2 tháng 8 2024
Khi còn tại vị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực bao trùm nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên, vào thời điểm nhậm chức tổng bí thư năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là không có quá nhiều quyền lực. Lúc bấy giờ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là người được đánh giá là có quyền lực số một, có khả năng tác động tới cả Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College (Mỹ), quyền lực của ông Dũng khiến ông Trọng cảm thấy lo ngại.
“Ông ấy rất lo rằng khi nền kinh tế phát triển và trở nên phức tạp hơn, việc ra quyết định rơi vào tay các quan chức chính phủ và các nhà kỹ trị.
“Đó là một điều không thể chấp nhận được với ông Trọng. Ông ấy muốn Đảng tham gia vào mọi quy trình ra quyết định,” ông Abuza nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 28/7.
Ông Trọng được coi là “một tín đồ chân chính của Đảng”, theo cách gọi của cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ David Brown.
Và trong suốt 13 năm cầm quyền, ông Trọng đã thành công trong việc kéo quyền lực từ phía Chính phủ sang phía Đảng Cộng sản.
Thành lập các ban đảng
Hệ thống chính trị Việt Nam vận hành với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện và tổng bí là nhân vật cấp cao nhất trong hệ thống ấy. Tuy nhiên, chức vụ tổng bí thư vẫn có những hạn chế trong quyền hạn.
“Chức vụ tổng bí thư của Đảng Cộng sản không có quyền lực điều hành, không kiểm soát các đòn bẩy của chính phủ, không có các ban bộ dưới trướng. Quyền của tổng bí thư là quyền lập các quy định, điều lệ đảng,” ông Abuza nói với BBC.
Từ thực tế này, trong nhiều khoảng thời gian, người ta thấy vai trò của người đứng đầu chính phủ nổi bật hơn, đặc biệt là dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
Do đó, khi trở thành tổng bí thư vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng đã ưu tiên tăng cường vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam về mọi mặt. Một trong những biện pháp được sử dụng là tái lập các ban đảng.
Tháng 12/2012, ông Nguyễn Phú Trọng ký quyết định số 158-QĐ/TW tái thành lập Ban Nội chính Trung ương.
Ban Nội chính là cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng về các vấn đề thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng.
Cơ bản có thể hiểu Ban Nội chính là ban đảng lo các vấn đề chính trị nội bộ của Đảng và chính phủ (do quan chức Việt Nam đều là đảng viên).
Theo giáo sư Abuza, việc tái thành lập Ban Nội chính Trung ương là một trong những nước cờ ông Trọng sử dụng để bắt đầu “xây dựng vị thế”.
“Các ban đảng, như Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được thành lập và trao thêm quyền hạn để khẳng định sự kiểm soát và kỷ luật của Đảng,” ông nói.
Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) do ông Trọng làm trưởng ban. Sau đó không lâu, ông Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mà về sau thường được gọi là “đốt lò”.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 2006-2012, ban chỉ đạo này do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban.
Về sau, vào năm 2016, ông Tô Lâm, khi đó là bộ trưởng Công an, giữ chức phó trưởng ban này, bên cạnh Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng. Với cơ cấu tổ chức như vậy, vai trò của Đảng đối với Bộ Công an trong công tác chống tham nhũng trở nên trực tiếp hơn bao giờ hết.
Theo ông Abuza, bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo này, ông Trọng biến công cuộc chống tham nhũng từ dưới sự kiểm soát của chính phủ thành dưới sự kiểm soát của Đảng.
Ban Nội chính về sau được đưa về làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo vào năm 2020. Đồng thời, Ban Nội chính cũng chuyển từ “cơ quan tham mưu” thành “cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ” về công tác nội chính của Đảng.
Tháng 6/2014, ông Trọng ký Quyết định 244-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng.
Vào năm 2016, với quyết định này, ông Trọng đã thành công trong việc đẩy ông Dũng khỏi chính trường Việt Nam.
Trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng
Vào thời điểm ông Trọng mới nhậm chức tổng bí thư, ông Dũng đang phớt lờ nạn tham nhũng và để các doanh nghiệp bành trướng, theo đánh giá của các chuyên gia.
Những vấn đề liên quan tới tham nhũng được cho là một trong những lý do khiến ông Trọng muốn loại bỏ ông Dũng.
“Tôi nghĩ ông Trọng thực sự tin rằng tham nhũng mối đe dọa tới sự tồn vong của Đảng,” ông Abuza đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Dũng là chính trị gia “Việt Nam là trên hết” chứ không phải “Đảng là trên hết” như ông Trọng, theo đánh giá của ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc).
Năm 2012, ông Trọng đã có được “100% thống nhất” từ Bộ Chính trị để kỷ luật ông Dũng, nhưng Ban Chấp hành lại không đồng ý với quyết định này.
Đây là một trường hợp hiếm hoi khi Bộ Chính trị quyết định kỷ luật đảng viên nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng không thông qua và được coi là một thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng. Khi đó, dù đã có sự ủng hộ đa số từ Bộ Chính trị, ông Trọng lại không thống nhất được Ban Chấp hành Trung ương, với thành phần gồm các quan chức bộ ngành, địa phương có nhiều quan hệ lợi ích với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong cuốn hồi ký của mình, Đại sứ Mỹ Ted Osius cho biết khi mới nhận nhiệm vụ ở Hà Nội (năm 2014), ông đã được nghe hầu hết các nhà quan sát đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng đang lên và ông Trọng sẽ dần biến mất sau Đại hội 12 của Đảng vào tháng 1 năm 2016.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ sau đó đã dần nhận ra vị thế của ông Trọng. Ông Osius là người đã thúc đẩy Mỹ đón ông Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng. Giai đoạn này, ông Nguyễn Tấn Dũng đang tỏ ra là một người thân Mỹ, chống Trung Quốc. Ngược lại, ông Trọng được coi là người bảo thủ, giáo điều, thân Trung Quốc, theo nhận định của Tiến sĩ Đào Xuân Lộc thời điểm năm 2016.
Vào tháng 7/2015, ông Trọng tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama.
Chuyến đi này, đối với ông Trọng, vừa có ý nghĩa đối nội lẫn đối ngoại cực kỳ quan trọng.
Về đối ngoại, ông Trọng đã khiến người Mỹ thừa nhận vai trò nguyên thủ trên thực tế (de facto) của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, điều mà Mỹ chưa từng làm trước đó.
Về đối nội, ông củng cố hình ảnh và vị thế của mình, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong cả chính trị trong nước lẫn đối ngoại, cho thấy rằng khi cần ông có thể giao thiệp với cựu thù.
Chuyến đi tới Mỹ được đánh giá là ngay lập tức nâng cao vị thế của ông Trọng trong chính trường Việt Nam. Theo Giáo sư Abuza, chuyến đi này giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí tổng bí thư.
“[Mọi người] sẽ nhận thấy rằng tổng bí thư Đảng Cộng sản là người quyền lực nhất. Dù ông không phải là nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ, nhưng trên thực tế, ông Trọng lại là người quan trọng nhất [ngay cả] trong việc thiết lập chính sách.”
Tới Đại hội 12 vào tháng 1/2016, ông Dũng vẫn nhận được đề cử vào Ban chấp hành Trung ương, mặc dù trước đó ông xin không tái cử.
Tuy nhiên, do Điều 13 của Quyết định 244 nói trên, ông Dũng đã phải rút lui. Điều 13 quy định như sau:
“Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.”
Đây chính là một quy định mang tính “kỹ thuật” để ông Trọng loại bỏ ông Dũng và đây cũng là quy định giúp gia tăng quyền lực của ông Trọng và Bộ Chính trị.
Sự kiện ông Dũng rút lui được coi là một bước ngoặt quan trọng, cho thấy tài thao lược của ông Trọng trên chính trường. Từ thời điểm đó, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất.
“Một sự xoay chuyển chính trị chấn động đã diễn ra, và một lần nữa Đảng, chứ không phải chính phủ, nắm quyền kiểm soát một cách vững chắc tại Việt Nam,” ông Osius viết về sự kiện này trong hồi ký của mình.
Theo ông Abuza, đây là thời điểm ông Trọng “thực sự tái khẳng định quyền kiểm soát của Đảng” và cũng là thời điểm chiến dịch “đốt lò” trở nên dữ dội hơn.
Ông Abuza lấy ví dụ việc ông Đinh La Thăng bị miễn nhiệm chức ủy viên Bộ Chính trị ngày 7/5/2017, điều mà theo ông là “chấn động” vào thời điểm đó. Tới tháng 12/2017, ông Đinh La Thăng bị bắt khởi tố, bắt tạm giam.
Chiến dịch đốt lò đã giúp ông Trọng loại bỏ dần những người thân tín của ông Dũng, gồm lãnh đạo hàng loạt bộ ngành trong chính phủ.
Công cuộc sắp xếp nhân sự
Để sắp xếp nhân sự, ông Trọng làm trưởng ban Nhân sự Đại hội 12, 13 và cả khóa 14 sắp tới.
Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra, chốt hạ – nôm na là thống nhất trước khi trình ra tập thể đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược gồm “Tứ Trụ”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư 63 tỉnh thành….
Tại Đại hội 12, hàng loạt nhân sự được coi là thân cận với ông Trọng đã bước chân vào Bộ Chính trị, bao gồm: ông Trần Quốc Vượng, bà Trương Thị Mai, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và ông Tô Lâm.
Ông Trần Quốc Vượng là người mà ông Trọng muốn truyền lại chức vụ tổng bí thư vào Đại hội 13, theo bài viết viết trên trang Asia Sentinel vào cuối tháng 1/2021 của ông David Brown.
Ngay sau khi vào Bộ Chính trị, ông Vượng làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – ban đảng có chức năng giúp hỗ trợ đảng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Còn ông Tô Lâm nhậm chức phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 27/4/2012, chỉ khoảng 3 tháng sau khi tham gia Bộ Chính trị, và trở thành cấp phó dưới trướng ông Trọng.
Ông Thưởng và bà Mai sau đó cũng giữ chức trưởng các ban đảng, lần lượt ở Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Khi được hỏi về sự sắp xếp nhân sự này, ông Abuza nêu đánh giá với BBC ngày 28/7:
“Ông Trọng muốn đưa những người ông ấy biết, có thể tin tưởng và có cùng thế giới quan với mình vào Bộ Chính trị. Việc đưa thêm người của mình vào Bộ Chính trị luôn là ưu tiên hàng đầu.
“Phần lớn thời gian, họ đã hợp tác với nhau, cho đến khoảng 20 tháng trước (tức khoảng đầu năm 2023 tới nay) khi ông Tô Lâm thực sự nhắm tới chiếc ghế tổng bí thư và cố gắng loại bỏ những người có khả năng thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.”
Ngày 9/8/2017, Bộ Chính trị ra Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, các cá nhân muốn tham gia “Tứ Trụ” đều phải hoàn thành một nhiệm kỳ tại Bộ Chính trị. Cơ bản thì Đảng sẽ thẩm định ai đủ điều kiện ngồi vào ghế chủ tịch nước và thủ tướng.
Dù việc Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện tồn tại từ lâu ở Việt Nam, Quy định 90 đã chính thức hóa sự kiểm soát của Đảng trong quy trình sắp xếp nhân sự cấp cao.
Trong Bộ Chính trị khi đó có ông Đinh Thế Huynh. Ông Huynh là người được ông Trọng chọn kế nhiệm chức vụ tổng bí thư, theo bài viết nói trên của ông David Brown.
Ông Huynh làm thường trực Ban Bí thư từ năm 2016 nhưng tới năm 2018, ông phải nghỉ làm để “điều trị bệnh”.
Người thay ông Huynh khi đó là ông Trần Quốc Vượng, có thể hiểu là phương án dự phòng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chỉ hai năm sau khi vào Bộ Chính trị, ông Vượng đã có được chức vụ cao thứ hai trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, tới Đại hội 13, ông Vượng đã bị loại khỏi Bộ Chính trị.
“Ông Vượng thậm chí không được bầu lại vào Bộ Chính trị, điều này thực sự khá sốc. Ông ấy đã gây thù chuốc oán với nhiều người trong Bộ Chính trị và trong Ban Chấp hành Trung ương và đã bị loại bỏ. Có thể thấy rằng quyền lực của ông Trọng cũng có giới hạn,” ông Abuza nói với BBC.
Giáo sư Zachary Abuza cho rằng việc ông Trọng làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba không thể hiện quyền lực của vị tổng bí thư, mà là hệ quả của việc không thể chỉ định người kế nhiệm.
Về nhiệm kỳ tổng thứ ba của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Abuza bình luận:
“Không có những thay đổi nền tảng nào về hệ thống, luật pháp hay quy định nào cho phép ông Trọng hoặc Đảng nắm nhiều quyền lực hơn.
“Tiếp đó, ông Trọng trở nên yếu hơn, bệnh nặng hơn và vắng mặt trong nhiều cuộc họp quan trọng, người ta bắt đầu tính toán xem ai sẽ kế nhiệm ông ấy.
“Những người có tham vọng bắt đầu hành động. Người làm điều đó hiệu quả hơn cả là ông Tô Lâm.”
“Với sức mạnh to lớn của Bộ Công an, ông ấy bắt đầu điều tra các đối thủ, dưới danh nghĩa chống tham nhũng và âm thầm xây dựng hồ sơ chống lại các đối thủ trong Bộ Chính trị.”
Theo ông Abuza, việc này bắt đầu từ đầu năm 2023.
Vào tháng 3/2023, ông Thưởng, người được cho là vô cùng thân cận với ông Trọng, lên làm chủ tịch nước sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm vào tháng 1/2023. Vị trí thường trực Ban Bí thư do bà Mai tiếp quản.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, tính tới tháng 5/2024, cả ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai đều mất chức.
Dù nguyên nhân miễn nhiệm hay sai phạm của những người này không được Đảng nêu cụ thể, những người này đều được cho là đã trở thành “củi” trong “lò” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư Abuza nhận định rằng người “nhóm củi” không phải là ông Trọng.
“Tôi không chắc ông Nguyễn Phú Trọng khi đó còn kiểm soát được tình hình. Tôi nghĩ nó đã đi xa hơn những gì ông ấy muốn.
“Ông ấy không ngăn được ông Tô Lâm loại bỏ ứng cử viên tiềm năng Vương Đình Huệ, học trò ưu tú Võ Văn Thưởng và trợ lý tin cậy Trương Thị Mai,” giáo sư Abuza nhận xét.
Đề rồi, sau sự ra đi của những người này, tới tận bây giờ, “thất bại trong việc tìm người kế nhiệm” vẫn là cụm từ nhiều người sử dụng khi nói về di sản của ông Nguyễn Phú Trọng.
Là người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13, 14, ông Trọng qua đời mà không tìm được người kế nhiệm.
Hiện tại, Chủ tịch nước Tô Lâm đang tạm thời giữ quyền điều hành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà nghiên cứu David Hutt từ Viện Nghiên cứu Trung Âu về châu Á (CEIAS) từng viết:
“Trong nỗ lực cứu Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản của việc phớt lờ tất cả các quy tắc và chuẩn mực vốn nhằm kiểm soát quyền lực và giới hạn nhiệm kỳ, tuổi nghỉ hưu, sự phân chia tứ trụ.
“Ông cũng đã giám sát việc tái tập trung quyền lực về phía Đảng; làm suy yếu sự độc lập của bộ máy hành chính; thanh trừng các nhà kỹ trị và chứng kiến sự trỗi dậy của các lãnh đạo ngành công an.
“Tất cả nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng.
“Ông để lại một Đảng Cộng sản ít hướng đến sự đồng thuận, ít cân bằng giữa các phe phái và mạng lưới quyền lực vùng miền, ít có khả năng tự kiểm soát quyền lực của mình hơn và dễ có nguy cơ bị một phe mạnh chiếm đoạt quyền lực hơn.”