Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC) chào đón Đài Loan trở thành thành viên mới của mình.
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đọc diễn văn nhậm chức sau khi tuyên thệ trong lễ nhậm chức tại Tòa nhà Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, hôm 20/05/2024. (Ảnh: Sung Pi-lung/The Epoch Times)
Frank Fang
Thứ sáu, 02/8/2024
ĐÀI BẮC, Đài Loan — Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chí hướng để duy trì nền dân chủ trên thế giới trước chủ nghĩa độc tài và hành động gây hấn ngày càng bành trướng của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với bất kỳ quốc gia nào cũng là mối đe dọa đối với toàn thế giới,” ông Lại tuyên bố trong bài diễn văn hôm 30/07. “Đài Loan sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để trợ giúp cho thế lực dân chủ với các đối tác dân chủ của chúng tôi để chúng tôi có thể ngăn chặn các mối hiểm họa từ chủ nghĩa độc tài đang bành trướng.”
Ông Lại đã đưa ra nhận định này của mình tại một hội nghị thượng đỉnh do Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC) tổ chức, một nhóm gồm hơn 200 nhà lập pháp từ các quốc gia trên khắp thế giới tin rằng cần có sự đối phó mang tính phối hợp để đối đầu với các hoạt động thâm hiểm của Bắc Kinh.
Năm nay đánh dấu lần đầu tiên sự kiện thường niên này được tổ chức tại Đài Loan.
Theo IPAC, 49 chính trị gia từ 24 quốc gia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay, bao gồm Nghị sỹ Công Đảng Lao Động Anh quốc Sarah Champion và Nghị sỹ Đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith, thành viên Hạ viện Nhật Bản Otokita Shun, Nghị sỹ Đảng Độc Lập Canada Kevin Vuong, Thượng nghị sỹ Pháp Olivier Cadic, thành viên Hạ viện Cộng hòa Czech Eva Decroix, Thượng nghị sỹ Đảng Lao Động Úc Deborah O’Neill, và thành viên Nghị viện Âu Châu Miriam Lexman.
“Sự bành trướng chủ nghĩa độc tài ra bên ngoài của Trung Quốc thể hiện rõ qua việc đe dọa quân sự đến các nước láng giềng, và thông qua các chiến thuật bao gồm đàn áp ngoại giao, cưỡng ép kinh tế, tấn công mạng, và phát tán thông tin giả,” ông Lại cho biết. “Sự gây hấn ở vùng xám (gray-zone) không ngừng tăng thêm của họ đã làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhắm mục tiêu vào Đài Loan bằng chiến tranh vùng xám, chẳng hạn như chiến đấu cơ bay đến gần hòn đảo này, nhằm gây áp lực lên chính phủ và quân đội được bầu cử dân chủ của hòn đảo này. Cuối cùng, chế độ Trung Quốc muốn thôn tính Đài Loan, một quốc gia rõ ràng là độc lập, kể cả thông qua các biện pháp hòa bình hoặc hành động quân sự.
Vài ngày sau khi ông Lại nhậm chức hồi tháng Năm, ĐCSTQ đã phát động cái mà họ gọi là cuộc tập trận quân sự “trừng phạt” bao vây Đài Loan, khiến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải đưa ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại.
Trong bài phát biểu của mình, ông Lại cũng đã phác thảo chiến lược bốn trụ cột của mình để Đài Loan tự bảo vệ mình, bao gồm tăng cường quốc phòng, cải thiện an ninh kinh tế, và hợp tác chặt chẽ với các đối tác dân chủ khác.
“Với vị trí chiến lược của chúng tôi ở chuỗi đảo đầu tiên, Đài Loan đứng ở tuyến đầu của thế giới dân chủ,” ông Lại cho biết. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ nền dân chủ của mình, và chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ để duy trì hòa bình khu vực.”
Các thành viên IPAC
Sau bài diễn văn của ông Lại, IPAC đã đưa ra một tuyên bố, trong đó công bố việc Đài Loan trở thành thành viên của liên minh này. Tuyên bố cho biết hai nhà lập pháp Đài Loan, bà Phạm Vân (Fan Yun) từ Đảng Dân Chủ Tiến Bộ cầm quyền và bà Trần Chiêu Tư (Chen Gau-tzu) từ Đảng Nhân dân Đài Loan đối lập, sẽ giữ chức đồng chủ tịch cơ quan lập pháp của hòn đảo trong liên minh này.
Tuyên bố cho biết: “IPAC là nhóm ủng hộ mạnh mẽ cho sự tham gia tích cực của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Việc chính thức gia nhập Liên minh được tất cả các đại biểu hoan nghênh như một kết quả mang tính lịch sử.”
Được thành lập vào năm 2020, liên minh này hiện bao gồm các nhà lập pháp từ 40 quốc gia, với Colombia, Quần đảo Solomon, và Uruguay là những thành viên mới nhất.
Để đáp lại, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đăng trên nền tảng X rằng việc hòn đảo này gia nhập liên minh “là một minh chứng thuyết phục khác cho sự đoàn kết dân chủ toàn cầu.”
IPAC cũng quyết định khởi động Sáng kiến 2758, nhằm mục đích cung cấp thông tin cho công chúng về “sự bóp méo Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc.” Theo tuyên bố, các thành viên IPAC cam kết “thông qua các nghị quyết tại Nghị viện của chính quốc gia mình để phản đối việc Bắc Kinh bóp méo luật pháp quốc tế liên quan đến tình trạng của Đài Loan.”
Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc năm 1971 đã thay thế Đài Loan bằng Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết nêu rõ rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.” Tên chính thức của Đài Loan là Trung Hoa Dân quốc.
Năm 2022, Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo nêu chi tiết cách Trung Quốc bóp méo ý nghĩa và bối cảnh của Nghị quyết 2758 để khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan.
Báo cáo ghi rõ: “Kể từ đó, CHND Trung Hoa đã nỗ lực ‘quốc tế hóa’ Nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ của mình và gộp chung với Nghị quyết 2758 của Liên Hiệp Quốc, một sự thay đổi mang tính xét lại thoát khỏi ý định ban đầu của văn bản này.”
IPAC cũng nhắc lại lời chỉ trích của mình đối với Bắc Kinh về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm gây sức ép lên các thành viên IPAC để họ bỏ qua hội nghị thượng đỉnh tại Đài Loan.
IPAC cho biết: “Các thành viên IPAC lên án mạnh mẽ những nỗ lực can thiệp vào hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ thông qua các chiến thuật đe dọa và gây sức ép của Bắc Kinh.”
“Những nỗ lực này nhấn mạnh đến nhu cầu phải nâng cao một thế lực dân chủ không chỉ đối với Đài Loan mà còn đối với các nền dân chủ có cùng chí hướng. Mạng lưới này quyết tâm bảo vệ các thể chế và cộng đồng của chúng ta khỏi sự can thiệp của ngoại quốc và các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia của CHND Trung Hoa.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times