Mười sáu công dân của 5 nước phương Tây (Mỹ, Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy) đổi lấy 10 người Nga và Belarus: Cuộc trao đổi tù nhân ngày 01/08/2024 được coi là lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Nhưng nhiều chính trị gia và giới quan sát quan ngại là thành công ngoại giao của tổng thống Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh, sẽ trở thành « lá bài » để tổng thống Nga Putin bắt chẹt.
Đăng ngày: 02/08/2024
Chỉ trong một ngày, sân bay Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) gợi lại hình ảnh cây cầu Glienicker Brücke nối Berlin và Postdam, nơi diễn ra các cuộc trao đổi tù nhân giữa hai khối Đông và Tây trong thời Chiến tranh lạnh. Theo điều tra của The Insider, được AFP trích dẫn, cuộc đàm phán trao đổi tù nhân được bắt đầu từ đầu năm 2022 để thuyết phục Nga thả nhà đối lập Alexei Navalny. Những diễn biến tiếp theo đã thay đổi hoàn toàn mục đích ban đầu của cuộc đàm phán.
Đức bị kéo tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán sau khi bắt giữ Vadim Krassikov, bị tình nghi là gián điệp của Tổng cục An ninh Liên bang Nga – FSB đã sát hại một cựu chỉ huy Chechnya ngay tại Berlin. Đức muốn đổi Vadim Krassikov lấy Alexei Navalny, sau đó qua đời ở trong tù, trong khi Matxcơva muốn đổi nhà báo Mỹ Evan Gershkovich, bị Nga cố tình bắt giữ làm « con tin ».
Đưa « con tin » về nhà: Thành công của Biden và Putin
Cuộc trao đổi tù nhân trước tiên là « thành công » của cả hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Nga. Tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, cùng với gia đình các tù nhân, đã đến tận chân cầu thang máy bay đón họ. Tổng thống Nga cũng trau chuốt hình ảnh đón những « người hùng » của đất nước trở về với hai hàng rào danh dự. Nhà nghiên cứu Lukas Aubin của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp – IRIS nhận định : « Cuộc trao đổi tù nhân này cho thấy Mỹ và Nga đã duy trì các cuộc đàm phán và họ vẫn đối thoại từ lâu ».
Không thể giúp Ukraina tái lập hòa bình từ nay đến cuối nhiệm kỳ (tháng 01/2025), ông Joe Biden muốn để lại một « di sản đối ngoại tích cực » cho Kamala Harris, người mà ông tin tưởng ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Một quan chức ngoại giao Mỹ, được Reuters trích dẫn, đánh giá cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ nhiều thập niên qua là « một kỳ tích » chứng minh « nền ngoại giao thông minh mang lại kết quả ».Trao đổi tù nhân, kể cả con tin bị lực lượng Hồi Giáo Hamas bắt giam ở dải Gaza, được chính quyền Biden coi là ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại.
Đằng sau « thắng lợi ngoại giao » này, ông Biden còn gián tiếp khẳng định vai trò « điều phối khéo léo », bởi vì theo tổng thống Mỹ, nhiều nước, nhất là Đức, đã có « đóng góp rất lớn ». Chính phủ Đức thừa nhận thả điệp viên sát nhân người Nga Vadim Krassikov là một « quyết định vô cùng khó khăn cho tư pháp Đức và sẽ gây nhiều chỉ trích », nhưng đó là « vì Mỹ và Đức có độ tin tưởng và lợi ích chung cao ». Việc lãnh đạo hai nước đạt được đồng thuận về trao đổi tù nhân với Nga cũng cho thấy « mối quan hệ song phương được cải thiện đáng kể » sau những rạn nứt dưới thời Donald Trump, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Mỹ Jeffe Rathke, hiệu trưởng Viện Mỹ-Đức, Đại học Johns Hopkins.
Nga sẽ lại bắt công dân phương Tây để mặc cả ?
Tuy nhiên, theo Reuters, cuộc trao đổi này chỉ mang tính « nhất thời ». Không có dấu hiệu nào cho thấy Matxcơva tìm cách cải thiện mối quan hệ với Washington và sẽ đàm phán về hòa bình cho Ukraina. Tổng thống Putin muốn kết thúc việc trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden để tránh phải đàm phán từ đầu với tân tổng thống Mỹ, vì ông Donald Trump, người có thể trở lại nắm quyền, từng tuyên bố « Chúng ta sẽ không trả gì hết ! »
Đây cũng là lý do để đảng đối lập Cộng Hòa Mỹ chỉ trích tổng thống Dân Chủ, như đã từng chỉ trích khi chính quyền Biden trao đổi Viktor Bout lấy ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner năm 2022. Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ, cho rằng việc trao đổi những công dân Mỹ vô tội với những tội phạm Nga bị giam ở Mỹ « chỉ cổ vũ cho chế độ (Putin) bắt giữ những con tin mới ». Đối với cựu quan chức quốc phòng Mỹ Ian Brzezinski, việc « các tù nhân được tự do là điều tuyệt vời », nhưng cách làm này càng khiến cho « việc bắt con tin trở thành thường xuyên và quy mô hơn ».
Trái với tuyên bố của thủ tướng Đức Olaf Scholz về « nghĩa vụ bảo vệ công dân Đức », tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế cho rằng những nhân nhượng của Berlin để lại « vị đắng » và « mở rộng thêm sự miễn trừ truy tố » cho Matxcơva. Còn theo nhật báo Bild, quyết định trao đổi tù nhân với điện Kremlin lại trở thành thông điệp gửi đến người dân Nga rằng « Putin là anh hùng ». Dù vậy, « đôi khi cũng phải bắt tay với ác quỷ », theo phát biểu của chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Đức Michael Roth, cùng đảng với thủ tướng Olaf Scholz.