Vào thời điểm ban lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị bước vào một nhiệm kỳ mới, khối này có thể sẽ phải xem xét lại một số chính sách áp dụng với Trung Quốc. Đó là nội dung bài viết đăng trên trang mạng Nhật The Diplomat ngày 03/08/2024. RFI xin trích dịch.
Đăng ngày: 05/08/2024
Ngày 18/07/2024, bà Ursula von der Leyen được bầu lại làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, sau khi bà Roberta Metsola tái đắc cử chủ tịch Nghị Viện Châu Âu. Trong khi đó, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa sẽ thay ông Charles Michel làm chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. Vốn chỉ trích gay gắt Nga và ủng hộ mạnh mẽ Ukraina, thủ tướng Estonia Kaja Kallas sẽ là đại diện cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, thay ông Josep Borrell. Điều này cho thấy giới lãnh đạo Liên Âu vẫn duy trì những chiến lược vốn đã áp dụng, nhưng đồng thời cũng muốn có sự thay đổi, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Cam kết kiên định và lâu dài của Liên Âu đối với trật tự quốc tế tự do cũng như việc tuân thủ chủ nghĩa đa phương, dân chủ và nhân quyền đã giúp EU trở thành một khối các quốc gia có tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của EU, sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, hỗ trợ các sáng kiến về biến đổi khí hậu và một loạt sáng kiến thúc đẩy phát triển được thực hiện trong khu vực bao gồm Cam Bốt, Lào, Đông Timor và Việt Nam. Tại các khu vực lớn khác ở Nam bán cầu, đặc biệt là châu Phi, Liên Âu đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hợp tác với các đối tác nhằm thúc đẩy phát triển và hòa bình.
Việc tiếp tục các chính sách của EU là điều đáng khích lệ, nhưng khối này cũng cần phải có sự điều chỉnh nhanh chóng trong một số chính sách.
Liên Âu đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan với Trung Quốc. EU đã từng coi Trung Quốc là “đối tác hợp tác, địch thủ cạnh tranh kinh tế và là đối thủ mang tính hệ thống”. Tuy nhiên, kể từ khi thuật ngữ này được “áp dụng”, đã có những thay đổi đáng kể trong nền chính trị toàn cầu. Từ đại dịch Covid-19 cho đến việc Nga xâm lược Ukraina, thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, cũng như sự bắt chẹt về kinh tế của Bắc Kinh đối với các nước châu Âu. Tất cả những yếu tố trên cho thấy Trung Quốc thể hiện bản thân là một đối thủ có tính hệ thống, một địch thủ cạnh tranh khốc liệt của EU nhiều hơn là một đối tác.
Sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc dành cho Nga trong việc chống lại các lệnh trừng phạt của Liên Âu cho thấy rõ quan điểm của Bắc Kinh trong hồ sơ này và khiến chiến lược của EU đối với Trung Quốc cần phải được xem xét lại. Những sự kiện này cho thấy Trung Quốc đứng ở phe đối lập với một loạt các vấn đề tạo thành cốt lõi các chuẩn mực và giá trị của EU, trong khi Bắc Kinh hưởng lợi từ trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ được phương Tây thống nhất.
Sự bất đồng về các chuẩn mực và giá trị giữa Liên Âu và Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh chiến tranh Ukraina hoành hành cùng với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Biển Đông và Đài Loan. Điều này khiến EU phải cân bằng giữa các cam kết ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc, với vai trò quốc tế và các quy tắc nền tảng của mình.
Những diễn biến gần đây trong quan hệ Trung – Âu không được khả quan. Chuyến thăm cấp Nhà nước của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp, Serbia và Hungary đã cho thấy sự bất lực của các quốc gia EU (đặc biệt là Pháp) trong việc gây áp lực với Trung Quốc, vào thời điểm quan hệ thương mại của EU với Bắc Kinh rất mất cân bằng (thâm hụt thương mại hàng hóa của Liên Âu với Trung Quốc là 291 tỷ euro vào năm 2023). Đồng thời, EU cũng không thuyết phục được Bắc Kinh gây áp lực với Nga để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina.
Trong khi đó, chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 05/2024 của thủ tướng Đức Olaf Scholz cho thấy ông sẵn sàng làm ngơ trước hồ sơ nhân quyền và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh để đổi lấy những lợi ích kinh tế, điều khiến ông bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Theo dự kiến ban đầu, thủ tướng Scholz lẽ ra phải đề cập đến vấn đề nhân quyền với Bắc Kinh trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc gia tăng đàn áp kể từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo đất nước vào năm 2013.
Quan hệ Berlin – Bắc Kinh rất phức tạp. Đức thừa nhận Trung Quốc là một mối lo ngại về an ninh và là đối thủ cạnh tranh địa chính trị mà Berlin cần phải đề phòng. Thay vì thúc đẩy quan hệ Trung – Đức mà vẫn không đi ngược lại với chính sách của EU, bằng cách thúc đẩy tôn trọng nhân quyền cũng như các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận, ông Scholz đã quyết định “nhắm mắt làm ngơ”. Điều này sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho Đức, cũng như không giúp bảo vệ các quyền con người cơ bản của công dân Trung Quốc.
Thái độ trái chiều của Pháp và Đức đối với Trung Quốc cho thấy sự thiển cận của họ trong việc đối phó với Bắc Kinh, một khuyết điểm mà khối EU cần phải khắc phục.
Trung Quốc cũng chú ý đến sự chia rẽ nội bộ trong EU liên quan đến Nga. Trung Quốc tập trung vào các quốc gia như Serbia hay Hungary nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia thân Nga, cũng là những nước mà Trung Quốc đầu tư mạnh. Ông Tập mong muốn chứng tỏ ảnh hưởng liên tục của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu, bất chấp ngày càng nhiều quốc gia rời bỏ sáng kiến hợp tác do Bắc Kinh dẫn đầu giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu. Bắc Kinh cũng đang tìm cách hiện thực hóa tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Âu, với tuyến đường sắt Beograd – Budapest, một phần quan trọng trong chiến lược tiếp cận châu Âu của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Nga đánh chiếm Ukraina vào tháng 02/2022 được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố Trung Quốc là bên trung lập trong cuộc chiến ở Ukraina. Bất chấp sự phản đối của EU, các cam kết ngoại giao của Trung Quốc với Nga thể hiện lợi ích và mối quan hệ của Bắc Kinh với Matxcơva. Mặc dù sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga mang tính chiến thuật và phần lớn vì lợi ích kinh tế và quân sự, tác động lâu dài của cuộc chiến cũng như ý đồ của Trung Quốc muốn tái hiện những gì xảy ra với Ukraina trong khu vực lân cận là điều khiến mọi người lo lắng.
Chính sách hiện tại của Liên Âu đối với Trung Quốc đã mang lại những lợi ích ngắn hạn nhất định, nhưng việc hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh về thương mại và đầu tư có thể khiến EU rơi vào thế có thể được gọi là tình trạng “Nga 2.0”. Nguồn lực của Liên Âu đang cạn kiệt sau khi hỗ trợ Ukraina chống lại Nga, khiến khối này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Do vậy, giải pháp tối ưu đối với EU là giảm thiểu những rủi ro từ cả phía Nga lẫn Trung Quốc.
Dường như Liên Âu cũng nhận thức được về những vấn đề này. Trong bài phát biểu về chính sách Trung Quốc hôm 30/03 tại Bruxelles, bà Ursula von der Leyen đã gọi quan hệ Trung – Âu là “bất cân xứng”.
EU cũng cảnh giác với những diễn biến địa chính trị đang diễn ra ở eo biển Đài Loan. Trong tuyên bố của mình, bà Ursula von der Leyen đã bày tỏ lập trường vững chắc trước các hành động quyết đoán và khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan, kêu gọi “những nỗ lực tập thể nhằm triển khai toàn bộ các biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng biện pháp quân sự, đặc biệt ở Đài Loan”.
Đài Loan đang ở trong tình thế khó khăn khi đối phó với một Trung Quốc hiếu chiến và hòn đảo cần sự hỗ trợ rõ ràng từ Liên Âu, Hoa Kỳ và các cường quốc khác trong khu vực. Để ngăn chặn những sự kiện tại Ukraina tái diễn ở eo biển Đài Loan, các bên sẽ phải xây dựng các biện pháp răn đe ngoại giao và quân sự bền vững để hỗ trợ Đài Loan. Dàn lãnh đạo mới của EU có thể sẽ đóng vai trò rất lớn trong vấn đề này.
Liên Âu phải duy trì vai trò là khối đi tiên phong về các chuẩn mực toàn cầu, duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế tự do dựa trên các nguyên tắc dân chủ, công lý, nhân quyền và pháp quyền. Bối cảnh hiện tại buộc Liên Âu phải có một cách tiếp cận mạch lạc, sâu sắc và có hệ thống để có thể xử lý hiệu quả những thách thức tiềm tàng từ phía Trung Quốc trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.