CEO giúp hơn 80% nhân viên của mình trở thành triệu phú

Saigon Nhỏ

Tòa nhà có logo của ZScaler tại Thung lũng Silicon, Santa Clara, California, do ông Jay Chaudhry sáng lập. (Hình: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Khi Jay Chaudhry bán công ty đầu tiên của mình với giá $70 triệu, ông không tập trung nhiều vào sự giàu có của bản thân, mà chú trọng làm sao có thể giúp nhân viên của mình trở thành triệu phú.

Chaudhry, 65 tuổi, một tỷ phú hiện được biết đến là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Zscaler, một công ty an ninh mạng đám mây có giá trị khoảng $28 tỷ, tính đến chiều ngày 24 Tháng Bảy. Vào năm 1998, ông đã là một doanh nhân lần đầu tiên bán công ty khởi nghiệp cùng vợ mình, bà Jyoti, SecureIT, cho VeriSign trong một thỏa thuận hoàn toàn bằng cổ phiếu để thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Gần hai năm sau khi thỏa thuận kết thúc, khi giá cổ phiếu của VeriSign tăng vọt, hơn 70 trong số 80 nhân viên của SecureIT “trên giấy tờ, đã là triệu phú,” Chaudhry nói với CNBC Make It.

Chaudhry cho biết thêm: “Mọi người trong công ty sửng sốt vì họ chưa bao giờ nghĩ đến một số tiền nhiều đến như vậy. Nhiều người trong số họ đã mua nhà mới, xe mới. Tôi biết một anh chàng nghỉ sáu tháng rồi, thuê một ngôi nhà di động và đi khắp đất nước. Họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn làm.”

Trong khoảng thời gian từ khi mua lại đến Tháng Hai năm 2000, cổ phiếu của VeriSign tăng hơn 2,300%, đóng cửa ở mức cao nhất là $253 một cổ phiếu, nhờ vào hai lần chia tách cổ phiếu và một bong bóng tạm thời đối với cổ phiếu công nghệ. Bong bóng (*) đã nổ vào cuối năm đó và cổ phiếu của VeriSign đã mất khoảng 75% so với mức cao nhất vào cuối năm 2000, giảm xuống mức thấp nhất là gần $4 vào năm 2002.

Chaudhry nhớ lại lời khuyên từ Jim Bidzos, khi đó là chủ tịch của VeriSign, về việc nên làm gì với cổ phiếu của mình: Bán một số cổ phiếu từng chút một và “thường xuyên.” Chiến lược này đã giúp Chaudhry gặt hái được một số lợi ích từ cổ phiếu tăng vọt của VeriSign trước khi thị trường sụp đổ.

Những nhân viên SecureIT nắm giữ cổ phiếu VeriSign của họ có lẽ đã được đền đáp bằng sự kiên nhẫn của họ: Giá đóng cửa ở mức $254 một cổ phiếu vào Tháng Giêng năm 2021. Giá hiện tại ở mức khoảng $175 một cổ phiếu.

Chaudhry cho biết ông không biết liệu những nhân viên cũ của mình có bán cổ phiếu của chính họ hay không và khi nào.

Khi ông rời VeriSign vào cuối năm 1999, những nhân viên cũ của Chaudhry tổ chức tiệc cho ông, nhưng mãi đến sau này Chaudhry mới hiểu hết tác động của quyết định bán SecureIT đối với những nhân viên đó.

Chaudhry kể lại: “Tôi về nhà vào đêm hôm đó và xem bảng tính về tất cả các quyền chọn cổ phiếu mà họ có, và tôi nhân với giá cổ phiếu của VeriSign. Đó là lúc tôi nhận ra rằng phép tính này là khoảng 70 hoặc 80 triệu phú, với các quyền chọn cổ phiếu. Thật ấn tượng làm sao!”

Bản thân Chaudhry có đủ tiền để sống hạnh phúc: Ông và vợ có một ngôi nhà trung lưu điển hình vào thời điểm đó, và cả hai vợ chồng không có bất kỳ chiếc xe hơi sang trọng hay khoản thanh toán xa xỉ nào.

Chaudhry ghi nhận khả năng trao cho nhân viên nhiều cổ phiếu như vậy là nhờ vào cách tiếp cận tự thân vận động của mình. Vợ chồng ông tài trợ cho SecureIT, rút hết số tiền tiết kiệm cả đời của họ, khoảng $500,000, thay vì tiếp nhận các nhà đầu tư bên ngoài. Điều đó phóng thích thêm vốn chủ sở hữu trong công ty để phân phối, điều này là “tốt, vì những nhân viên đó tạo nên sự khác biệt. Họ đã làm việc ngày đêm,” theo Chaudhry.

Câu chuyện này gợi nhớ đến tỷ phú Mark Cuban, người gần đây đã lưu ý rằng ông đã trao tiền thưởng cho nhân viên sau khi bán Broadcast.com cho Yahoo với giá $5.7 tỷ vào năm 1999. Cuban cho biết hành động này biến hàng trăm nhân viên của ông thành triệu phú ngay sau đó. Cuban trả tiền thưởng cho nhân viên tại mọi công ty mà ông bán, bắt đầu từ việc CompuServe mua lại công ty software MicroSolutions vào năm 1990.

Điều đó bao gồm việc bán phần lớn cổ phần của ông tại HDNet, hiện được gọi là AXS TV, vào năm 2019 và Dallas Mavericks của NBA vào năm ngoái, Cuban viết trên nền tảng truyền thông xã hội X. Và chỉ có HDNet mới có bất kỳ đợt sa thải nào ngay sau khi bán.

*Bong bóng: Trong bối cảnh kinh tế, “bong bóng” thường ám chỉ tình huống mà giá của một thứ gì đó – một cổ phiếu riêng lẻ, một tài sản tài chính hoặc thậm chí toàn bộ một ngành, thị trường hoặc loại tài sản – vượt quá giá trị cơ bản của nó một cách đáng kể.

Bài Liên Quan

Leave a Comment