Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh đã diễn ra vào rạng sáng ngày 1/8, với tổng cộng 24 người được phóng thích, phía Mỹ xác nhận.
Nhà Trắng cho biết 16 tù nhân đã được trả tự do và đang trên đường trở về châu Âu và Mỹ. Trong số đó có phóng viên Evan Gershkovich của báo Wall Street Journal.
Đổi lại, 8 tù nhân Nga đã được thả khỏi các nhà tù ở Mỹ, Na Uy, Đức, Ba Lan và Slovenia, trong đó có những cá nhân bị cáo buộc hoạt động tình báo. Các con của hai tù nhân trong số này cũng trở về Nga.
Cuộc trao đổi diễn ra trên đường băng ở sân bay Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào rạng sáng 1/8 theo giờ địa phương.
Tổng thống Joe Biden xác nhận cựu lính thủy quân lục chiến người Mỹ Paul Whelan, nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva và nhà hoạt động người Anh gốc Nga Vladimir Kara-Murza – người có thẻ xanh của Mỹ – cũng đang trên đường trở về Mỹ.
Cuộc trao đổi lớn nhất trong lịch sử hiện đại
Đây được coi là một trong những đợt trao đổi tù nhân với quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại, không chỉ vì số lượng lớn các cá nhân được phóng thích – lên tới 24 người – mà còn là số lượng các quốc gia có liên quan – gồm Mỹ, Nga, Đức và ba nước châu Âu khác.
Có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.
Có thể thấy, bất chấp cuộc chiến ở Ukraine đã leo thang nhanh chóng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022, rõ ràng là các cơ quan tình báo các nước vẫn duy trì mối liên hệ.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là ngẫu nhiên. Ibrahim Kalin, người đứng đầu MIT, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là đã gặp người đồng cấp Nga ở Ankara vào tuần trước.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã duy trì quan hệ với Moscow một phần nhờ vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Những ai được thả?
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 26 cá nhân đã được trao đổi.
Con số này bao gồm 24 tù nhân và hai trẻ em, mà một quan chức Mỹ xác nhận đã trở về Nga cùng với cha mẹ là Artyom Dultsev và Anna Dultseva – một cặp vợ chồng người Nga bị kết án làm gián điệp ở Slovenia.
Tù nhân phía phương Tây được thả:
- Nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, 32 tuổi, phóng viên của tờ Wall Street Journal. Ông bị kết án 16 năm tù với cáo buộc làm gián điệp. Bản thân Evan Gershkovich, báo Wall Street Journal và chính phủ Mỹ kịch liệt phủ nhận việc này.
- Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, 54 tuổi, là công dân của bốn quốc gia: Mỹ, Canada, Anh và Ireland. Ông bị kết án 16 năm tù vào năm 2020 sau khi bị bắt ở Moscow vì nghi ngờ làm gián điệp vào năm 2018.
- Nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva, có quốc tịch Mỹ và Nga, từng là biên tập viên của Radio Free Europe/Radio Liberty, được chính phủ Mỹ tài trợ, và bị kết tội truyền bá thông tin sai lệch về quân đội Nga.
- Nhà bất đồng chính kiến, cựu nhà báo, cựu chính trị gia Vladimir Kara-Murza, 42 tuổi, mang hai quốc tịch Nga – Anh. Ông là một trong những người phản đối chính quyền Putin mạnh mẽ nhất, đồng thời chỉ trích thẳng thắn cuộc chiến ở Ukraine và cuộc đàn áp nội bộ đối với những người bất đồng chính kiến ở Nga. Ông bị kết án 25 năm tù với cáo buộc phát tán thông tin “sai sự thật” về quân đội Nga và có liên kết với một “tổ chức không mong muốn”.
- Nhân vật đối lập Ilya Yashin, người bị bỏ tù vào năm 2022 với tội danh “truyền bá tin tức giả” về quân đội Nga. Ông Yashin bị bắt sau khi lên án những tội ác chiến tranh mà Nga bị nghi ngờ thực hiện ở Bucha.
- Nhà hoạt động nhân quyền người Nga Oleg Orlov, 71 tuổi. Ông bị bỏ tù vào tháng 2/2024 sau khi gọi Nga là nhà nước phát xít và chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine, lãnh mức án hai năm rưỡi với cáo buộc “liên tục làm mất uy tín” lực lượng vũ trang Nga.
- Lilia Chanysheva, đồng minh của lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny. Bà từng là điều phối viên cho mạng lưới chống tham nhũng của ông Navalny và bị kết án 9 năm rưỡi sau khi bị chính quyền buộc tội theo chủ nghĩa cực đoan.
- Ksenia Fadeyeva, nhân viên cũ của ông Alexei Navalny, bị kết án 9 năm tù sau khi bị buộc tội tổ chức một nhóm cực đoan.
- Sasha Skochienko, nghệ sĩ đến từ St Petersburg, bị kết án 7 năm tù vì xé nhãn ghi giá hàng hóa của siêu thị và thay bằng thông điệp phản chiến.
- Kevin Lik, công dân Đức-Nga, bị kết tội phản quốc khi còn vị thành niên, trở thành người trẻ nhất từng bị kết tội này. Kevin Lik lớn lên ở Đức và chuyển đến Nga khi mới 12 tuổi, bị kết án 4 năm tù vì được cho là đã gửi những bức ảnh qua email cho “các đại diện của một quốc gia nước ngoài” trước và trong suốt quá trình Nga xâm chiếm Ukraine.
- Rico Krieger, quốc tịch Đức, bị buộc tội cài chất nổ ở Belarus và bị kết án tử hình, trước khi được lãnh đạo nước này là Alexander Lukashenko ân xá vào đầu tuần.
- Nhà hoạt động đối lập người Nga Andrei Pivovarov, đứng đầu tổ chức Open Russia, được thành lập bởi Mikhail Khodorkovsky, người đã phải ngồi tù một thập niên vì vận động chống lại ông Putin.
- Dieter Voronin, công dân Nga – Đức, bị kết án 13 năm tù với tội danh “phản quốc” sau khi Moscow cáo buộc ông nhận được thông tin quân sự mật từ một nhà báo khác, Ivan Safronov, người vẫn đang ở trong tù.
- Patrick Schoebel, người Đức, bị giam giữ ở St Petersburg vào đầu năm 2024, sau khi bị cáo buộc mang theo một gói kẹo dẻo cần sa.
- Herman Moyzhes, một luật sư nhập cư người Nga gốc Đức phải đối mặt với cáo buộc phản quốc sau khi bị bắt vào tháng 5/2024.
- Vadim Ostanin, người Đức, cựu lãnh đạo một trong những chi nhánh khu vực của Alexei Navalny, bị kết án 9 năm tù vào năm 2023.
Tù nhân phía Nga được thả:
- Đặc vụ Vadim Krasikov của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), người đang thụ án chung thân ở Đức về tội ám sát một chỉ huy Chechnya sống lưu vong tại một công viên ở Berlin vào năm 2019.
- Roman Seleznev, người bị kết tội thực hiện một kế hoạch đánh cắp dữ liệu vào năm 2017 gây thiệt hại 169 triệu USD. Các quan chức Mỹ cho biết người này đã đánh cắp dữ liệu thẻ tín dụng từ các nhà hàng và bán ở chợ đen. Roman Seleznev có cha là Valery Seleznev, một nghị sĩ và là đồng minh của ông Putin.
- Vadim Konoshchenok, cũng được cho là đặc vụ FSB. Mỹ buộc tội Vadim Konoshchenok có âm mưu liên quan đến mua sắm linh kiện điện tử có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và rửa tiền cho chính phủ Nga vào năm 2022.
- Artem Dultsev và Anna Dultseva, hai vợ chồng bị bắt và kết án về tội gián điệp ở Slovenia. Mỗi người bị kết án 19 tháng tù, hai người con của họ cũng cùng trở về Nga.
- Giảng viên đại học Mikhail Valeryevich Mikushin, bị buộc tội thu thập thông tin tình báo ở Na Uy cho Nga vào năm 2022 sau khi đóng giả là một học giả người Brazil.
- Vladislav Klyushin, người bị kết án 9 năm tù ở Mỹ với cáo buộc nội gián.
- Nhà báo Nga gốc Tây Ban Nha Pavel Alekseyevich Rubtsov, bị bắt ở Ba Lan vào tháng 2/2022, ngay trước khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra. Chính quyền Ba Lan cáo buộc ông sử dụng công việc báo chí tự do để làm vỏ bọc cho các hoạt động tình báo.
Bao gồm lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny
Thỏa thuận trao đổi tù nhân đã được đàm phán trong hơn 18 tháng và dường như phụ thuộc vào yêu cầu của Moscow là phóng thích Vadim Krasikov, đại tá của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB).
Ông Vadim Krasikov lúc đó đang thụ án chung thân ở Đức vì thực hiện vụ ám sát ở công viên Berlin và hiện đã trở lại Nga.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ mô tả Krasikov là “kẻ xấu” và nói rằng ông này “chắc chắn là nhân vật quan trọng nhất mà Nga muốn đổi về”.
Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức cấp cao khác cùng với đội danh dự đã gặp những tù nhân Nga trở về tại sân bay Vnukovo ở Moscow.
Các cuộc thảo luận trao đổi tù nhân trước đó giữa hai bên bao gồm phóng thích thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, nhưng đề nghị này đã bất thành khi ông Navalny qua đời vào tháng 2/2024.
Người vợ góa của ông, bà Yulia Navalny, hoan nghênh việc trao đổi tù nhân, mô tả đó là một “niềm vui”.
“Mỗi tù nhân chính trị được thả ra là một chiến thắng to lớn và là lý do để ăn mừng,” bà nói trong một bài đăng trên mạng xã hội X.
“Không ai đáng bị Putin bắt làm con tin, bị tra tấn hoặc bỏ mặc cho đến chết trong nhà tù của ông ta.”
Phản ứng của các bên
Nhà Trắng nói rằng thỏa thuận này là cuộc trao đổi phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ và Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là một “kỳ tích ngoại giao”, nói thêm rằng nhiều quốc gia đã “tham gia các cuộc đàm phán khó khăn, phức tạp theo yêu cầu của tôi và cá nhân tôi cảm kích họ”.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng những người được thả đã bị kết án trong “các phiên tòa công khai với mục đích xoa dịu dư luận hơn là đảm bảo công lý” và đã lãnh “các án tù dài hạn mà hoàn toàn không có lý do chính đáng nào”.
Ông Biden đã có cuộc gọi từ Phòng Bầu Dục với người thân của ba tù nhân Mỹ và chính trị gia đối lập Nga Vladimir Kara-Murza sau khi cuộc trao đổi hoàn tất.
Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết ông hoan nghênh việc thả tự do cho các tù nhân, đặc biệt là ông Kara-Murza và cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan, những người có quốc tịch Anh.
Trong phát biểu cùng ngày với vụ trao đổi tù nhân, Điện Kremlin cảnh báo những người đã rời khỏi Nga hãy tránh xa nước này.
“Tôi tin rằng tất cả kẻ thù của chúng ta nên ở lại đó [ở nước ngoài], và tất cả những người không phải là kẻ thù của chúng ta nên quay trở lại. Đó là quan điểm của tôi,” hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin.
Cứng rắn hơn, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói: “Chúng ta muốn những kẻ phản bội Nga thối rữa và chết trong tù, nhưng việc đưa người của chúng ta trở về nhà sẽ có ích hơn”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định việc trao đổi tù nhân là “quyết định đúng đắn và nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, bạn sẽ không đắn đo nữa sau khi nói chuyện với những người hiện đã được tự do”.
“Nhiều tù nhân đã lo sợ cho sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của họ,” ông nói thêm sau khi gặp một số tù nhân khi họ đến sân bay Cologne Bonn.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tù nhân của cả hai bên trong thỏa thuận đã được đưa xuống máy bay tại sân bay Ankara, chuyển đến các địa điểm an toàn dưới sự giám sát của các quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và lên máy bay đến các quốc gia là đích đến tương ứng của họ.
Những vụ trao đổi tù nhân trước đây
Việc trao trả tù nhân diễn ra sau nhiều ngày đồn đoán về một cuộc trao đổi lớn giữa các quốc gia khác nhau, vốn gia tăng sau khi một số nhà bất đồng chính kiến và các nhà báo bị bỏ tù ở Nga được chuyển từ phòng giam của họ đến các địa điểm không xác định.
Mặc dù việc chuyển nhà tù bí mật diễn ra phổ biến ở Nga nhưng việc nhiều tù nhân nổi tiếng mất tích là điều bất thường.
Vụ trao đổi tù nhân cấp cao gần đây nhất diễn ra vào tháng 12/2022, khi ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner được thả trên đường băng ở sân bay Abu Dhabi để đổi lấy tay buôn vũ khí khét tiếng người Nga Viktor Bout, người đã bị giam trong nhà tù Mỹ 12 năm.
Vụ tương tự gần đây nhất xảy ra ở Vienna vào năm 2010, khi 10 điệp viên Nga bị giam giữ ở Mỹ được đổi lấy 4 nhân vật bị cáo buộc là điệp viên hai mang bị giam giữ ở Nga.
Một trong số đó là Sergei Skripal, cựu sĩ quan tình báo quân đội, người sau đó bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury năm 2018.
Căng thẳng giữa Moscow và phương Tây tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2/2022.
Câu chuyện hậu trường
Trong một bài báo trên trang bìa của Wall Street Journal, trình bày chi tiết về các cuộc đàm phán bí mật dẫn đến phóng viên Evan Gershkovich được trả tự do, chúng ta được biết các quan chức Nga đã yêu cầu nhà báo này điền vào một phiếu yêu cầu chính thức để được tổng thống khoan hồng.
Văn bản được gửi tới ông Vladimir Putin.
Bài báo viết: “Tờ phiếu theo quy định bao gồm một ô trống dài mà tù nhân có thể điền vào nếu muốn hoặc đơn giản là để trống.”
Evan Gershkovich đã sử dụng “tiếng Nga trang trọng mà anh đã trau dồi trong hơn 16 tháng ngồi tù” và “điền đầy trang giấy”.
Dòng cuối cùng Gershkovich đưa ra đề xuất: “Sau khi (tôi) được trả tự do, ông Putin có sẵn lòng ngồi (trả lời) phỏng vấn không?”