Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly trò chuyện với các phóng viên tại sảnh Hạ viện tại Parliament Hill ở Ottawa, vào ngày 27/03/2023. (Ảnh: The Canadian Press/Sean Kilpatrick)
Omid Ghoreishi
Thứ bảy, 03/8/2024
Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly cho biết trong tuần này rằng, do người dân Canada không tin tưởng Trung Quốc nên mối bang giao giữa Ottawa và Bắc Kinh không thể được “tái thiết lập.” Điều này diễn ra theo một xu hướng trong lịch sử, đó là những mối lo ngại của công chúng đã hạn chế các nhà lãnh đạo lấy lòng Bắc Kinh, bất chấp một số khu vực thúc đẩy làm như vậy.
Mặc dù ít thẳng thắng hơn, nhưng các nhà lãnh đạo khác của Canada trước đây đã từng bày tỏ những quan điểm tương tự như bà Joy.
Vào cuối nhiệm kỳ của mình vào năm 1993, cựu Thủ tướng Brian Mulroney đã tổ chức một bữa tối riêng tư với phó chủ tịch nước Trung Quốc tại Ottawa. Chỉ mới vài năm trôi qua kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, khi cảnh sát Trung Quốc nổ súng vào những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ, và nhiều nền dân chủ đã xa lánh chế độ cộng sản này vào thời điểm đó.
Ông Mulroney nói trong cuốn sách “Memoirs” (Hồi Ký) xuất bản năm 2007 rằng bữa tối này là một “tín hiệu” tới Bắc Kinh. Theo lời kể của ông, cộng đồng doanh nghiệp Canada gốc Hoa nói với ông rằng Trung Quốc đang trên đường trở thành một “tác nhân quan trọng về kinh tế.”
Ông Mulroney viết rằng, tín hiệu này cho thấy “Canada sẽ sẵn sàng hợp tác toàn diện với Trung Quốc trong những năm tới—tất nhiên là một cách thận trọng trước những lo ngại về nhân quyền hợp lý của chúng tôi.”
Trong cuốn sách còn dang dở năm 2019 “Claws of the Panda” (tạm dịch: Móng Vuốt của Gấu Trúc), tác giả và ký giả Jonathan Manthorpe đã giải thích rằng phải tiến hành một cách “thận trọng” như thế là vì “các lý do chính trị trong nước” khi người Canada lo ngại về hành vi đàn áp nhân quyền của Trung Quốc.
Nhìn vào dữ liệu thăm dò lịch sử và các giai đoạn quan trọng trong mối bang giao giữa Canada và Trung Quốc cho thấy rằng vào lúc các cuộc thăm dò cho thấy công chúng ít lo ngại hơn về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã đạt được những thỏa thuận quan trọng và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Còn vào lúc các cuộc thăm dò cho thấy mối lo ngại lớn hơn, thì các nhà lãnh đạo tỏ ra dè dặt.
Chuyến công du của bà Joly
Tuần này, sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Canada tới Trung Quốc sau bảy năm và sau khi mối quan hệ Ottawa-Bắc Kinh xấu đi do vụ việc bà Mạnh Vãn Chu, bà Joly cho biết chính quan điểm tiêu cực của người Canada về Trung Quốc đang cản trở mối quan hệ song phong này được “thiết lập lại chính thức.”
“Đó không phải do chính phủ, mà thiên về nhận thức tiêu cực của người Canada đối với Trung Quốc hiện nay. Và điều quan trọng là Trung Quốc phải hiểu điều đó,” bà nói với The Globe and Mail sau chuyến công du từ ngày 18 đến 21/0/07.
Những bình luận sau chuyến công du của bộ trưởng này đã được các đối thủ chính trị của bà giải thích rằng chính phủ của bà đang bị ngăn cản theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết với Trung Quốc do lo ngại về các cuộc thăm dò.
“Bà ấy thực sự đã nói rằng bất chấp sự can thiệp của họ vào các cuộc bầu cử của chúng ta, bất chấp những lời đe dọa của họ đối với một nghị sỹ Canada đương nhiệm và gia đình ông ấy, bất chấp việc điều hành các đồn công an bất hợp pháp trên đất của chúng ta, bất chấp việc bắt cóc 2 công dân của chúng ta, bất chấp những vi phạm nhân quyền đang diễn ra, và bất chấp sự gây hấn quân sự gia tăng,” Thượng nghị sỹ Đảng Bảo thủ Leo Housakos nói trên nền tảng X hôm 22/07.
“[Bà] ấy muốn nói rõ rằng không điều nào trong số này có thể đủ để ngăn chính phủ của bà ấy thực thi công việc như thường lệ với những tên côn đồ cộng sản ở Bắc Kinh, ngoại trừ những con số thăm dò khó chịu cho thấy họ không phải là người thắng cử.”
Một cách khác để có thể giải thích những nhận xét này đó là bà Joly muốn nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải làm theo ý muốn của người dân.
Bộ của bà Joly không nói rằng liệu có cách giải thích chính xác hay không.
“Tôi sẽ để ý kiến của Bộ trưởng tự nói lên điều đó. Chúng tôi không có gì để bổ sung thêm,” ông John Babcock, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Canada, cho biết trong một thư điện tử.
Bất kể người ta có thể suy ra điều gì từ lời nói của Bộ trưởng, thì những bình luận này đều được đưa ra vào lúc cảm tình của người dân Canada về chế độ Trung Quốc đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Kể từ khi Bắc Kinh bắt giữ hai công dân Canada và ngăn chặn một số hàng xuất cảng của Canada nhằm rõ ràng trả đũa vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào cuối năm 2018, thiện cảm của công chúng về Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh tại Canada. Xu hướng giảm này vẫn duy trì ngay cả sau khi hai công dân Canada được trả tự do sau khi bà Mạnh được phóng thích vào năm 2021 và mối quan hệ Ottawa-Bắc Kinh dần tan băng sau đó.
Nhận thức của công chúng Canada lại càng trở nên tiêu cực hơn trong những tháng gần đây khi các báo cáo tình báo tiết lộ sự can thiệp sâu rộng của Trung Quốc vào các vấn đề của Canada. Điều đó gồm can thiệp bầu cử, quấy rối cộng đồng người Hoa hải ngoại, và thậm chí là đe dọa gia đình của các nhà lập pháp Canada, những người có quan điểm cứng rắn về hành vi đàn áp nhân quyền của Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi năm ngoái cho thấy chỉ có 14% người Canada có cái nhìn thiện cảm hoặc có phần thiện cảm với Trung Quốc. Dữ liệu lịch sử từ tổ chức này cho thấy thiện cảm của người Canada về Trung Quốc có xu hướng giảm là ít nhiều có sự nhất quán trong hai thập niên vừa qua, khi Trung Quốc thể hiện mình hung hăng hơn trên trường quốc tế và tiếp tục đàn áp nhân quyền trong nước.
Đường xu hướng đã thay đổi đáng kể sau năm 2018, trùng với thời điểm Canada bắt giữ bà Mạnh và các hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với Canada. Theo dữ liệu của Pew, ngay trước sự kiện đó, tỷ lệ người Canada có quan điểm phản đối Trung Quốc đã tăng từ 40% năm 2017 lên 45% vào năm 2018, thay đổi 13%. Vào năm 2019, khi Trung Quốc tiến hành các chiến thuật trả đũa Canada, tỷ lệ những người phản đối đã tăng lên 67%—thay đổi 49% so với năm trước.
Tỷ lệ người có quan điểm bất lợi đã tăng lên 73% vào mùa hè năm 2020. Vào năm đó, chính phủ ông Trudeau đã đưa ra giọng điệu tương đối quyết đoán hơn đối với Bắc Kinh, với việc Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra những bình luận như nói rằng Trung Quốc đang tiến hành “các hành động cưỡng ép ngoại giao” và rằng chính phủ của ông sẽ không ngừng đứng lên bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.
Các giai đoạn then chốt và nhận thức của công chúng
Quan điểm cho rằng nhận thức của công chúng đã ảnh hưởng đến chính sách Trung Quốc của Canada cũng đã được các nhà lãnh đạo Canada khác nêu lên.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm United Church Observer hồi năm 1968, Thủ tướng Lester Pearson đã nêu ra lý do ông không theo đuổi mối quan hệ với Trung Quốc cộng sản. Bên cạnh việc nói rằng đồng minh số một của Canada, Hoa Kỳ, không muốn nước láng giềng phía bắc thân thiện với chế độ cộng sản, ông Pearson còn chỉ ra việc thiếu sự ủng hộ của công chúng.
“Khi quý vị vấp phải sự chia rẽ trong dư luận trong nước và không có sự cấp bách lớn lao nào về mặt đạo đức hay chính trị để hành động, thì mối quan hệ của quý vị với láng giềng của mình, với Hoa Kỳ, sẽ trở nên quan trọng đối với vấn đề đó,” ông Pearson nói, như được kể lại trong cuốn sách “Engaging China” (tạm dịch: Thu hút Trung Quốc) được xuất bản năm 2014 của giáo sư danh dự Paul Evans ở Đại học British Columbia.
Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng đúng.
Mặc dù quan điểm của người Canada về chế độ cộng sản Trung Quốc nhìn chung là tiêu cực trong suốt lịch sử—hai nước thậm chí còn chiến đấu ở hai phe đối lập trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950—nhưng lúc quan điểm của công chúng đỡ tiêu cực hơn thì các giai đoạn then chốt trong mối quan hệ nồng ấm hơn đã diễn ra.
Ngay trước khi Trung Quốc bắt đầu can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên năm 1950, chỉ có 38% người Canada ủng hộ việc công nhận ngoại giao đối với chế độ cộng sản này, và 39% phản đối, theo ấn phẩm năm 1985 “Ý kiến công chúng Canada về quan hệ với Trung Quốc” của ông John C. Evans và học giả Daphne Taras. Sau chiến tranh, sự ủng hộ càng giảm thêm, với 32% ủng hộ vào năm 1959 và 44% phản đối.
Mặc dù vẫn chưa phải là một quan điểm phổ biến công khai, nhưng sự ủng hộ đã lên đến 52% (với 28% phản đối) vào năm 1969, ngay trước thời điểm tân Thủ tướng đắc cử Pierre Trudeau hoàn toàn công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1970.
Dữ liệu lịch sử từ Pew cho thấy nhận thức tiêu cực đối với Trung Quốc ở mức thấp tới 27% vào năm 2005, sau khi các đời chính phủ của Jean Chrétien và Paul Martin theo đuổi các cam kết thương mại lớn với Bắc Kinh và đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thoát khỏi sự cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Quan điểm ngày càng xấu đi của người Canada về Trung Quốc trong hai thập niên vừa qua xuất hiện vào giữa những năm 2010, trùng với thời điểm chính phủ của Đảng Tự Do mới đắc cử của ông Justin Trudeau bắt đầu theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Theo dữ liệu của Pew, 48% người Canada có quan điểm không thiện cảm với Trung Quốc vào năm 2015. Con số đó giảm xuống còn 40% vào năm 2016 và 2017—trong thời gian đó Canada theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại tự do với Trung Quốc và thậm chí còn cân nhắc một hiệp ước dẫn độ. Những quan điểm bất lợi sau đó đã tăng đều đặn lên 45% vào năm 2018 và tăng tốc lên 67% vào năm 2019 giữa lúc diễn ra vụ bà Mạnh Vãn Chu.
“Do ĐCSTQ bắt giữ hai anh em Michaels và sự can thiệp sâu sắc cũng như nỗ lực thao túng hai cuộc bầu cử liên bang của Canada, ngày càng nhiều người Canada nhận ra sự tai hại mà ĐCSTQ đã gây ra cho Canada,” bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một tay viết về các vấn đề Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Toronto nói với The Epoch Times.
“Ngày càng có nhiều người đang theo dõi và yêu cầu chính phủ Canada tiếp tục cảnh giác và giữ khoảng cách với ĐCSTQ.”
Tuy nhiên, bà nói rằng người ta đang lo ngại việc Trung Quốc áp dụng chiến thuật lấy lòng giới tinh hoa có thể một lần nữa thành công trong việc hâm nóng mối bang giao giữa Ottawa và chế độ cộng sản Trung Quốc, như cuối cùng đã xảy ra sau khi mối bang giao bị đóng băng trong Chiến tranh Triều Tiên và vụ thảm sát Thiên An Môn.
Bà Thịnh nói: “Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, khi ít nhất 45 triệu người thiệt mạng do nạn đói ở Trung Quốc, ĐCSTQ vẫn chi những khoản tiền lớn để mua chuộc bất kỳ người ủng hộ tiềm năng nào trong cộng đồng quốc tế.”
Bà nói thêm rằng việc Canada chính thức công nhận ĐCSTQ vào năm 1970 đã giúp đảng này trở nên mạnh mẽ hơn—điều này đã gây bất lợi cho Đài Loan và thế giới tự do. Bà cho biết người dân Canada nên cẩn thận, đừng mất cảnh giác và đừng để những tình trạng như vậy tái diễn.
Bà Thịnh nói: “Tôi hy vọng rằng một cơn ác mộng lịch sử như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times