố Narbonne, chuỗi cửa hàng bánh mì Ange cũng vừa khai trương quán coffee shop đầu tiên. Còn tại Paris, cửa hàng Ladurée chuyên bán bánh hạnh nhân macaron, cũng vừa khánh thành một quán chuyên bán cà phê kèm với bánh ngọt. Các tiệm bánh vốn đã có sẵn không gian để phục vụ, chỉ cần trang bị các loại máy pha cà phê và các thức uống nóng khác.
Có nhiều yếu tố giải thích cho sự thành công này, nhưng quan trọng nhất vẫn là người tiêu dùng ở Pháp thích uống các loại cà phê ngon. Từ khi mỗi hộ gia đình sắm ở nhà loại máy pha với cà phê viên nén, họ vẫn thích uống ở nhà hơn là ra ngồi ở quán cà phê ”đầu ngõ”. Khi mở coffee shop, các chủ quán thường nhắm vào hai yếu tố: thiết kế đẹp mắt để được lên mạng Instagram và phục vụ nhiều loại cà phê từ trung bình đến cao cấp. Nếu hài lòng, khách vẫn có thể mua một gói cà phê rang sẵn, đem về nhà.
Sự phát triển mạnh của các coffee shop cũng đe dọa các quán cà phê truyền thống. Khi chủ quán về hưu, chưa chắc gì chủ mới sẽ giữ y như cũ. Có nhiều khả năng quán cà phê truyền thống được tân trang thành một địa điểm thời thượng hơn. Hiện tượng coffee shop cũng dần thay đổi diện mạo của một số dãy phố Paris. Ở khu vực trung tâm (chẳng hạn như phố Marais) có rất nhiều cửa hiệu thời trang và quán coffee shop nằm san sát nhau, trong khi các hiệu thuốc tây hay các quầy bán sách báo hầu như đã biến mất. Nhưng đó lại là một chuyện khác.