1 tháng 8 2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều người dân và truyền thông trong nước ca ngợi về đạo đức. Nhưng liệu có thể dùng đạo đức để giữ sự trong sạch cho bộ máy cầm quyền và để lãnh đạo toàn xã hội?
Ông Trọng, người giữ ba nhiệm kỳ tổng bí thư tổng cộng hơn 13 năm, được đánh giá là người có đời sống cá nhân liêm khiết, là người cộng sản kiên trung cuối cùng.
Nhìn lại sự nghiệp của ông Trọng, cựu cán bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam – ông David Brown – nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 20/7 rằng:
“Ông Trọng đã sống đúng như những gì ông ấy cho là đúng để trở thành lãnh đạo gương mẫu để những người khác noi theo. Nhưng đáng tiếc, bản tính của con người là tham lam và chúng ta không thể thay đổi được gì nhiều,” ông Brown nói.
Một nhà quan sát chính trị giấu tên từ Hà Nội thì tỏ ra lo lắng trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào ngày 28/7:
“Quốc tang đã kết thúc, những ngợi ca dành cho ông Trọng rồi cũng lắng xuống. Mặt tích cực là Việt Nam có một lãnh đạo được dân kính trọng, yêu mến. Nhưng tiêu cực là có lẽ ngoài ông Trọng ra, có vẻ không ai đủ trong sạch để dẫn dắt công cuộc đốt lò. Chiều dài lịch sử cũng cho thấy, đức trị không phải là cách quản lý đất nước một cách bền vững.”
Theo người này, việc ông Trọng dùng đạo đức cá nhân để lãnh đạo, thay vì tạo ra các cơ chế lãnh đạo khoa học và phù hợp, sẽ khiến cho những mục tiêu ông đặt ra khó mà duy trì.
Nền đức trị và sự đau đáu cuối đời
Ông David Brown, người từng là cán bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam và sau này là nhà phân tích chính trị, nhận xét với BBC rằng, sau khi đánh bại đối thủ nặng ký là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện tầm nhìn của mình về một Việt Nam tiến bộ dựa trên việc thanh lọc những cán bộ, quan chức bị cho là chệch khỏi đường lối Mác-Lênin, nêu cao đạo đức, nói cách khác là xây dựng một nền đức trị, thông qua chiến dịch đốt lò.
Và để giữ lửa cho chiến dịch, ông Trọng đã dùng những quy định, nghị quyết và các ban đảng làm công cụ để thực hiện ý chí của mình, ví dụ Quy định 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017.
Quy định nêu rõ rằng: “Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.” Quy định này còn nói rằng ngay cả các quan chức thuộc Đảng đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng.
Một số quan chức đã về hưu nhưng vẫn bị xử lý vì những sai phạm trong quá khứ, tiêu biểu là Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải. Ông Hải đã bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng vì sai phạm liên quan tới Vạn Thịnh Phát và AIC.
Một quy định khác được áp dụng thời gian gần đây là Quy định 41, được ban hành vào năm 2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là quy định khiến nhiều ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 mất chức, do “chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu”.
Những người này gồm: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Có thể nói, Bộ Chính trị khóa 13 có số ủy viên rơi rụng nhiều nhất trong các khóa là vì Quy định 41 nói trên.
Quy định 41 được ông Trọng coi là vũ khí để xử lý cán bộ đảng viên, đặc biệt là những cán bộ cấp cao, khi họ “suy thoái”. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy đó là quy định này cũng tạo ra lộ trình hạ cánh an toàn cho các cán bộ thuộc nhóm cấp cao nhất, những người nằm trong Bộ Chính trị hoặc “Tứ Trụ”.
Cả 7 trường hợp ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm 3 thành viên “Tứ Trụ”, mất chức trong khóa 13 đều không có mức kỷ luật Đảng chính thức nào được công bố, do đó vi phạm của họ cũng không được xem xét về hành chính, hình sự.
Điều này, theo nhiều nhà phân tích chia sẻ với BBC, đó là ông Trọng “ném chuột” nhưng không muốn “vỡ bình”, như chính ông nói.
Trước khi qua đời vào ngày 19/7, ông Trọng đã nằm viện nhiều ngày nhưng ông vẫn liên tục thúc đẩy vấn đề xây dựng đạo đức.
Ngày 9/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, nhằm chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và lấy đạo đức làm “vũ khí sắc bén” vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, suy thoái.
Quy định 144 nêu rõ các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Một điều đáng chú ý, Quy định 144 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 9/5, chỉ hơn hai tháng trước khi ông qua đời vào ngày 19/7.
Các video, tư liệu về ông Trọng sau đó tiết lộ cho công chúng biết ông đã có thời gian dài vừa làm việc vừa điều trị bệnh trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Có thể Quy định 144 về đạo đức cán bộ đã được ông Trọng ký trong những ngày tháng cuối đời trong bệnh viện. Điều này cho thấy rằng ông có lẽ vẫn đau đáu, mong muốn các đồng chí, cán bộ, đảng viên giữ được đạo đức cách mạng, theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục điều hành đất nước bằng đạo đức.
Điều này là nhất quán với phong cách lãnh đạo của ông từ trước đến nay, đặc biệt là sau khi ông củng cố quyền lực sau Đại hội 12 vào năm 2016.
Quy định số 08-QĐi/TW năm 2018 về trách nhiệm nêu gương, Quy định số 37-QĐ/TW năm 2021 về những điều đảng viên không được làm… đều nằm trong các nỗ lực gia tăng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.
Do nhấn vào đạo đức, nên các quy định này thường có tính chất định tính cao, trong khi nhiều khoản mục rất khó định lượng, dễ dẫn đến sự diễn giải tùy tiện, khác nhau đối với từng vụ việc.
Nỗ lực củng cố nền đức trị của ông Trọng cũng được thể hiện qua các thông điệp như “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, “tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”… Tất nhiên, đối với ông, phần quan trọng nhất trong đạo đức là đạo đức cách mạng, là lý tưởng cộng sản, là trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trước khi qua đời, ông đã có những nỗ lực cuối cùng. Do nguyên nhân sức khỏe, ông Trọng không tham dự Hội nghị Quân ủy Trung ương vào ngày 8/7 và Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương vào 4/7 nhưng ông vẫn gửi phát biểu đến hội nghị và đều nhấn mạnh việc xây dựng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Ông Trọng muốn lực lượng công an làm tốt vai trò “thanh bảo kiếm” của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh “từ xa”.
Niềm tin của ông Trọng
Thống kê từ Ban tổ chức lễ tang, có tới hơn 200.000 người đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Con số này chưa kể hàng trăm ngàn người đứng trên đường tiễn ông và những người sống ở nước ngoài đến viếng tại các đại sứ quán Việt Nam.
Trên Facebook, nhiều người đã đổi ảnh đại diện cờ rủ và trên TikTok, nhiều người đã sáng tác bài hát và vẽ tranh về ông Trọng. Những người nổi tiếng, trong đó có nhiều nghệ sĩ, nếu không bày tỏ đau buồn, hoặc đăng tải những hình ảnh “không phù hợp”, sẽ lập tức bị “cộng đồng mạng” tố cáo.
Trên mạng, không khó để bắt gặp những video có hình ảnh chiếc áo khoác màu nâu của ông Trọng, với một bên ống tay bị cắt ngắn, hình ảnh được nhấn nhá làm nổi bật tính giản dị, tiết kiệm. Thông tin trên mạng cho biết ông đã không mua áo mới mà vá lại để tiếp tục mặc suốt hơn 10 năm trời.
Tuy nhiên, bên dưới hình ảnh một nhà lãnh đạo giản dị, liêm khiết, ông Trọng được đánh giá là một chính trị gia lão luyện trong cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng.
Nhà báo David Hutt từng nhận định với BBC:
“Ông Trọng đã hạ bệ các mạng lưới quyền lực thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng. Quan trọng hơn, ông Trọng muốn khôi phục đạo đức và luân lý xã hội chủ nghĩa cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một chiến dịch đi sâu vào ý thức hệ, chứ không đơn thuần là chống tham nhũng.
“Và ông Trọng nghĩ chỉ có ông ta mới có thể lãnh đạo Đảng trong sứ mệnh này.”
Điều này thể hiện qua việc ông Trọng làm tổng bí thư liên tiếp ba nhiệm kỳ, bất chấp cả Điều lệ Đảng. Ông Trọng cũng từng nhất thể hóa hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước vào năm 2018, điều mà chỉ có các ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh từng làm.
Theo Điều lệ Đảng, tổng bí thư là bí thư quân ủy trung ương, tức nắm đảng ủy bên quân đội, nhưng từ trước tới nay, tổng bí thư không tham gia bên công an.
Đến thời ông Trọng, ông đã tạo tiền lệ cho chính mình khi làm ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Và cũng lần đầu tiên, ông tham gia họp thường kỳ bên chính phủ.
Nhà quan sát chính trị giấu tên giải thích với BBC:
“Đây là những hiện tượng phản ánh xu hướng ông muốn khôi phục lại quyền kiểm soát của phe Đảng trong tất cả cơ cấu khác trong hệ thống chính trị.
“Nhiều người khen ngợi ông Trọng liêm khiết, điều đó không sai nhưng không có nghĩa ông ấy không phải là nhà độc tài. Nhiều nhà độc tài không mưu lợi về vật chất, họ nắm quyền vì họ tin vào một lý tưởng, trong trường hợp ông Trọng là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và họ tin rằng chỉ có bản thân mới có thể thực hiện tốt nhất lý tưởng đó. Những người này có xu hướng duy trì quyền lực càng lâu càng tốt. Tôi nghĩ ông Trọng là trường hợp như vậy.
“Và vì ông tin chỉ có mình ông mới có thể làm được điều đó nên ông đã không chuẩn bị lộ trình cho việc chuyển giao quyền lực và đã bất chấp điều lệ Đảng để tiếp tục nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba. Tuy nhiên, một xã hội vận hành thì cần dựa trên cơ sở những khế ước chứ không phải ý chí cá nhân vì cá nhân xuất chúng thế nào rồi cũng sẽ đến lúc phải dừng lại, không cãi được mệnh trời.”
Giáo sư Alexander Vuving đánh giá tuy ông Trọng muốn “nhốt quyền lực trong lòng cơ chế” nhưng chính ông lại phá cơ chế trong nhiều vấn đề, đặc biệt là khi ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba lúc đã tuổi cao sức yếu.
“Việc phá vỡ cơ chế này của ông đã tạo nên một cuộc khủng hoảng trong vấn đề chuyển giao quyền lực trong Đảng.”
‘Bước lùi về chính trị’
Quay trở lại chiến dịch đốt lò, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng xây dựng và tái thành lập nhiều ban đảng vốn bị xóa sổ dưới thời kỳ đỉnh cao quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong một cuộc bỏ phiếu vào năm 2012, ổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công nhận được ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để chuyển giao việc phòng chống tham nhũng từ văn phòng thủ tướng sang một ban do đảng lập ra và quản lý.
Đó là Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, được thành lập theo Quyết định số 162-QĐ/TW ngày 01/02/2013 và do ông Trọng làm trưởng ban chỉ đạo.
Trong khi từ năm 2006-2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thuộc Chính phủ và do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban.
Tiếp đến, Ban Nội chính Trung ương đã được tái thành lập theo Quyết định 158-QĐ/TW vào năm 2012. Ban này là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.
Trước khi bị bắt, cây viết Huy Đức, tác giả sách Bên Thắng cuộc, đã viết rằng, việc tái lập các ban Đảng dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.
“Chống tham nhũng bằng Ban Nội chính [và các ban đảng] thay vì gỡ bỏ ‘vòng kim cô nội chính’ cho các cơ quan tư pháp, để họ tiến hành tố tụng theo các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, thì không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ.
“Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông [ít nhất là cho đến nay]. Nhưng, quản trị quốc gia [trong đó có chống tham nhũng] phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.
“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa,” tác giả Huy Đức đánh giá.
Nhà quan sát chính trị giấu tên nhận định với BBC:
“Nếu đức trị mà có tác dụng thì sau 10 năm chống tham nhũng, những bê bối như Việt Á, Chuyến bay giải cứu đã không xảy ra. Ta thấy quan chức bị bắt nào cũng có bằng lý luận chính trị cao cấp nhưng vẫn tham nhũng. Như vậy, các quy định về đạo đức và chủ nghĩa Mác-Lê nin thực chất là đào tạo sự trung thành với chế độ, chứ không phải xây dựng đạo đức.
“Chiến dịch đốt lò đã tạo ra không khí sợ hãi bao trùm các cán bộ, quan chức trong và ngoài Đảng, khiến hệ thống hành chính tê liệt khi những người này sợ đưa ra quyết định vì sợ chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ ông Trọng dù sống đời liêm khiết nhưng đã không thể thuyết phục các đồng chí của mình, nền đức trị lung lay và ông Trọng đã cai trị dựa trên nỗi sợ hãi hơn là việc lấy đức làm gốc.”
Nhà phân tích chính trị David Brown nhận định với BBC rằng, để tiếp nối di sản của ông Trọng, Đảng cần chọn một người giống như ông Trọng và người này phải giành được quá bán ủng hộ – 91 phiếu hoặc hơn – khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập nhiều kỳ họp vào năm 2025 để chuẩn bị cho Đại hội 14.
“Các quyết định của cơ quan này sẽ được thông qua bằng bỏ phiếu kín và, tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, sẽ có ít nhất là dăm bảy ủy viên Bộ Chính trị có thể xoay xở để kế nhiệm ông Trọng. Dù rằng đa phần ủy viên Trung ương Đảng có thể đã được chọn vì họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhưng không có gì đảm bảo rằng trong một cuộc bỏ phiếu kín thì họ sẽ bầu cho một người mà có hứa hẹn sẽ dẫn dắt đảng theo cách giống với ông Trọng.”