Báo South China Morning Post ở Hong Kong vừa có bài phân tích những tác động tiềm tàng từ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đối với tình hình Biển Đông.
Bài viết trên báo South China Morning Post (SCMP) hôm 26/7 dẫn lời ông Trương Minh Lượng, Phó Giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), nhận định:
“Không như căng thẳng gay gắt của Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc đã xoay xở để hòa thuận mà không thổi phồng những khác biệt sâu sắc về vấn đề lãnh thổ.
“Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã xoay xở để thiết lập mối quan hệ khá thân thiện với Trung Quốc, ít nhất là bề ngoài. Nhưng đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Nga cũng được nâng lên mức độ chưa từng có.
“Tất cả đều nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc để Việt Nam có thể có một môi trường quốc tế thuận lợi và mối quan hệ tương đối ổn định với Trung Quốc phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của Hà Nội.”
Diễn biến gần đây
Từ đầu năm đến nay, xung đột giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á diễn ra khá căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas).
Hôm 17/6, tàu hải quân Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế gần Bãi Cỏ Mây đã va chạm với cảnh sát biển Trung Quốc, khiến một thủy thủ Philippines mất ngón tay.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2024, lực lượng làm nhiệm vụ của Philippines trên Biển Đông cho biết cảnh sát biển Trung Quốc còn dùng vòi rồng tấn công một tàu dân sự được thuê để tiếp tế cho quân đội.
Tuy không xảy ra các sự kiện căng thẳng mới, Việt Nam và Trung Quốc, do lịch sử tranh chấp lâu dài và không thể hóa giải, tiếp tục thể hiện lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề.
Vào giữa tháng 5/2024, một viện nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng Việt Nam đang bồi đắp các đảo “chiếm đóng trái phép”.
Vào đầu tháng 3/2024, Trung Quốc giới thiệu bảy điểm cơ bản mới mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của mình ở Vịnh Bắc Bộ và phía Việt Nam đã lên tiếng “đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982”.
Giữa Việt Nam và Philippines cũng tồn tại mâu thuẫn liên qua đến Biển Đông, trong đó có vấn đề chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.
Vào tháng 8/2023, người biểu tình Philippines đã xé cờ Việt Nam trước Đại sứ quán Việt Nam tại Manila sau khi truyền thông địa phương đưa tin về cáo buộc “quân sự hóa” của Hà Nội ở Biển Đông.
Tuy vậy, hợp tác hàng hải giữa hai quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận những bước tiến, trong đó thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước được ký trong chuyến thăm của ông Marcos tới Hà Nội hồi tháng 1/2024.
Nhận xét về căng thẳng trên Biển Đông, Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chia sẻ với BBC vào cuối tháng 6/2024 rằng Trung Quốc có thể không hung hãn với Việt Nam như cách họ làm với Philippines.
“Hiện nay dường như Bắc Kinh không muốn chọc giận Hà Nội bằng những hành động hung hãn nhằm vào ngư dân Việt Nam. Họ không muốn làm điều đó trong thời điểm đang bận tay với Philippines. Họ không muốn tạo thêm mặt trận khác trên Biển Đông.
“Với việc đặt trọng tâm hiện tại là giải quyết Philippines trên Biển Đông, tôi cho rằng Trung Quốc không muốn gây xích mích không cần thiết trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á khác, ít nhất là với Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
“Hơn nữa, Trung Quốc muốn bêu tên Philippines như là một kẻ dị biệt, cùng lúc đó họ tăng cường luận điệu rằng họ đã kiểm soát tranh chấp và không để xảy ra xung đột nào với các nước khác trong Đông Nam Á.”
Một số chuyên gia cho rằng Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những “hoạt động cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Trọng qua đời có tác động gì?
Nhiều nhà quan sát cho rằng sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định.
Nhìn chung, giới quan sát có cái nhìn tích cực về đường lối “ngoại giao giao tre” thực dụng của Hà Nội dưới thời ông Trọng – một lựa chọn cân bằng tinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh mâu thuẫn trên Biển Đông trở nên sâu sắc.
Song song với đó, một số nhận xét cho rằng người kế nhiệm ông Trọng có thể có những nước đi mới.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra mối quan hệ cá nhân giữa ông Trọng và ông Tập và mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản, trong những năm qua đã đóng vai trò như một điểm cân bằng trong mối quan hệ vừa yêu vừa ghét giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
“Mặc dù Việt Nam mở rộng ngoại giao và cải thiện quan hệ với Mỹ, tôi nghĩ rằng ông Trọng đã có thể trấn an Bắc Kinh rằng Việt Nam thực sự trung lập và việc cải thiện quan hệ với Washington sẽ không ảnh hưởng đến Bắc Kinh,” SCMP dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ).
“Điều này là có thể vì sự kiên định với tư tưởng cộng sản của ông Trọng. Ông nhìn thế giới rất giống ông Tập,” ông Abuza nói thêm.
Một nhà quan sát chính trị giấu tên nói với BBC rằng ông Trọng là một lãnh đạo quan liêu cộng sản điển hình, “tức ngoài Đảng ra, không có trời, không có đất”. Đảng thống lĩnh, lãnh đạo tuyệt đối với ông Trọng là một hằng số không thể thay đổi nên ông luôn nỗ lực loại bỏ những mối đe dọa làm xói mòn quyền lực của Đảng.
Theo ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đã có một mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Trọng và ông Tập do cam kết chung của họ đối với chủ nghĩa Mác-Lênin.
“Điều này đã giúp ổn định quan hệ song phương trong thời kỳ căng thẳng, đặc biệt là về tranh chấp trên biển ở Biển Đông,” SCMP dẫn lời ông Giang.
Ông Giang cũng cho biết mặc dù những người kế nhiệm tiềm năng của ông Trọng – chẳng hạn như Chủ tịch nước Tô Lâm – không có mối quan hệ này với ông Tập, nhưng ông không nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc của Hà Nội vì mối liên kết giữa hai đảng vẫn mạnh.
Giáo sư Trương Minh Lượng đánh giá tranh chấp hàng hải vẫn là một trong những biến số lớn nhất trong quan hệ song phương.
Ông cho rằng việc Việt Nam nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS) có thể được thực hiện dưới sự giám sát của ông Tô Lâm.
“Thời điểm này thật thú vị – có lẽ nhằm mục đích… thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc cho công chúng trong nước xem, đồng thời cố gắng gia tăng lợi thế thương lượng của ông Lâm đối với Trung Quốc.
“Điều đó cho thấy ông Lâm một mặt sẽ làm theo cách tiếp cận của ông Trọng trong việc đối phó với các cường quốc… nhưng mặt khác sẽ có những khác biệt, biến thể và các nước đi sáng tạo,” SCMP dẫn lời giáo sư Trương.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Anh Thư – nhà nghiên cứu về chính sách công, quan hệ quốc tế và an ninh hàng hải tại Đại học Quốc gia Singapore – chia sẻ với BBC hôm 20/7:
“Có thể nói, việc nộp đệ trình có hai mục đích chính. Thứ nhất là để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với vùng biển của mình. Căn cứ vào điều 77 của UNCLOS, các quốc gia ven biển có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng thềm lục địa.
“Trên thực tế, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Philippines cũng đã nộp các đệ trình riêng của mình. Thứ hai là để tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng kéo dài trên Biển Đông.”
Trong bài viết trên trang Fulcrum chuyên phân tích về Đông Nam Á vào hôm 25/7, nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng từ Đại học Quốc gia Úc cho rằng ông Trọng lên làm tổng bí thư vào thời điểm Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trên Biển Đông.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng trong cùng năm 2011, hai nước đã ký thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển, bao gồm cả tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông Dũng, động thái này cho thấy ý định của ông Trọng và Việt Nam muốn tách biệt vấn đề Biển Đông khỏi các lĩnh vực hợp tác khác với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn xung đột trên biển đồng thời xây dựng mối quan hệ song phương ổn định.
Chia sẻ với BBC, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) cho rằng một trong những tác động dẫn tới chuyển biến của ông Nguyễn Phú Trọng là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Sau sự kiện này, ông Trọng đã tìm đến Mỹ, cũng như tham gia các cơ chế đa phương khác, như một cách tạo đối trọng.
Trong năm 2019, thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam leo thang với việc Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng việc xử lý mối quan hệ với “người anh em cộng sản” này phải thật khéo léo.
“Xử lý mối quan hệ này không đơn giản. Nặng về bên nào đều bị phê phán.
“Thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi,” VnExpress dẫn lời ông Trọng.
Ông Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Boston, trả lời BBC hôm 25/7 rằng lãnh đạo các nước sẽ mong tổng bí thư mới của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục duy trì đường lối ngoại giao này.
“Nếu Việt Nam đủ quan trọng với các cường quốc thì họ vẫn sẽ giúp Việt Nam khi Việt Nam cần, kể cả khi Việt Nam vẫn giữ trung lập. Chính sự trung lập này giúp các cường quốc yên tâm là Việt Nam sẽ không làm tổn hại lợi ích của họ,” ông Khang Vũ bình luận.
Trong một diễn biến liên quan, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell phát biểu tại Hà Nội hôm 30/7 rằng EU muốn đảm bảo hòa bình ở Biển Đông – khu vực mà khoảng 40% lượng hàng nhập khẩu và 20% lượng hàng xuất khẩu của EU được vận chuyển qua.
Ông Borrell đồng thời nói rằng khối này có thể giúp tăng cường năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam.