Sát hại thủ lĩnh Hamas Ismaïl Haniyeh : Hết hy vọng tái lập hòa bình cho Gaza ?

Lãnh đạo chính trị Hamas Ismaïl Haniyeh bị sát hại hôm 31/07/2024 ngay tại thủ đô tại thủ đô Teheran đẩy Cận Đông gần kề chiến tranh. Phong trào Hồi Giáo Palestine mất đi một « nhà ngoại giao ôn hòa ». Tiến trình đàm phán về một thỏa thuận cho Gaza có thể tiếp diễn khi trưởng đoàn đàm phán của Hamas đã bị sát hại ? Ismaïl Haniyeh là ai ? Cái chết của nhân vật này liệu có là cái cớ để phe « diều hâu » của phong trào Hamas đi đến cùng ?

Đăng ngày: 01/08/2024

Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh (trái) hội kiến lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei tại Teheran. Ảnh tư liệu ngày 26/03/2024.
Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh (trái) hội kiến lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei tại Teheran. Ảnh tư liệu ngày 26/03/2024. AP

Thanh Hà

Israel không lên tiếng nhận là tác giả, nhưng vụ Ismaïl Haniyeh bị ám sát ngay trên lãnh thổ Iran bị coi là một hành vi « khiêu khích » nhắm vào cỗ máy an ninh của Teheran. 

Ismaïl Haniyeh, một tiếng nói ôn hòa ?

Cho đến ngày 30/07/2024, Ismaïl Haniyeh « nắm giữ chìa khóa các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza » dưới sự bảo trợ của Mỹ, Qatar và  Ai Cập. Ông trực tiếp can thiệp vào hồ sơ trao trả tù nhân Palestine để đổi lấy sinh mạng cho các con tin Israel bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 07/10/2023.

Haniyeh sinh năm 1963 trong trại tị nạn Al Shati, một trong những ngôi làng nghèo nhất ở Gaza. Gia đình ông phải đến Gaza định cư từ năm 1948 do mảnh đất họ sinh sống đã bị quân đội Israel chiếm đóng.

Năm 25 tuổi, Ismaïl Haniyeh là một trong những sáng lập viên phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas trong bối cảnh cuộc chiến ném đá Intifada lần thứ nhất. Nhiều lần bị Israel bắt giữ trước khi được trục xuất sang Liban, năm 1993 Ismaïl Haniyeh trở về Gaza, trở thành cánh tay mặt của thủ lĩnh Hamas Ahmed Yassine. Nhân vật này đã bị quân đội Israel triệt hạ năm 2004.

Đến 2006, Ismaïl Haniyeh được Cơ Quan Quyền Lực Palestine chọn làm thủ tướng sau chiến thắng bất ngờ của phong trào Hamas trong cuộc bầu cử lập pháp. Ông đã chủ trương « đối thoại » để thành lập một nhà nước Palestine bao gồm vùng Cisjordanie và Gaza với thủ đô được đặt tại Jerusalem.

Đây là điều « đi ngược lại với chủ trương của Hamas », vì vậy vào năm 2007 Ismaïl Haniyeh bị truất quyền thủ tướng. Hamas và chi nhánh Fatah thuộc Cơ Quan Quyền Lực Palestine trong thế đối đầu. Phải đợi 10 năm sau, Ismaïl Haniyeh mới được chỉ định điều hành nhánh « chính trị » của phong trào và từ 2019 ông sống lưu vong, khi thì ở Qatar, lúc thì ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quyền lực chính trị tại dải Gaza  rơi vào tay Yahya Sinwar, người được coi là « đầu não » loạt tấn công trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023. Theo một số nguồn tin thông thạo, dường như Ismaïl Haniyeh đã « không được thông báo trước » về kế hoạch khủng bố táo bạo này.

Kế thừa vai trò lãnh đạo chính trị ? 

Câu hỏi kế tiếp, ai sẽ là người kế thừa sự nghiệp của thủ lĩnh chính trị Hamas ? Trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, phong trào Hồi Giáo Palestine có nguy cơ trở nên « cực đoan hơn » .

Hiện tại có hai gương mặt được coi là có triển vọng ngồi vào chiếc ghế « lãnh đạo chính trị Hamas ». Người thứ nhất là Moussa Abou Marzouk, chủ trương « chấp nhận đường biên giới cho một Nhà nước Palestine tương lai theo quy định của năm 1967 » và đã nhiều lần đại diện cho phong trào trong các cuộc đàm phán với Israel. Nhưng lập trường « ôn hòa » này không phải là quan điểm của đa phần trong hàng ngũ Hamas.

Người thứ nhì là ông Khalil Al Haya, có lập trường chủ chiến và là tai mắt của thủ lãnh vũ trang Hamas.

Sáng nay 01/08/2024 Israel xác nhận đã « triệt hạ » thủ lĩnh vũ trang Hamas, Mohammed Deif, « một trong những tác nhân chính » loạt khủng bố tấn công hôm 07/10 năm ngoái » sát hại hàng trăm người Do Thái và bắt giữ làm con tin hàng trăm người.

Tất cả những thông tin nói trên khiến gia đình hơn 100 con tin Israel trong tay Hamas lo lắng hơn bao giờ hết.

Báo Israel The Jerusalem Post ngay hôm 31/07 xem vụ ông Ismaïl Haniyeh bị sát hại mà một « biến cố trọng đại » ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của phong trào Hồi Giáo Palestine và sẽ tác động trực tiếp đến xung đột ở Gaza. Tờ báo này lo ngại kế hoạch Hudna « thiết lập tình trạng tạm ngừng xung đột một cách lâu dài với Israel » đã vĩnh viễn bị chôn vùi.

Dù vậy không ít người nêu lên câu hỏi lãnh đạo chính trị Hamas Ismaïl Haniyeh có thực là « một tiếng nói ôn hòa » của phong trào Hồi Giáo Palestine hay không. Nhìn từ Israel, câu trả lời có lẽ là không, vì ông là một trong những người vận động mạnh mẽ đưa Hamas vào quỹ đạo của Teheran. Việc Ismaïl Haniyeh đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Iran Massoud Pezeshkian là một bằng chứng cụ thể …

Israel thách thức an ninh Iran

Cho đến sáng nay, 01/08/2024, Israel vẫn chưa lên tiếng về vụ thủ lĩnh chính trị Hamas bị sát hại trong một khu nhà được cho là an toàn nhất ở thủ đô Teheran. Nhưng giới quan sát đồng loạt cho rằng đây có thể là « giọt nước làm tràn ly » sau một loạt những căng thẳng trong những tháng gần đây giữa Iran với Nhà nước Do Thái.

Cách nay hai ngày, quân đội Israel đã tiến hành một đợt oanh kích gần Beyrouth thủ đô Liban để trừ khử một thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah –Liban, thân Iran. Báo Mỹ New York Times xem việc một lãnh đạo Hamas bị sát hại trên lãnh thổ Iran là hành vi « trực tiếp » khiêu khích cỗ máy an ninh và tình báo của quốc gia Hồi Giáo này. Vài giờ trước khi bị sát hại, Ismaïl Haniyeh đã hội kiến giáo chủ Khamenei. Tờ báo này cho rằng vụ một khách mời quan trọng của chế độ Iran bị sát hại tại thủ đô Teheran để lộ « những kẽ hở về an ninh và kể cả trong việc bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran ». Đó là kịch bản mà có lẽ các giới chức Iran không muốn tái diễn.

Giáo sư Vali Nasr đại học Johns Hopkins tại Washington cũng coi vụ ám sát lãnh đạo Hamas là một « cái tát » giáng xuống chính quyền Teheran vào lúc tân tổng thống Iran vừa nhậm chức. Chuyên gia này chờ đợi Iran sẽ trả đũa bằng cách cung cấp thêm phương tiện cho hai lực lượng Hồi giáo Hamas của Palestine và Hezbollah Liban. Trên đài truyền hình Mỹ CNN, giám đốc trung tâm nghiên cứu về tình hình Trung Đông tại viện Middle East Institute nêu lên kịch bản Teheran « huy  động các lực lượng từ Irak, Yemen và Liban và có thể là kể cả trên lãnh thổ Iran để thành lập một mặt trận trực tiếp đương đầu với Israel » … Khu vực này có nguy cơ « trải qua những ngày đen tối và sẽ cận kề một cuộc chiến toàn diện ».

Lina Khatib, viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hoàng gia Anh Chatham House, được AFP trích dẫn, ghi nhận « vụ ám sát nhắm vào Ismaïl Haniyeh đẩy xung đột ở Cận Đông lên một tầm cao mới và kèm theo là những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực (…) Cho dù không ai muốn lao vào một cuộc chiến toàn diện, mỗi lần căng thẳng leo thang thì nguy cơ tình hình vượt tầm kiểm soát càng lớn ».  

Bài Liên Quan

Leave a Comment