- Trúc Phương – 1 tháng 8, 2024
Khai thác đất hiếm tại Việt Nam. (Hình minh họa: cafef.vn)
Liên quan thời sự về nguồn đất hiếm ở Việt Nam, ngày 22 Tháng Bảy, 2024, Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc đã bị bắt với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”
Cụ thể, Nguyễn Linh Ngọc cùng một loạt quan chức thuộc Tổng Cục Địa Chất và Khoáng Sản Việt Nam; Vụ Khoáng Sản; Sở Tài Nguyên Môi Trường Tỉnh Yên Bái…) đã can tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí…”
Theo công an, nhóm quan chức trên bị sờ gáy bởi liên quan việc “tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11,000 tấn quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và hơn 152,000 tấn quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.”
Báo chí trong nước cho biết thêm, nhóm quan chức trên đã “làm thủ tục hải quan gian dối để xuất cảng trái pháp luật sang Trung Quốc số lượng đất hiếm có giá trị hơn 7.8 tỷ đồng.”
Xét theo góc độ an ninh quốc gia, vụ án này là nghiêm trọng, bởi đất hiếm (“hi thổ kim thuộc”) là một thứ vũ khí kinh tế đối với những quốc gia đang sở hữu chúng. Cần biết, với vị trí là quốc gia có nguồn đất hiếm nhiều nhất thế giới, Trung Quốc từng thao túng và “làm reo” với Nhật, Mỹ và cả Châu Âu, như một vũ khí để răn đe không chỉ trên sân chơi mậu dịch mà còn ở vũ đài chính trị. Thủ đoạn của Trung Quốc là liên tục giảm dần quota xuất cảng đất hiếm đồng thời áp thuế xuất khẩu cao đối với nhà xuất khẩu đất hiếm của họ.
Trung Quốc hiện kiểm soát 37% nguồn dự trữ đất hiếm, nhiều nhất thế giới, so với 15% của Mỹ, nước từng là nơi sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới vào thập niên 1980; đồng thời Trung Quốc cũng chiếm 97% sản lượng khai thác đất hiếm.
Cần nhắc lại, năm 2009, Trung Quốc từng “hù” thế giới khi dọa ngưng xuất khẩu năm trong 17 loại đất hiếm. Gần đây hơn, Tháng Tám, 2023, Trung Quốc đã hạn chế xuất cảng germanium và gallium, hai thành phần quan trọng trong nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại mà Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát nguồn cung toàn cầu.”
Tháng Chín, 2010, trong bài báo không đề tên tác giả trên China Business Times, người viết đã “thẳng thắn” nói rằng đất hiếm là “lá bài cực mạnh mà Trung Quốc có thể dùng trong các cuộc đàm phán tương lai với thế giới.” Đặng Tiểu Bình từng nói “Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm!”
Vũ khí đất hiếm “lợi hại” như thế nào? Là 17 nguyên tố nằm trên vỏ trái đất, đất hiếm hiện được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Chúng có mặt trong những chiếc iPhone, ổ cứng máy tính, truyền hình phẳng, đèn tiết kiệm năng lượng, máy tính laptop, thiết bị không gian, cáp quang, hạt nhân, thiết bị công nghệ xanh (trong mỗi turbine gió kỹ thuật cao có đến 300 kg nguyên liệu đất hiếm)… Chúng còn được dùng trong công nghiệp vũ khí. Phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ cho biết nhiều thiết bị phần cứng quân sự của Mỹ trong đó có hệ thống điều khiển xe tăng M1A2 Abrams, cánh quạt điều khiển của bom thông minh, radar Aegis Spy-1 của hải quân, vệ tinh, thiết bị nhìn đêm, tên lửa… đều lệ thuộc vào đất hiếm nhập từ Trung Quốc!
Trở lại vấn đề đất hiếm ở Việt Nam. Theo Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ (US Geological Survey), Việt Nam hiện có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam, trữ lượng đất hiếm Việt Nam tập trung nhiều ở các mỏ thuộc tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận
Tuy nhiên, trong khi Mỹ và các đồng minh tìm kiếm nguồn cung ứng trước sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng, Việt Nam lại phải vật lộn để có thể khai thác đất hiếm và đưa vào thị trường toàn cầu. Ước tính, Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, chiếm khoảng 19% trữ lượng được biết trên thế giới và chỉ đứng sau Trung Quốc (với trữ lượng khoảng 44 triệu tấn). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn là một nhà sản xuất rất nhỏ, chỉ khai thác được 600 tấn vào năm 2023, giảm khoảng 50% so với mức của năm 2022.
Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất được 240,000 tấn vào năm 2023 (ngay cả Miến Điện, quốc gia kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá, cũng sản xuất được 38,000 tấn, theo Asia Times).
Bị hạn chế bởi vấn đề kỹ thuật và máy móc là nguyên nhân chính nhưng hoạt động khai thác đất hiếm của Việt Nam còn gặp trở ngại bởi yếu tố tham nhũng của các viên chức liên quan ngành khoáng sản mà vụ Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc nói ở trên là ví dụ mới nhất. Nói cách khác, nắm trong tay thứ vũ khí lợi hại nhưng Hà Nội không biết xài.
Lượng gallium khổng lồ của Việt Nam, nằm trong trữ lượng quặng bauxite ước tính khoảng 5.4 tỷ tấn và có nồng độ cao hơn trữ lượng của Trung Quốc và nếu được khai thác sẽ là nguồn đất hiếm giúp phá thế kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Vinacomin, một tập đoàn công nghiệp Việt Nam chủ yếu kinh doanh khai thác than và khoáng sản, đã thừa nhận với Channel News Asia rằng hầu hết cơ sở sản xuất đất hiếm trong nước đều thiếu công nghệ chiết xuất gallium từ bauxite.
Mỹ rất quan tâm việc giúp Việt Nam phát triển việc khai thác đất hiếm. Tại sao? Washington muốn tránh hạn chế phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc như hiện nay. Cần nhắc lại, trong chuyến công du Hà Nội năm 2023, Tổng Thống Joe Biden đã ký với Hà Nội bản ghi nhớ với nội dung “tăng cường hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam nhằm định lượng nguồn tài nguyên và tiềm năng kinh tế của REE (rare earth element – nguyên tố đất hiếm)” đồng thời “thu hút đầu tư có chất lượng cho lĩnh vực phát triển REE tích hợp.”
Ngoài Mỹ, một số công ty nước ngoài chuyên tinh chế đất hiếm, trong đó có Úc, Nhật và Nam Hàn, cũng tìm cách khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, như nhận định của Zachary Abuza, phó giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế (thuộc Simmons College), một chuyên gia về chính trị và an ninh Đông Nam Á, Việt Nam hiện chỉ có một công ty có công nghệ đủ mạnh để khai thác đất hiếm. Đó là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).
Tuy nhiên, đám quan chức VTRE, thay vì tập trung khai thác đất hiếm để làm giàu quốc gia, lại lo tư túi tham nhũng. Tháng Mười, 2023, một mỏ đất hiếm tại Yên Bái đã bị phong tỏa khi công an thộp hàng loạt viên chức thuộc công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thái Dương; và sau đó bắt luôn Lưu Anh Tuấn, chủ tịch VTRE. Một tháng trước khi các cáo buộc được đưa ra, VTRE đã ký hợp tác với các công ty khai thác mỏ Australia Strategic Materials (ASM) và Blackstone Minerals LTD để đấu thầu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam, Đông Pao (tỉnh Lai Châu). Sau khi Lưu Anh Tuấn bị bắt, tất nhiên dự án hợp tác nói trên bị ngưng lại.
Không chỉ Mỹ, Trung Quốc cũng đang lăm le nhảy vào Việt Nam. Công ty Đất Hiếm Trung Quốc (CREG) thuộc quản lý nhà nước, một trong những công ty đất hiếm lớn nhất thế giới, đã bày tỏ muốn vào “Việt Nam càng sớm càng tốt.”
Cần nhắc lại, trước khi bị thất sủng và bị loại khỏi chính trường, Vương Đình Huệ, với tư cách chủ tịch Quốc Hội, trong chuyến công du Bắc Kinh, đã gặp Tổng Giám Đốc CREG Lưu Lôi Vân (Liu Leiyun) ngày 9 Tháng Tư, 2024. Trước đó, theo tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc chuyến công du Hà Nội của Tập Cận Bình vào Tháng Mười Hai, 2023, Việt Nam và Trung Quốc cho biết sẽ nghiên cứu các biện pháp tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khai thác “khoáng sản quan trọng,” nhằm “đảm bảo an ninh chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng.”
***
Năm loại đất hiếm quan trọng:
1-Erbium: Nguyên liệu chủ lực trong cáp quang viễn thông (giá hiện tại khoảng $700/kg);
2-Europium: Dùng trong công nghệ in euro giúp chống tiền giả cũng như công nghệ màn hình LED;
3-Neodymium: Dùng phổ biến trong nam châm cho micro, loa, tai nghe, các thiết bị âm nhạc, ổ cứng máy tính…;
4-Cerium: Thường được chuyển thành cerium oxide để làm chất đánh bóng kính và chất bán dẫn;
5-Lanthanum: Nguyên liệu cần thiết cho công nghệ siêu dẫn (một motor của chiếc Toyota Prius có 1kg neodymium và mỗi cục pin của nó chứa từ 10-15kg lanthanum).