Biểu tình ở Venezuela nêu bật nhiều năm nghèo đói gia tăng và các chính sách kinh tế thất bại
Người biểu tình chạy né hơi cay khi những người Venezuela ủng hộ phe đối lập biểu tình phản đối sau thông báo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia rằng Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, tại Caracas, Venezuela, hôm 29/07/2024. (Ảnh: Alexandre Meneghini/Reuters)
Autumn Spredemann
Thứ bảy, 03/8/2024
Hỗn loạn đã bao trùm đường phố của các thành phố tại Venezuela kể từ hôm 29/07 sau khi có thông báo rằng đương kim lãnh đạo Nicolás Maduro đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống của đất nước, một kết quả đã vấp phải sự hoài nghi rộng rãi.
Đã có báo cáo về 11 trường hợp tử vong do đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình và ít nhất 700 vụ bắt giữ trong bối cảnh nhiều cáo buộc gian lận bầu cử.
Những người biểu tình không phải là những người duy nhất phản đối kết quả bầu cử của Venezuela. Hôm 30/07, trung tâm Carter Center tại Atlanta đã thông báo rằng họ không thể “xác minh hoặc chứng thực” kết quả của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE). Carter Center đã ký một bản ghi nhớ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela vào tháng Ba, trong đó nêu rõ rằng tổ chức này sẽ được phép quan sát quá trình bầu cử một cách tự do; 17 chuyên gia và quan sát viên của Carter Center đã được điều động và cử đến quan sát tại Caracas, Barinas, Maracaibo, và Valencia.
“Quy trình bầu cử của Venezuela không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính liêm chính trong bầu cử ở bất kỳ giai đoạn nào và vi phạm nhiều điều khoản trong luật pháp quốc gia của nước này,” Carter Center cho biết trong một tuyên bố. “Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh các nhân vật chính trị, tổ chức xã hội dân sự, và giới truyền thông bị hạn chế quyền tự do. Trong suốt quá trình bầu cử, CNE đã thể hiện sự thiên vị rõ ràng là có lợi cho người đương nhiệm.”
Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng phản đối kết quả bầu cử của CNE, tuyên bố rằng, “Trong suốt toàn bộ quá trình bầu cử này, chúng tôi thấy chế độ Venezuela áp dụng kế hoạch đàn áp của mình cùng với những hành động nhằm bóp méo hoàn toàn kết quả bầu cử, khiến kết quả trở nên dễ dàng bị thao túng một cách lệch lạc nhất.”
Một báo cáo của Cơ quan Hợp tác và Quan sát Bầu cử (DECO) lưu ý rằng CNE đã thông báo là họ đã kiểm đếm 80% kết quả bầu cử trong vòng vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và tuyên bố ông Maduro là người chiến thắng mà không cung cấp thông tin chi tiết từ các điểm bỏ phiếu hoặc công bố bảng kiểm phiếu chính thức. Cơ quan này cũng phát hiện ra lỗi toán học trong kết quả được công bố trên kênh chính thức của CNE.
Những người ủng hộ đảng đối lập và lãnh đạo của đảng này, bà Maria Corina Machado, tuyên bố rằng đảng của bà có bằng chứng cho thấy ông Maduro và Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã thua trong cuộc tổng tuyển cử hôm 28/07. Bà Machado cho biết 73% số phiếu cho thấy ứng cử viên đối lập Edmundo Gonzalez là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, với số phiếu nhiều hơn gấp đôi số phiếu của ông Maduro.
Trong một bài diễn văn qua truyền hình, ông Maduro lên án các cuộc biểu tình sau bầu cử này và các cáo buộc về gian lận bầu cử. Ông đổ lỗi cho đảng đối lập về tình trạng hỗn loạn và cáo buộc rằng họ đang kích động bạo lực
Toà Bạch Ốc cũng đã phản hồi về kết quả bầu cử của Venezuela.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các cơ quan bầu cử của Venezuela công bố kết quả bỏ phiếu đầy đủ, minh bạch, và chi tiết, bao gồm cả kết quả của mỗi từng điểm bỏ phiếu,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết trong một tuyên bố chính thức. “Điều này là đặc biệt hệ trọng vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy kết quả bầu cử do Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela công bố không phản ánh ý nguyện của người dân Venezuela như đã được thể hiện tại thùng phiếu hôm 28/07.”
Vì sao Venezuela trở thành như vậy
Tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài hơn một thập niên của đất nước này có thể bắt nguồn từ một hành động chính trị mà đã mang lại thành công ban đầu dưới thời một lãnh đạo khác. Đảng cầm quyền hiện tại được thành lập bởi ông Hugo Chavez, vốn được bầu làm tổng thống vào năm 1998. Sau lời cam kết sử dụng trữ lượng dầu mỏ dồi dào của đất nước để giảm nghèo, chính quyền ông Chavez đã nắm quyền kiểm soát công ty dầu khí quốc doanh vào năm 2004 sau các cuộc đình công làm tê liệt đất nước của công nhân xảy ra từ năm 2002 đến năm 2003.
Ban đầu, việc đảng của ông Chavez nắm quyền kiểm soát mang lại kết quả tích cực. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế (CEPR), tình trạng nghèo đói và thất nghiệp đã giảm mạnh từ năm 2004 đến năm 2007.
Tuy nhiên, một phân tích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) phát hiện ra rằng quyết định sa thải những công nhân giàu kinh nghiệm trong ngành dầu khí của ông Chavez sau các cuộc đình công năm 2002–2003 đã “làm suy yếu công ty này về mặt chuyên môn kỹ thuật quan trọng.”
Một nghiên cứu được công bố trên tập san Resources Policy lưu ý rằng sản lượng dầu của Venezuela bắt đầu giảm đều đặn kể từ năm 2006. Đồng thời, ông Chavez bắt đầu cung cấp dầu được trợ giá cho các quốc gia khác có cùng quan điểm chính trị trong khu vực. Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Chavez, nợ chính phủ đã tăng gấp đôi trong khi trữ lượng dầu mỏ lại giảm sút.
Ông Maduro lên nắm quyền vào năm 2013 sau một cuộc bầu cử đặc biệt để xác định một nhà lãnh đạo mới sau khi ông Chavez qua đời. Kể từ đó, nền kinh tế Venezuela tiếp tục suy thoái, dẫn đến việc đồng tiền bị mất giá mạnh, thiếu hụt ngoại tệ, thiếu lương thực, và mức độ nghèo đói tăng cao.
Venezuela phụ thuộc rất nhiều vào xuất cảng dầu để có thu nhập và ngoại tệ. Một phân tích của Viện Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (NRGI) nêu rõ rằng ngành dầu mỏ nước này chịu trách nhiệm lên tới 70% thu nhập của chính phủ. Vì vậy, khi giá dầu toàn cầu giảm vào năm 2014, nền kinh tế của quốc gia dầu mỏ này tiếp tục suy thoái dưới sự quản lý của ông Maduro.
Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với xuất cảng dầu mỏ, bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2017, cũng đã được Tổng thống Joe Biden khôi phục vào tháng Tư năm nay.
Những tác động đối với khu vực
Sự suy thoái kinh tế mạnh mẽ dưới thời ông Maduro đã gây tác động tàn khốc đến cuộc sống của người dân Venezuela. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), kể từ năm 2017, số gia đình sống trong cảnh nghèo đói của Venezuela đã lên tới 90%.
Tính đến năm 2023, hơn 7 triệu người dân Venezuela sống dưới chế độ hiện tại đã bỏ chạy sang các nước láng giềng vì nền kinh tế bị tàn phá. Nhiều người trong số họ đến biên giới Tây Nam Hoa Kỳ dưới dạng tị nạn.
Trong năm tài khoá 2023, Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã bắt gặp 266,071 người Venezuela tới biên giới đất liền phía nam giáp với Mexico. Con số này cho thấy sự gia tăng đáng kể so với hai năm trước. Cho đến nay, số lượng người Venezuela đến biên giới đất liền phía Tây Nam Hoa Kỳ trong năm tài khoá 2024 là 262,739 người.
Tháng 11/2023, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã gọi cuộc di cư không ngừng của người Venezuela là “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới,” với số người tị nạn vượt qua số người từ Syria và Ukraine.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times